Anh Tráng A Dạng và anh Ly Mí Lử đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng thành công mô hình nuôi ong lấy mật, vươn lên làm giàu và giúp các hộ trong bản, trong xã phát triển kinh tế gia đình.

Anh Tráng A Dạng, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La (tỉnh Sơn La) đã xây dựng thành công mô hình nuôi ong mật, vươn lên làm giàu

Nhận thấy được lợi thế địa phương có nhiều diện tích rừng và nguồn hoa, thuận tiện cho việc nuôi ong, anh Tráng A Dạng đã mua 20 đàn ong mật tự nhiên từ huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái về nuôi. Đồng thời, học hỏi kỹ thuật nuôi ong, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc, tách đàn để nhân rộng quy mô nuôi.

Anh Tráng A Dạng

Với 80 đàn ong mật hiện có, một năm, gia đình anh Dạng thu hoạch 3 lần, mỗi lần từ 7 – 10 kg mật/đàn, bán với giá trên 120 nghìn đồng/kg mật ong, thu gần 100 triệu đồng.

Đầu năm 2020 anh Dạng đã đầu tư thêm 50 triệu đồng xây nhà lưới rộng gần 20m2, lắp trang thiết bị phục vụ nhân giống ong và nuôi thêm ong lấy nhộng. Tính riêng năm 2021, gia đình anh đã bán 700 – 800 kg mật ong, 50 đàn ong giống, gần 300 kg nhộng ong, tổng thu nhập hơn 350 triệu đồng.

Những đàn ong của gia đình anh Dạng được đặt cạnh vách đá, dưới những tán cây; tổ ong được xây bằng gạch, xếp đá cuội bên ngoài, nắp đậy bằng ván gỗ, có mái che. Anh Dạng chia sẻ: Nuôi ong cần ít vốn đầu tư, nhưng đòi hỏi nắm được quy luật phát triển của đàn ong, cẩn thận, tỷ mỉ trong từng khâu chăm sóc; thùng ong luôn khô thoáng, sạch sẽ.

Mỗi loại ong có những đặc điểm khác nhau, đến mùa chia đàn, người nuôi nắm rõ tập tính của chúng để giữ đàn ong không bay đi nơi khác và tranh thủ những tháng mùa đông để nhân giống ong.

Anh Ly Mí Lử, thôn Hua Đa, xã Thài Phìn Tủng huyện Đồng Văn (Hà Giang) đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng CSXH huyện 70 triệu đồng để đầu tư mua 60 thùng ong và mua giống về nuôi

Khi mới nuôi, do còn thiếu kinh nghiệm nên lượng mật khai khác được không đáng kể, một số đàn ong bị cɦết do nhiễm bệnɦ thối ấu trùng…Không nản chí, anh đến các cơ quan chuyên môn của huyện và các hộ nuôi ong thành công trên địa bàn để tiếp tục học hỏi và rút kinh nghiệm.

Mùa hoa bạc hà năm 2019, đàn ong của anh Lử phát triển tốt và cho lượng mật khai thác gần 90 lít; với giá bán từ 400 – 450 nghìn đồng/lít, anh thu về gần 40 triệu đồng. Từ thành công bước đầu, đến vụ năm 2020 – 2021, anh đầu tư mở rộng qui mô nuôi ong lên 130 đàn. Đến cuối vụ hoa bạc hà, anh Lử đã thu được trên 220 lít mật và bán được gần 100 triệu đồng.

Anh Ly Mí Lử

Đến nay, anh luôn duy trì từ 300 – 350 đàn ong và số mật thu được từ 650 – 700 lít trong mỗi vụ hoa bạc hà; với giá bán từ 550 – 600 nghìn đồng/lít (giá mật ong bạc hà năm 2022), trong vụ hoa bạc hà năm 2021 – 2022, anh thu về gần 400 triệu đồng.

Anh Lử cho biết: Do cây hoa bạc hà chỉ sinh trưởng duy nhất một vụ trong năm, từ tháng 10 đến tháng tháng 2 dương lịch của năm sau, nên công việc nuôi ong và khai thác mật cũng chỉ diễn ra trong thời gian này. Muốn nuôi ong khai thác mật thành công thì người nuôi phải không ngừng học hỏi các kinh nghiệm về nhân đàn, kỹ thuật khai thác và bảo quản mật.

Ngoài ra, một vấn đề quan trọng quyết định thành công trong nuôi ong là công tác phòng trừ dịch bệnɦ, nhất là bệnɦ thối ấu trùng ong, hiện tượng ong bốc bay và kẻ thù tự nhiên của đàn ong mật là ong khoái, thằn lằn, cóc.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả khai thác mật thì người nuôi cần phải di chuyển đàn ong đến gần các khu vực có nhiều cây bạc hà đang nở hoa và phải chọn thời điểm khai thác mật phù hợp để không ảnh hưởng đến năng suất mật và khả năng khai thác phấn hoa của đàn ong. Vụ hoa bạc hà năm 2021 – 2022, tổng thu nhập từ mật ong đạt khoảng 380 – 400 triệu đồng, sau khi trừ chi phí anh thu lãi khoảng 300 triệu đồng.

Hiện nay, anh cũng đang thu hoạch mật ong cuối vụ và chuẩn bị cho công việc lưu giữ giống ong, vệ sinh các thùng ong để chuẩn bị cho vụ hoa bạc hà cuối năm 2023. Được biết, ngoài nuôi ong khai thác phấn hoa cây bạc hà, anh còn chăn nuôi lợn đen và gà xương đen (còn gọi là gà Mông) xuất bán ra thị trường. Để có nguồn lương thực phục vụ cho sinh hoạt và phục vụ chăn nuôi, gia đình anh còn trồng gần 0,7 ha ngô nương.