Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
106 lượt xem

Sơn La: Trồng nấm bằng phụ phẩm nông nghiệp, chàng trai người Thái thu tiền tỷ

Vì Văn Bình, chàng trai người dân tộc Thái lại quyết tâm theo đuổi ước mơ làm nông nghiệp thay vì xin vào các cơ quan nhà nước như các bạn khác. Trải qua nhiều thăng trầm, anh đã tạo dựng được một mô hình kinh tế nông nghiệp thu tiền tỷ mỗi năm.

Chúng tôi tìm về bản Ánh Ưng, xã Chiềng Ban để đến tham quan mô hình trồng nấm của Vì Văn Bình. Dẫn đường cho chúng tôi, Bình chia sẻ: “Em sinh năm 1987, tốt nghiệp khoa Nông lâm, trường Đại học Tây Bắc. Từ nhỏ em đã thích làm nông nghiệp. Càng tìm hiểu về nấm em càng bị cuốn hút và tập trung nghiên cứu nhiều hơn, sâu hơn và em bắt tay vào trồng nấm thử nghiệm từ khi còn là sinh viên”.

Vì Văn Bình quyết tâm theo đuổi mục tiêu làm giàu từ nông nghiệp với mô hình trồng nấm sạch, an toàn trên chính quê hương của mình sau khi tốt nghiệp đại học. Cũng trong thời điểm này để trang bị thêm kiến thức, kỹ thuật trồng nấm, Vì Văn Bình tiếp tục theo học Thạc sĩ chuyên ngành khoa cây trồng tại trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam).

Tháng 8/2010, Bình đã cùng nhóm 5 người bạn mạnh dạn bắt tay vào trồng nấm từ phụ phẩm nông nghiệp với số tiền đầu tư ban đầu là 15 triệu đồng/thành viên.

Đến tháng 6/2011, Bình và nhóm bạn quyết định hoàn tất các thủ tục để thành lập Công ty Cổ phần phát triển Nông nghiệp Sơn La do mình làm giám đốc. Tuy nhiên, cũng do còn thiếu kinh nghiệm, sau năm đầu thành công thì từ năm thứ 2 đến năm thứ 3 do mở rộng quy mô nên mô hình trồng nấm của Vì Văn Bình bị bệnh mốc xanh “nấm ăn nấm” trên diện rộng và sau đó là thất bại.

Sự thất bại trên đã khiến cho 3/6 thành viên mất niềm tin vào cây nấm. Năm 2013 đến năm 2015 là giai đoạn khủng hoảng nhất đối với mô hình trồng nấm sạch bằng phụ phẩm nông nghiệp của Vì Văn Bình.

Trải qua nhiều lần thất bại, nhưng bằng tinh thần dám nghĩ, dám làm, Vì Văn Bình và 2 thành viên còn lại đã chịu khó học hỏi, tìm hiểu và đầu tư thêm về kỹ thuật trồng nấm sạch bằng phụ phẩm nông nghiệp. Song song với đó, việc tìm thị trường đầu ra cho nấm cũng được các Bình và nhóm bạn đặc biệt chú trọng.

Vì Văn Bình dẫn chúng tôi vào khu trồng nấm: “Dịp này vừa hái xong nên không còn nhiều nấm. Toàn bộ hệ thống máy móc, trang thiết bị… cho trồng nấm đã đầu tư gần 4 tỷ đồng. Hiện tại, chúng em đã có 3 cơ sở với quy mô trên 3 ha diện tích trồng nấm sò, nấm hương và linh chi. Trong đó, chủ yếu tập trung trồng nấm sò và nấm hương, thu khoảng 6 tạ/ngày. Nấm linh chi một năm một vụ được khoảng 100kg khô, chủ yếu để làm sản phẩm trưng bày và quà biếu người thân trong gia đình và bạn.”

Cùng với đó, Bình còn gây dựng được 2 gian hàng chuyên cung cấp nấm, nông sản sạch tại 2 chợ lớn tại trung tâm thành phố Sơn La.

Chỉ tay về khu trồng rau màu theo hướng VietGAP của Hợp tác xã Nông nghiệp 26-3 cũng do mình làm giám đốc, Vì Văn Bình bảo: “Ngoài cung cấp nấm, bên em còn cung cấp rau sạch cho các trường học, bệnh viện, nhà hàng, quán ăn… trên địa bàn tỉnh và nhiều đầu mối bán buôn, bán lẻ và các siêu thị lớn trên thị trường trong và ngoài tỉnh Sơn La. Tuy nhiên, sản phẩm nấm hiện tại đang cung không đủ cầu”.

Với mô hình trồng nấm sạch từ phụ phẩm nông nghiệp có doanh thu trung bình gần 5 tỷ đồng/năm hay trồng rau sạch theo hướng VietGAP với thu nhập trên 200 triệu đồng/tháng, Vì Văn Bình còn tạo thu nhập ổn định cho 20 lao động thường xuyên là người địa phương từ 4,8 triệu đồng đến 6,8 triệu đồng/tháng. Đồng thời, còn tạo việc làm theo mùa vụ cho gần 20 lao động cũng là thanh niên người dân tộc Thái tại địa phương.

Hiện tại, ngoài việc mở rộng quy mô và chuyển giao kỹ thuật trồng nấm cho nông dân tại địa bàn để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường hiện nay, Vì Văn Bình cũng đang hướng tới mục tiêu cho ra đời nhiều sản phẩm nấm sấy khô, nấm ăn liền…

Bài viết cùng chủ đề: