Có một căn nhà Hà Nội nhưng ôm trong tay số nợ 1,7 tỷ đồng, anh Vũ và chị Kim Anh sống khổ hơn cả lúc chưa có nhà. Thậm chí, mẹ anh Vũ cũng phải đi làm thêm để phụ trả nợ cùng các con.
Cả gia đình già trẻ đi làm thuê để trả nợ… tiền vay mua nhà
Anh Mạnh Vũ (30 tuổi) nhân viên một công ty truyền thông luôn mơ ước sở hữu một căn hộ ở Hà Nội.
Cách đây 4 năm anh kết hôn cùng chị Kim Anh (29 tuổi) đồng nghiệp cùng cơ quan. Sau một năm hôn nhân vợ chồng anh đón con đầu lòng, căn phòng trọ chật hẹp khiến sinh hoạt của cặp đôi cùng con nhỏ và mẹ chồng gặp nhiều bất tiện.
“Phòng trọ 30m2, chúng tôi kê hai chiếc giường sát nhau, một cái cho mẹ chồng nằm, cái còn lại là của vợ chồng tôi cùng con, bất tiện cực kỳ”, chị Anh chia sẻ.
Mơ ước có một căn nhà cho riêng mình của vợ chồng anh Vũ càng lớn. Sau một hồi bàn bạc với vợ, tính toán lại số tiền tiết kiệm, vợ chồng anh quyết định tìm mua nhà.
Với mức thu nhập 50 triệu đồng/tháng, anh chị quyết định mua chung cư ở quận Hoàng Mai.
3 tháng đi tìm nhà, từ phố lớn đến phố nhỏ, từ những căn 60m2 đến những căn hơn 100m2, anh chị quyết xuống tiền mua một căn hộ ngay mặt đường lớn để tiện đi lại.
“Thời điểm ấy tôi mua căn hộ 84m2, với giá 2 tỷ 3”, anh Vũ nói và cho biết, vợ chồng anh chỉ có trong tay 600 triệu đồng. Đây là tiền mừng cưới và tiền ông bà nội ngoại hai bên giúp đỡ, số còn lại được vợ chồng anh vay từ ngân hàng, người thân, bạn bè.
Căn nhà được mua một cách nhanh chóng, nhận nhà vợ chồng anh Vũ mơ tưởng về một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc. Hai vợ chồng chi thêm một số tiền lớn để sửa sang lại căn hộ cho đúng ý.
Với mức thu nhập 50 triệu đồng/tháng, cộng với một số khoản làm ngoài, vợ chồng anh tự tin có thể chi trả tiền lãi hơn 10 triệu đồng/tháng.
Năm đầu mua nhà, được ngân hàng hỗ trợ lãi suất, công việc thu nhập ổn định nên việc trả nợ diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên, bước sang năm thứ hai, lãi suất ngân hàng thả nổi, con ốm đau liên tục, công việc của vợ anh Vũ cũng gặp nhiều khó khăn khiến vợ chồng rơi vào lao đao.
“Chúng tôi phải trả lãi ngân hàng 15 triệu đồng/tháng. Bạn bè cho vay tiền vì kinh tế khó khăn mà hỏi nợ liên tục”, anh Vũ kể. Có tháng ngoài 15 triệu đồng tiền lãi ngân hàng, anh chị nhận được 3, 4 cuộc gọi hỏi nợ từ bạn bè người thân, với số tiền lên tới 100 triệu đồng.
Cuộc sống gia đình bắt đầu bị đảo lộn. Để có thể chi trả số nợ anh Vũ phải bán đi máy ảnh và chiếc xe SH dành dụm mãi mới mua được. Bữa cơm trong nhà cũng phải thắt chặt chi tiêu, những buổi cho con đi chơi cuối tuần bị cắt bỏ.
Mẹ anh Vũ phải nhận việc dọn nhà thuê theo giờ cho người trong khu chung cư, vợ chồng anh phải làm thêm giờ, đi làm ngày đêm chỉ để xoay xở trả nợ và giữ lại căn nhà mà họ từng ao ước.
“Con ốm đau vào viện liên tục, cộng với số tiền lãi quá cao, vợ chồng tôi bắt đầu xảy ra xung đột, thậm chí có thời điểm tưởng chừng hôn nhân tan vỡ. Chúng tôi quá mệt mỏi và đã định đăng bán nhà để giải quyết số nợ khổng lồ đang gánh”, anh Vũ nói.
