Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
101 lượt xem

Sơn La: Mô hình nào giúp anh nông dân trở thành triệu phú sau khi gác lại bằng cử nhân?

Anh Tòng Văn Cường, bản Mường Nưa (Mường Lầm, Sông Mã, Sơn La) đã trở thành nông dân triệu phú với khát vọng vươn lên làm giàu, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật.

Anh Tòng Văn Cường luôn nhận thức được hoàn cảnh khó khăn của gia đình khi sinh ra và lớn lên tại bản Mường Nưa (Mường Lầm, Sông Mã, Sơn La). Với anh những hình ảnh vất vả lam lũ của bố mẹ và cả những người dân trong bản quanh năm mà cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám. Chính vì điều đó đã thôi thúc anh Cường phải học tập thật tốt để sau này thoát nghèo.

Khi còn ngồi trên ghế nhà trường anh Cường luôn nuôi dưỡng ước mơ của mình là trở thành thầy giáo để sau này về dạy chữ cho trẻ em vùng cao và dường như ước mơ đã trở thành hiện thực khi anh thi đỗ vào khoa Sư phạm trường Đại học Tây Bắc. Tốt nghiệp đại học với tấm bằng Cử nhân Sư Phạm năm 2009, anh Cường trở về quê nhà.

Trong thời gian chờ xin việc làm anh Cường giúp bố mẹ chăm sóc vườn nhãn và anh nhận thấy, với điều kiện hiện tại của gia đình, như: đất nương đồi có, ao cá có… tại sao mình không phát triển kinh tế gia đình từ đây? Năm 2011, sau khi lập gia đình anh chính thức bắt tay vào phát triển kinh tế gia đình bằng nghề nuôi cá giống và chăm sóc vườn nhãn 500 cây của gia đình.

Năm 2017, anh Cường là một trong những hội viên được Hội nông dân xã, Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Sông Mã (Sơn La) tạo điều kiện cho đi tham quan, học tập nhiều mô hình kinh tế hay trên địa bàn huyện, tỉnh.

Trở về, anh Cường đã quyết định không chăn nuôi cá giống nữa, mà tập trung vào cải tạo vườn nhãn. Bước đầu anh đã đầu tư gần 40 triệu để ghép cải tạo 500 cây nhãn cỏ của gia đình, tiếp đó anh đầu tư thêm 60 triệu để mua cây nhãn và xoài giống về trồng xen vào diện tích 4ha nhãn đã cải tạo của gia đình. Những vất vả của anh và gia đình đã có kết quả, 500 cây nhãn ghép đã cho thu hoạch lứa đầu tiên sau 1 năm, trừ tất cả các chi phí anh thu về 140 triệu đồng, từ đây, vườn nhãn nhà anh luôn cho thu nhập ổn định và có năm được mùa, được giá thì thu hơn 250 triệu/năm.

Có được thành quả như vậy, anh Tòng Văn Cường, bản Mường Nưa (Mường Lầm, Sông Mã, Sơn La) chia sẻ: Trải qua những khó khăn vất vả mới có được như vậy, tôi rất hiểu giá trị mình có, mình phải dám nghĩ dám làm, chịu khó học hỏi và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cùng thi đua và chia sẻ với nhau kinh nghiệm trong sản xuất.

Thu nhập từ cây nhãn ghép ổn định, anh Cường lại tiếp tục đầu tư vào mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng. Năm 2020, được sự hỗ trợ từ chương trình dự án chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2020, thuộc mô hình phát triển chăn nuôi bò sinh sản liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, anh Cường xây dựng thêm chuồng trại để chăn nuôi bò sinh sản.

Qua hơn 1 năm chăm sóc đến nay, đàn bò lai Sind, Batman 23 con của anh Cường sinh trưởng và phát triển tốt và sinh thêm được 4 con bê đáp ứng mục tiêu là tạo ra nguồn bê con đạt chất lượng, cung cấp cho bà con trong vùng phát triển chăn nuôi theo định hướng của huyện. Kinh tế gia đình ổn định, anh có điều kiện chăm lo cho gia đình, sửa lại nhà và mua ô tô.

Anh Cường chia sẻ thêm: Gia đình tôi thu nhập trung bình 300 – 400 triệu/năm từ trồng trọt và chăn nuôi, sắp tới gia đình sẽ cải tạo lại vườn và mở rộng quy mô chăn nuôi.

 

Bài viết cùng chủ đề: