Bằng ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên, lão nông Nguyễn Văn Hiển, xã Quang Huy (Phù Yên, Sơn La) thu lãi 300 triệu đồng mỗi năm nhờ làm mô hình kinh tế tổng hợp.

Sinh năm 1963, là người dân tộc Thái ở bản Mo Nghè 2, xã Quang Huy (Phù Yên, Sơn La), ông Nguyễn Văn Hiển tốt nghiệp Đại học nông nghiệp rồi tham gia công tác tại cửa hàng vật tư nông nghiệp huyện Phù Yên được 26 năm. Do cơ chế thay đổi, năm 2013, ông Hiển xin nghỉ hưu trước tuổi để bắt đầu thực hiện ước mơ làm giàu từ nông nghiệp trên chính mảnh đất quê hương. Để hiện thực hóa ước mơ, từ năm 1988, ông đã quyết định mua lại 1,5 ha đất nương, đồi để làm kinh tế trang trại.

Với vốn có kiến thức từ ngày học đại học nông nghiệp, ông Hiển bắt đầu làm kinh tế bằng mô hình trồng cây ăn quả như: trồng nhãn, vải, mận…qua thời gian, ông Hiển nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại từ trồng các loại cây ăn quả này thấp. Với ý chí, nghị lực vượt khó, ông Hiển luôn đau đáu là phải tìm hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn, sau khi nghiên cứu về đặc tínɦ của cây bưởi da xanh, bưởi Diễn, cũng như thổ nhưỡng, khí hậu của vùng đất lòng chảo Quang Huy (Phù Yên, Sơn La). Năm 2014, ông Hiển quyết định trồng cây bưởi da xanh và cây bưởi Diễn trên toàn bộ 1,5 ha diện tích đất nương, đồi của gia đình.

Thời gian đầu, ông thuê người đã có kinh nghiệm trồng bưởi ở huyện Đan Phượng (Hà Nội) lên ghép mắt bưởi với khoảng 200 gốc trồng thí điểm; cùng với đó, ông chịu khó tìm tòi, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại cho cây bưởi từ anh em, bạn bè, trên sách báo và đi thăm quan thực tế mô hình trồng bưởi da xanh, bưởi Diễn ở trong và ngoài tỉnh. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên vườn bưởi của gia đình ông Hiển phát triển tốt, ra trái sai. Từ thànɦ công bước đầu, ông Hiển quyết định nhân rộng cây bưởi ra toàn bộ diện tích với 200 gốc bưởi da xanh và 500 gốc bưởi Diễn.

Ông Hiển chia sẻ: để có được những trái bưởi to đẹp, an toàn, chất lượng, ngoài các loại phân và chế phẩm sinh học dùng đúng liều lượng, ông dùng phần lớn phân chuồng đã qua xử lý để bón cho cây; thường xuyên làm cỏ bằng phương pháp thủ công, không dùng thuốc phun cỏ. Ở mỗi thời kỳ phát triển của cây, ông đều thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cây; thực hiện tỉa cành, tạo tán cho cây. Sau nhiều năm miệt mài, vườn bưởi của gia đình ông Nguyễn Văn Hiển đã cho trái ngọt, những năm đầu chỉ thu vài nghìn quả.

Từ năm 2021 vườn bưởi đã thu được khoảng 15 nghìn quả. Cây nào chăm tốt có từ 150-200 quả. Riêng năm 2022, dự kiến sẽ thu khoảng 30 nghìn quả bưởi trong tổng số 500 cây đang cho thu hoạch. Với giá bán bình quân 5.000đồng/quả thì năm nay, vườn bưởi nhà ông Hiển cho thu nhập trên 150 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn khoảng 100 triệu đồng.

Nói về lý do đầu tư vào trồng cây bưởi da xanh và bưởi Diễn trên vùng khí hậu nóng, ông Hiển cho biết: Cây bưởi ở Phù Yên và tỉnh Sơn La nhiều người đã trồng đại trà. Trước hết, mình trồng cây gì mình phải nghiên cứu sâu, tìm hiểu về nó, đất đai, thổ nhưỡng như thế nào thì mới cho thành quả, quả mới chất lượng cao. Đất đai ở Phù Yên nóng, khi hết mưa không có sương mù, không có độ ẩm lớn, khi nắng là cạn kiệt nước nên cây bưởi rất phù hợp, nếu được chăm sóc tốt sẽ thành công.

Ông Hiển chia sẻ thêm kinh nghiệm: Nhìn lộc đông của cây bưởi, có thể biết năm sau cây có ra nhiều trái hay không. Nếu chăm tốt lộc đông, vụ sau cây sẽ sai hoa, đậu quả đẹp. Năm nay, vườn bưởi nhà ông Hiển rất nhiều lộc đông, dự kiến vụ bưởi năm sau sẽ bội thu hơn.

Ngoài trồng bưởi, phát huy tiềm năng, thế mạnh vườn đồi để làm kinh tế trang trại, ông Hiển còn tích góp vốn, vay thêm anh em bạn bè đầu tư nuôi trâu thương phẩm và trâu sinh sản, vừa tăng thêm nguồn thu nhập, vừa tận dụng chất thải của trâu để làm phân bón cho bưởi, vừa tiết kiệm chi phí.

Năm 2019, ông Hiển đầu tư mô hình nuôi trâu nhốt chuồng, với 250 triệu đồng, ông mua 12 con trâu giống. Sau 3 năm, đàn trâu nhà ông đã phát triển tốt, con nào cũng khỏe mạnh. Trong 2 năm: 2021, 2022 đàn trâu của ông đã sinh sản được 9 con. Trâu cái ông giữ lại làm giống, trâu đực vỗ béo bán trâu thương phẩm. Bắt đầu từ năm 2022, ông Hiển dự kiến mỗi năm xuất bán 6 con trâu thương phẩm và thu khoảng 200 triệu đồng.

“Để đàn trâu luôn khỏe mạnh và phát triển tăng đàn hàng năm, tôi luôn chủ động về nguồn thức ăn cho đàn trâu, hiện tại, tôi trồng 1.000m2 cỏ voi để cung cấp thức ăn xanh giàu dinh dưỡng, ngoài ra, tôi cũng thu mua thêm rơm khô của các hộ trong huyện để làm thức ăn dự trữ cho đàn trâu.

Đây là nguồn thức ăn thô quan trọng để phát triển chăn nuôi trâu. Qua đó, góp phần giải quyết nguồn phụ phẩm nông nghiệp của địa phương, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ngoài việc chủ động về nguồn thức ăn, chuồng trại tôi vệ sinɦ sạch sẽ hàng ngày, mỗi tuần phun khử trùng chuồng trại một lần; 6 tháng lại tiêm vắc-xin phòng chống các bệnh tụ huyết trùng, lở mồm, long móng, đau mắt đỏ…”, ông Hiển nói.

Gà thả vườn, đây cũng là mô hình cho ông Hiển thêm nguồn thu. Mỗi năm, ông xuất bán được 200kg gà thương phẩm, với giá bán hơn 120.000/1kg, ông thu hơn 24 triệu đồng, ngoài ra, với 50 con gà đã bắt đầu đẻ trứng, mỗi ngày 30 quả trứng, với giá bán 4.000 đồng/1 quả thì ông đã có thêm 120.000 đồng. Tuy mô hình gà thả vườn còn nhỏ nhưng trừ chi phí mỗi năm ông thu khoảng 30 triệu đồng.

Với mô hình kinh tế tổng hợp, hàng năm, ông Nguyễn Văn Hiển, xã Quang Huy (Phù Yên, Sơn La) thu lãi 300 triệu đồng, trong đó: trồng bưởi 100 triệu đồng, nuôi trâu thương phẩm và sinh sản 170 triệu đồng và nuôi gà thả vườn 30 triệu đồng.

Dân Việt