Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
104 lượt xem

Sóc Trăng: Thu vài tỷ mỗi năm từ nuôi tôm công nghệ cao, lão nông chia sẻ bí quyết

Từ mô hình nuôi tôm công nghệ cao, hiện rất nhiều nông dân “chân đất” Sóc Trăng trở thành tỷ phú. Trong đó phải kể đến “đại gia” Tăng Văn Xúa với 6ha diện tích đất đầu tư nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng công nghệ cao.

Ông Xúa (65 tuổi) ở ấp Cảng Buối, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu nhớ lại: “Từ nhiều năm trước, ông cũng như nhiều nông dân khác gặp rất nhiều khó khăn do kinh nghiệm nuôi tôm chưa nhiều, thời tiết không thuận lợi, tôm thường bị chết với số lượng lớn. Với niềm đam mê nuôi tôm và quyết tâm cao độ, ông vẫn bám trụ vào nghề nuôi tôm.

Đến năm 2016, được sự hỗ trợ của chính quyền, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Tất cả quy trình nuôi được khép kín và áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật rất nghiêm ngặt, góp phần bảo vệ môi trường.

Cận cảnh mô hình nuôi tôm công nghệ cao của gia đình ông Xúa.

Trước đây, tôi nuôi tôm theo cách truyền thống, 1ha đất sẽ có 2 ao nuôi, mỗi ao khoảng 4 ngàn mét vuông mặt nước. Diện tích còn lại là ao lắng xử lý nước, tuy có thể thả tôm với mật độ dày nhưng hiệu quả không cao.

Còn đối với cách nuôi tôm công nghệ cao, 1ha đất chỉ nuôi khoảng 1.500m2 mặt nước. Phần diện tích còn lại làm ao ương và ao xử lý nước. Cách làm này có thể thả tôm với mật độ cao dày đặc, rồi liên tục thay đổi nguồn nước sạch nên tôm lớn nhanh, ít bệnh, cho năng suất cao, tăng hơn 3 lần so với thả nuôi theo cách truyền thống…”, ông Tăng Văn Xúa chia sẻ.

Để thực hiện mô hình này, ông Xúa đã bỏ nguồn vốn đầu tư khoảng 700 triệu cho hai ao nuôi có diện tích 1.500 m2/ao, bao gồm thiết kế hệ thống xi-phông, lót bạt, đường ống cấp oxy, quạt nước và dây chuyền cho tôm ăn, xử lý nước…

Quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng sẽ thực hiện qua giai đoạn ương và giai đoạn nuôi thương phẩm. Mỗi giai đoạn, tôm được nuôi trong một ao phù hợp, tôm sẽ được di chuyển từ ao này sang ao khác theo dòng chảy tự nhiên sau mỗi giai đoạn phát triển, nhờ đó tôm không bị sốc nước.

Tôm giống được thả với mật độ 2.200 con/m2, ương dưỡng từ 20 đến 25 ngày thì chuyển tôm sang ao nuôi bằng đường ống liên hoàn. Lúc này mật độ tôm trong ao nuôi dãn ra 235 con/m2. Sau 75 ngày là đạt cỡ tôm thương phẩm, năng suất dao động từ 5 đến 9 tấn/ao, tùy theo mùa.

Với 2 ao đầu tư hệ thống lót bạt rộng 3.000 m2, năm đầu tiên ông thả nuôi 03 vụ điều thắng lợi thu về lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng. Thấy mô hình hiệu quả, ông Xúa tiếp tục thực hiện cho những năm tiếp theo. Đến nay, hơn 7 năm nuôi theo mô hình nuôi tôm công nghệ cao, năm nào ông Xúa cũng trúng mùa, trung bình mỗi năm lợi nhuận thu được nuôi tôm từ 1,2 -1,5 tỷ đồng.

Ông Xúa cho biết, nuôi tôm bằng ao phủ bạt rất hiệu quả vì mực nước muốn lấy bao nhiêu thì trong vài tiếng đồng hồ đã lấy đủ, dễ kiểm soát các khoáng chất, độ PH của nước ao.

Ông Xúa thử độ PH trong nước.

“Nuôi mô hình này quan trọng nhất là chúng ta kiểm tra môi trường nuôi. Nếu môi trường tốt thì nuôi thành công rất cao, Tôi thả cá rô phi đơn tính vào ao nuôi tôm, tận dụng tập tính đảo trộn các tầng nước của cá rô phi để giúp đáy ao và nguồn nước ao nuôi tốt hơn. Tôi thiết kế mô hình theo hướng tuần hoàn gồm: ao lắng -> ao nuôi tôm -> ao chứa nước thải -> ao lắng rồi lặp lại…”.

Nước bơm trực tiếp từ các nguồn tự nhiên như ao, hồ, sông… sẽ được trữ trong ao lắng. Tại đây, ông tiến hành thả cá rô phi trong khoảng một tháng. Trong suốt thời gian này, cá không được cho ăn, thay vào đó, chúng sẽ sử dụng nguồn thức ăn là xác tôm, cá, động vật thủy sản chết và các loại tảo có trong nước.

Việc làm này giúp tạo ổn định cho môi trường nước, hạn chế sự phát tán của các sinh vật gây bệnh từ bên ngoài. Nước từ ao lắng sau khi xử lý được bơm vào ao nuôi tôm. Trong quá trình nuôi, ông Xúa bổ sung nguồn nước từ ao lắng vào ao nuôi định kỳ mỗi tuần một lần.

Khi nước ở ao nuôi tôm có dấu hiệu chuyển màu, ông Xúa tiến hành bơm nước này ra ao thải. Tại đây, nước được lắng cặn một phần rồi cho chảy sang ao lắng thả cá rô phi. Cứ như vậy, nước được tuần hoàn và tái sử dụng, hạn chế việc xả ra môi trường.

“Do nuôi khép kín, quản lý được thức ăn, môi trường nước được xử lý kỹ, quản lý được dịch bệnh ngay từ ban đầu nên hạn chế được tối đa các mầm bệnh so với cách nuôi truyền thống. Đồng thời, tôm lớn nhanh, dễ thu hồi vốn và mau có lợi nhuận”, ông Xúa cho biết thêm

Hiện nay, diện tích nuôi vừa tôm sú và thẻ chân trắng công nghệ cao của gia đình chú Xúa lên đến 6ha, mỗi năm thu hoạch khoảng 37 tấn tôm, với giá bán trung bình khoảng 100.000 đồng/kg, mỗi năm chú Xúa “bỏ túi sơ sơ năm, sáu tỷ”.

Ông Tăng Văn Xúa bật mí: “Để thành công trong nuôi tôm sú hay tôm thẻ chân trắng thì phải chịu bỏ vốn đầu tư mô hình nuôi tôm công nghệ cao, sẽ hạn chế rủi ro. Hơn nữa, đây là xu thế tất yếu trong nuôi trồng thủy sản hiện đại. Đặc biệt, nuôi tôm theo quy trình tiên tiến nên chủ động trong sản xuất, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, không dùng kháng sinh nên cho sản phẩm tôm sạch, nâng cao năng suất và chất lượng. Từ đó, được rất nhiều thương lái tranh nhau thu mua”.

Qua đó, đã giúp cho hơn 25 lao động có việc làm với thu nhập hơn 7 triệu đồng trên tháng, giúp đỡ cho 15 lượt hộ nông dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, ông Xúa còn đóng góp sửa chữa cầu, lộ nông thôn trị giá hơn 35 triệu đồng, xây dựng 4 cầu nông thôn trị giá 1 tỷ 200 triệu đồng, đóng góp Quỹ Hỗ trợ nông dân 01 triệu đồng/năm.

Bài viết cùng chủ đề: