Vị Giám đốc cho biết, Chủ tịch Trần Đình Long đã nhiều lần khẳng định rằng Hòa Phát hoàn toàn đủ năng lực cung cấp thép cho dự án, đặc biệt là thép dùng để làm đường ray.
Tại hội thảo “Ngành thép và sức khỏe của Hòa Phát” do Chứng khoán HSC tổ chức, nhiều nhà đầu tư đã bày tỏ sự quan tâm đến tác động của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đối với Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG).
Bà Phạm Thị Kim Oanh – Giám đốc tài chính của Hòa Phát khẳng định, đây không chỉ là niềm tự hào của các doanh nghiệp Việt Nam mà còn là cơ hội lớn cho tập đoàn – hiện là doanh nghiệp dẫn đầu ngành thép tại Việt Nam.
Bà Kim Oanh cho biết, Chủ tịch Trần Đình Long đã nhiều lần khẳng định rằng Hòa Phát hoàn toàn đủ năng lực cung cấp thép cho dự án, đặc biệt là thép dùng để làm đường ray.
“Ở thời điểm hiện tại chúng tôi đã bắt đầu nỗ lực nghiên cứu và cho người đi tìm hiểu công nghệ liên quan đến đường sắt ở các nước đã làm loại tàu cao tốc này”, bà Kim Oanh nói.
Theo bà, tại dự án Dung Quất 2, Tập đoàn Hòa Phát đã sản xuất được các loại thép chất lượng cao, vượt tiêu chuẩn đường ray tàu cao tốc, bao gồm thép mỏng dùng trong lốp ô tô – một sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật phức tạp. Dù vậy, sản lượng hiện tại vẫn còn hạn chế khiến nhiều nhà đầu tư chưa nhận thấy tiềm năng này.
“Khi chúng tôi đã làm được thép chất lượng cao đến vậy thì thép cho đường ray tàu cao tốc cũng chỉ có yêu cầu tương tự, thậm chí ở chuẩn thấp hơn nên Hòa Phát sẽ làm được. Khi Nhà nước đưa ra quyết định đầu tư đường sắt Bắc Nam thì chúng tôi sẽ có sự gia tăng về sản lượng ngay”, bà Kim Oanh khẳng định.
Ngoài thép đường ray, bà Oanh cũng đề cập đến việc Hòa Phát có thể cung cấp thép xây dựng cho các hạng mục liên quan như đế móng đường ray, điểm kết nối, nhà ga, cùng các sản phẩm tôn mạ, ống thép và thép cuộn cán nóng (HRC).
Điều này không chỉ mang lại cơ hội lớn cho Hòa Phát mà còn cho ngành công nghiệp thép trong nước.
Tập đoàn đang tích cực nâng cao năng lực sản xuất và chuẩn bị các nguồn lực để đáp ứng yêu cầu khắt khe của dự án. Đây là niềm tự hào của toàn thể cán bộ, nhân viên Hòa Phát, khi được đóng góp vào công trình trọng điểm quốc gia.
Bà Kim Oanh cũng tiết lộ rằng thép đường ray nằm trong danh mục sản phẩm mới của Hòa Phát. Tuy nhiên, tập đoàn chưa công bố mức đầu tư cụ thể vì cần cân nhắc các yếu tố như công nghệ, sản phẩm và tiêu chuẩn môi trường trước khi đưa ra con số chính thức.
Bên cạnh đó, bà nhấn mạnh rằng việc tự chủ nguồn thép trong nước sẽ mang lại lợi ích lâu dài, đặc biệt trong khâu bảo trì, bảo dưỡng dự án. Phụ thuộc vào thép nhập khẩu không chỉ làm tăng áp lực tỷ giá mà còn gây khó khăn trong việc duy trì vận hành sau này.
“Những gì chúng ta làm được thì chúng ta nên làm. Hàng Việt cũng không thua kém gì với thế giới vì chúng ta cũng có những công nghệ tiên tiến. Hòa Phát đang sử dụng công nghệ tiên tiến nhất để làm thép và dòng sản phẩm này cũng mới. Tôi nghĩ nhà đầu tư nên tin rằng vào việc ủng hộ hàng Việt”, bà Kim Oanh chia sẻ.
Bà cũng lưu ý rằng việc nhập khẩu không chỉ tốn kém ngoại tệ mà còn gây áp lực lên tỷ giá do phải đổi VND sang USD hoặc các ngoại tệ khác để thanh toán. Trong khi đó, ưu tiên doanh nghiệp trong nước không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn góp phần phát triển ngành thép nội địa.
Cũng trong hội thảo, bà Võ Thị Ngọc Hân, Giám đốc Nghiên cứu Cao cấp ngành Công nghiệp và Công nghệ của Chứng khoán HSC, cho biết tổng mức đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam ước tính khoảng 67 tỷ USD. Chi phí đầu tư vào tài sản cố định, bao gồm cơ sở hạ tầng và công trình dân dụng, chiếm 35-50%; chi phí xây dựng và lắp ráp đường ray chiếm 15-20%; còn chi phí xây dựng đường vào ga khoảng 10-15%.