Tuy nhiên, thời gian gần đây giá nhà tăng đột biến, căn nhà của vợ chồng anh bán đi, trả nợ xong vẫn không đủ tiền mua một căn hộ 50, 60m2. Cuối cùng họ quyết định giữ nhà, tiếp tục cuộc sống đi làm sáng tối, với hy vọng sớm ngày trả hết nợ.
Bán nhà vì không trả nổi nợ
Cùng cảnh với vợ chồng anh Vũ, Hà và Minh, cặp vợ chồng trẻ cùng 28 tuổi, ở Hà Nội, dành cả tuổi trẻ để cày cuốc, tích góp mong một ngày sở hữu được ngôi nhà của riêng mình.
Họ đều là người ngoại tỉnh, đến Thủ đô lập nghiệp. Sau nhiều năm đi làm, tiết kiệm được một khoản không nhỏ, họ quyết định mua căn hộ nhỏ tại một chung cư ở quận Cầu Giấy.
Căn hộ trị giá 3 tỷ đồng – một số tiền không nhỏ, vượt quá khả năng của đôi vợ chồng trẻ, nhưng vì mong ước có một nơi “an cư lạc nghiệp”, họ quyết định vay thêm từ ngân hàng.
Để đủ khả năng mua nhà, họ ký hợp đồng vay 1,5 tỷ đồng với lãi suất cố định trong 1 năm đầu, và sau đó sẽ điều chỉnh theo thị trường. Khi đó, với mức thu nhập ổn định của cả hai, việc trả nợ hàng tháng dường như không quá khó khăn. Họ tự nhủ, chỉ cần siêng năng làm việc, chịu khó chi tiêu hợp lý thì sẽ có thể hoàn thành ước mơ.
Thế nhưng, giấc mơ về ngôi nhà nhỏ nhanh chóng biến thành ác mộng khi lãi suất ngân hàng bắt đầu tăng cao sau 2 năm. Lãi suất điều chỉnh đẩy mức trả nợ lên gần 20 triệu đồng mỗi tháng. Không chỉ vậy, cuộc sống của họ cũng không dễ dàng như trước. Sau đợt dịch Covid-19, công việc của Hà gặp khó khăn, lương giảm một nửa. Minh thì bị điều chuyển vị trí mới, khiến thu nhập không còn ổn định như trước.
“Lúc vay tiền mua nhà, vợ chồng mình nghĩ rằng lãi suất sẽ không tăng quá cao, công việc thì ổn định, nên mình cứ mạnh dạn vay. Nhưng rồi mọi thứ thay đổi, mình không còn khả năng kiểm soát nữa,” Hà chia sẻ.
Áp lực trả nợ khiến họ phải cắt giảm hầu hết các khoản chi tiêu. Họ không còn dám đi du lịch, không dám mua sắm, và thậm chí những bữa ăn cũng được tính toán để tiết kiệm nhất. Hàng tháng, họ chỉ biết nhìn số tiền tiết kiệm ít ỏi dần cạn kiệt trong khi khoản nợ vẫn ngày càng lớn.
Mới đây Hà nhận tin vui có em bé, cả hai lại phải chi thêm khoản thăm khám thai định kỳ và hàng chục thứ cần chuẩn bị để chào đón con đầu lòng.
Sau vài năm cố gắng xoay xở, vợ chồng Hà và Minh nhận ra họ không thể tiếp tục cuộc sống với gánh nặng nợ nần như thế này. Hà suy nghĩ quá nhiều về khoản nợ nên ngày càng gầy đi. Cuộc sống căng thẳng đè nặng lên cả hai.
Hà thừa nhận có những lúc cô cảm thấy hối hận vì đã quyết định mua nhà quá sớm.
“Nếu biết trước mọi thứ lại khó khăn thế này, có lẽ chúng mình sẽ không bao giờ vay số tiền lớn đến vậy. Nhà thì có nhưng nợ nần khiến cuộc sống chẳng còn vui vẻ gì nữa”, Hà nói.
Sau nhiều lần bàn tính, cả hai quyết định bán nhà, trở lại cảnh nhà thuê để ổn định cuộc sống, thuận lợi chào đón con, việc mua nhà được tính toán lại sau khi cả hai sẵn sàng về kinh tế.