Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
163 lượt xem

Sau “Mai” của Trấn Thành: Điện ảnh Việt ảm đạm, chờ Lý Hải “Lật mặt”?

Sau thành công của “Mai”, điện ảnh Việt đang ở giai đoạn thất thu. Nhiều chuyên gia cũng như khán giả kỳ vọng, Lý Hải và Thái Hòa sẽ thống trị doanh thu phòng vé Việt ở mùa phim hè sắp đến.

Nói về sự thất thu, ảm đạm của điện ảnh Việt thời điểm này, đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải cũng cho rằng, sau dịp Tết Nguyên đán, khi hầu hết các rạp đều nhường suất chiếu cho phim Việt Nam thì ở thời điểm này, phim Việt chưa được khán giả chú ý trở lại.

Phòng vé Việt phải nhường chỗ cho hàng loạt phim “bom tấn” nước ngoài như Kung Fu Panda, Exhuma: Quật mộ trùng ma, Dune 2: Hành tinh cát, Godzilla x Kong: Đế chế mới…

Theo ông Hải, kể cả việc thành công về mặt doanh thu của phim Việt hiện nay cũng được cho rằng phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Thời điểm chiếu (trong đó dịp Tết Nguyên đán là thời điểm thuận lợi nhất); số suất chiếu; thời gian của suất chiếu, cùng với chất lượng phim và khả năng phù hợp với thị hiếu của khán giả Việt.

“Đặc biệt, trong thời gian qua ai cũng đã thấy rõ rằng, chiến dịch truyền thông, quảng cáo cho phim đóng vai trò cực kỳ lớn trong việc thu hút khán giả tại Việt Nam.

Việc không có những phim thành công tiếp theo trong thời gian này cũng có thể đã nảy sinh câu hỏi về sự bền vững trong khả năng thu hút khán giả của phim Việt”, đạo diễn Bùi Trung Hải nói.

Chuyên gia, nhà phê bình Nguyễn Phong Việt nhận định, cho đến thời điểm này của phim Việt, hai cái tên Trấn Thành và Lý Hải đang ở một bên và bên còn lại là những cái tên đạo diễn, nhà sản xuất khác của thị trường.

“Sau một mùa phim Tết thành công về mặt doanh thu với Mai của Trấn Thành thì thị trường lại rơi vào giai đoạn thấp điểm, dù rằng trong tháng 3 và tháng 4 vẫn có không ít phim Việt Nam ra rạp.

Tuy nhiên, tên tuổi đạo diễn cùng ê-kíp sản xuất của các phim này đều không có bất cứ ai có sự bảo chứng về mặt uy tín phòng vé.

Do đó, việc thị trường chờ đợi cho đến khi phim Lật mặt 7: Một điều ước của Lý Hải ra rạp vào cuối tháng 4/2024, chúng ta mới hy vọng có thêm một cú hích về doanh thu phòng vé”, chuyên gia Nguyễn Phong Việt cho hay.


Mùa phim hè năm nay có khoảng 20 dự án điện ảnh ấn định ra rạp. Trong đó, có 4 phim Việt gồm: B4S – Trước giờ yêu, Đóa hoa mong manh, Cái giá của hạnh phúc và Lật mặt 7: Một điều ước. Số còn lại là phim quốc tế, tới từ nhiều thị trường như Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc hay Hollywood.

Nhìn vào danh sách trên, các chuyên gia cũng như khán giả đặt sự kỳ vọng vào hai ngựa chiến trên đường đua phim Việt trong tháng 4 là Cái giá của hạnh phúc (Nguyễn Ngọc Lâm đạo diễn) và Lật mặt 7: Một điều ước (Lý Hải đạo diễn).

Ban đầu, cả hai ấn định ra rạp cùng ngày, tuy nhiên, mới đây, phim Cái giá của hạnh phúc thông báo đẩy lịch chiếu sớm, trình làng vào ngày 19/4 thay vì 26/4 như dự kiến.

Mục đích như những gì nhà sản xuất chia sẻ là để tránh đụng với phim của Lý Hải và tạo điều kiện cho mỗi bên đều có cơ hội tiếp cận khán giả. Đây được xem là quyết định đúng đắn, bởi ở dòng phim thương mại, ngoài Trấn Thành thì khó ai có thể cạnh tranh được với Lý Hải.

Năm ngoái, chiến thắng mùa phim hè thuộc về Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh của Lý Hải, trong cuộc đua căng thẳng với Con Nhót mót chồng.

Bởi vậy, dù tiếp tục sở hữu “ngôi sao phòng vé” Thái Hòa, Cái giá của hạnh phúc khó tạo được sức hút lớn so với Lật mặt 7.

Nhà phê bình Nguyễn Phong Việt cho rằng, việc cán cân doanh thu đang nghiêng hẳn về Trấn Thành và Lý Hải cho thấy thị trường điện ảnh Việt Nam vẫn còn rất bấp bênh.

Theo ông Việt, các đạo diễn khác cũng chỉ có ước mơ phim đạt 100 tỷ đồng doanh thu đã là thành công, còn Trấn Thành vượt mức doanh thu 500 tỷ đồng cho một phim và Lý Hải đang hướng đến cột mốc vượt 300 tỷ đồng với Lật mặt 7: Một điều ước sắp ra mắt tới đây.

“Chúng ta sẽ còn cần rất nhiều những Trấn Thành và Lý Hải để giúp cho khán giả ra rạp nhiều hơn, doanh thu thị trường nội địa tăng trưởng mạnh hơn. Dẫu vậy, vào thời điểm này, đây sẽ là việc rất khó khăn khi chất lượng các tác phẩm của điện ảnh Việt Nam có sự trồi sụt rất thất thường.

Việc đảm bảo được chất lượng đi kèm số lượng khả dĩ sẽ cần thêm ít nhất 3-5 năm nữa với một thế hệ trẻ là các đạo diễn, nhà sản xuất cùng các nhân lực trong ngành làm phim có được sự đồng đều về năng lực làm việc”, chuyên gia Nguyễn Phong Việt nói.

Còn đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải thì cho rằng, chúng ta cần chú ý đến mặt bằng chất lượng chung của các phim Việt ra rạp. Theo ông Hải, thành công về doanh thu của một hay hai bộ phim cũng chưa nói lên được nhiều điều, nhất là khi nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Đạo diễn Bùi Trung Hải nhấn mạnh, để có được sự phát triển bền vững, đa dạng, đồng đều là cả một quá trình phấn đấu của các nhà làm phim, cũng như cơ quan quản lý văn hóa.

Lý Hải (giữa, ảnh trái) trong buổi họp báo ra mắt phim “Lật mặt 7: Một điều ước” và các con của nam đạo diễn trong một cảnh phim (Ảnh: Mộc Khải, Nhân vật cung cấp)

Ông Hải lấy ví dụ từ điện ảnh Hàn Quốc. Theo ông, phim của họ rất đa dạng, và có thành công tương đối đồng đều ở nhiều thể loại phim, từ phim hiện thực chính kịch đến phim hành động, kinh dị, viễn tưởng… Họ thành công cả ở phim thương mại hướng đến đại chúng cũng như dòng phim độc lập.

“Sức mạnh của họ dựa trên khả năng áp dụng phương pháp làm phim tiên tiến, với đội ngũ sáng tác giàu tiềm năng, có những kỹ năng nghề nghiệp rất chuyên nghiệp trong tất cả các khâu biên kịch, đạo diễn, diễn xuất, hình ảnh, âm thanh v.v…

Đó cũng là tính đa dạng, tính chuyên nghiệp cần phải có của mỗi nền điện ảnh. Ngoài ra, sự năng động, quyết tâm giải quyết các vấn đề của các cơ quan quản lý văn hóa cũng đóng vai trò rất quan trọng”, đạo diễn Bùi Trung Hải bày tỏ.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cũng cho hay, vấn đề cốt lõi của điện ảnh Việt Nam hiện nay không nằm ở chỗ có bao nhiêu phim đạt doanh thu cao.

“Giai đoạn hiện tại việc gọi vốn để sản xuất phim rất nhỏ giọt, số lượng phim được sản xuất hàng năm vẫn chỉ ở mức xấp xỉ 50% trước dịch Covid-19.

Trong số phim tương đối ít đó, phim có chất lượng nội dung vẫn hiếm hoi. Ngay cả các nhà sản xuất phim cũng lựa chọn đầu tư vào các thị trường truyền thống như bất động sản để giữ vốn chứ không tiếp tục mở rộng đầu tư vào các dự án phim.

Vậy nên, một vài kỷ lục doanh thu cá biệt cũng không làm nóng hay có tác động gì khả quan cho ngành điện ảnh cả, vì nguồn tài chính vẫn đang và sẽ còn tắc trong tương lai gần”, đạo diễn Hữu Tuấn chia sẻ.

Vị đạo diễn từng thực hiện “Báo cáo về ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam 2018 – 2019” với sự hỗ trợ của Trường Điện ảnh châu Á Busan chia sẻ thêm: “Bây giờ chúng ta đủ sức, đủ tâm, đủ tài và đủ cả tiền để làm một bộ phim về 3 lần chiến thắng giặc Nguyên Mông hoặc Vua Quang Trung đại phá quân Thanh… thì tôi tin không chỉ thu hút được khán giả trong nước mà còn xuất khẩu thành công tại nước ngoài. Lúc đó, điện ảnh Việt mới mong tạo ra được sự đột phá”.

 

 

Bài viết cùng chủ đề: