Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
43 lượt xem

Sống trong sợ hãi tại chung cư ở Hà Nội vì… thang máy liên tục rơi tự do

Chị Làng sợ đi thang máy, luôn trong tâm trạng lo lắng khi chỉ trong một tháng hai lần chị bị mắc kẹt, thang máy rơi từ tầng cao xuống khi đang sử dụng tại chung cư khu đô thị Thanh Hà.

Sống trong sợ hãi tại chung cư ở Hà Nội vì... thang máy liên tục rơi tự do

Muốn bán nhà chuyển chỗ ở vì thang liên tục hỏng

8h30 ngày 30/10, chị Hoàng Thị Làng (59 tuổi) sống tại tòa HH 3E khu đô thị Thanh Hà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đưa cháu tới trường rồi trở về nhà. Như bình thường chị bấm thang máy để lên tầng nhà mình, tuy nhiên khi đang vận hành đến tầng 12A, thang máy bỗng đột ngột dừng lại rồi rơi tự do xuống dưới.

“Trong thang máy lúc ấy không có một ai, chỉ có mình tôi”, chị Làng nói.

Người phụ nữ tim đập nhanh, chân tay run rẩy, tinh thần hoảng loạn, liên tục bấm chuông để cầu cứu nhưng không có phản ứng. Chị Làng phát khóc vì không thể thoát ra ngoài. Sau 30 phút cầu cứu, bảo vệ mới tiếp cận giúp đỡ.

“Đây không phải lần đầu tiên tôi mắc kẹt trong thang máy. Cách đây nửa tháng, tôi cũng gặp cảnh thang đi lên tầng rồi rơi xuống tự do, sau đó lại đi lên, liên tục như vậy. Lần khác thì thang rung lắc dữ dội. Đến giờ nhớ lại tôi vẫn ám ảnh, sợ hãi không thể quên”, chị Làng nói.

Sống trong sợ hãi tại chung cư ở Hà Nội vì... thang máy liên tục rơi tự do - 1
Thang máy khu vực nhà chị Làng liên tục gặp sự cố (Ảnh: Nguyễn Ngoan).

Không chỉ chị Làng mà nhiều cư dân chung cư Thanh Hà đều đã gặp tình trạng mắc kẹt trong thang máy, thậm chí nhiều trẻ em bị kẹt, la hét ầm ĩ.

Theo chị Làng, bản thân là người lớn khi rơi vào trường hợp như vậy còn hoảng sợ không biết xử lý ra sao, điều này xảy ra với những đứa trẻ sẽ ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của chúng.

“Gần một tuần nay ngày nào cũng có cư dân gặp vấn đề, mắc kẹt trong thang máy. Tôi thậm chí muốn bán nhà để chuyển đi nơi khác sinh sống vì quá sợ hãi.

Tuy nhiên căn hộ của tôi bán giá chẳng được bao nhiêu, không đủ mua nhà nơi khác khi giá nhà Hà Nội liên tục tăng. Ngoài ra, thang máy liên tục gặp trục trặc, dân nơi khác sợ cũng chẳng dám ở, nên đành chấp nhận sống ở đây”, chị Làng thở dài.

Sống trong sợ hãi tại chung cư ở Hà Nội vì... thang máy liên tục rơi tự do - 2
Bài chia sẻ cảnh báo thang máy rơi tự do trong nhóm cư dân chung cư Thanh Hà (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Cùng cảnh ngộ như chị Làng, chị Nguyễn Mến ở chung cư khu đô thị Thanh Hà luôn sống trong sợ hãi mỗi lần đi vào thang máy.

Người phụ nữ này kể, cách đây không lâu khi cùng con trai di chuyển xuống tầng 1, thì bất ngờ thang mất kiểm soát rơi từ tầng 12 xuống tầng 11. Cả hai mẹ con chị Mến hoảng loạn, chỉ biết ôm lấy nhau trong sợ hãi.

Mới bình ổn lại được tinh thần được vài ngày, hôm 27/10, lúc 19h mẹ chị Mến và con gái 1 tuổi sau khi chơi ở dưới sân chung cư, sử dụng thang máy đi từ tầng 1 lên nhà cũng bất ngờ tụt xuống và mắc kẹt lại ở giữa tầng 1 và tầng 2.

“May mắn bà mang điện thoại đi và gọi cho tôi thông báo tình hình. Ngay lập tức tôi cùng chồng di chuyển bằng một thang khác xuống sảnh thông báo cho bảo vệ tiến hành giải cứu hai bà cháu.

Mất 30 phút thì mẹ và con gái tôi mới thoát được ra ngoài. Con gái vì bị nhốt trong không gian chật hẹp, thang máy cắt hệ thống thông gió nên vừa hoảng sợ khóc suốt 30 phút, vừa nóng toát hết mồ hôi”, chị Mến nói.

Từ hôm đó mỗi lần gia đình chị Mến bước chân vào thang máy lại “tim đập, chân run”. Nhiều lúc người phụ nữ này tính phương án đi bộ cho an toàn, nhưng do nhà ở tầng cao, gia đình lại toàn phụ nữ và trẻ nhỏ nên đành tặc lưỡi, chấp nhận rủi ro đi thang máy.

“Chúng tôi mua nhà về đây, đóng phí dịch vụ, phí bảo trì nhưng liên tục gặp sự cố, sống trong bất an, lo lắng trong chính chung cư nhà mình”, chị Mến nói.

Chị Ngọc – một cư dân ở khu chung cư này – chia sẻ từng có lần đi thang máy lên tầng 4 nhưng thang không dừng lại mà đi lên tận tầng 19, sau đó lại đi ngược xuống tầng 1. Bạn học của con trai chị Ngọc ở cùng tòa vì nhiều lần kẹt thang máy mà mắc hội chứng sợ thang máy.

“Cậu bé chỉ đi thang máy khi có bố mẹ, nếu không có người lớn sẽ đi thang bộ, không dám bước vào”, chị Ngọc nói.

Chấp nhận sống trong sợ hãi vì không thể leo bộ cả chục tầng

Sống trong sợ hãi tại chung cư ở Hà Nội vì... thang máy liên tục rơi tự do - 3
Khu chung cư HH Linh Đàm cũng thường xuyên xảy ra sự cố thang máy (Ảnh: Nguyễn Ngoan).

Việc thang máy rơi, hay bị kẹt không chỉ diễn ra thường xuyên tại khu chung cư Thanh Hà, mà tại khu chung cư HH Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội), cư dân cũng sống trong nơm nớp lo sợ khi cứ ít ngày lại có vụ thang máy bị kẹt, rơi.

Chị Quỳnh sống tại tòa HH3B chia sẻ lúc 17h50, ngày 24/10, một thang máy tại chung cư chị sinh sống khi di chuyển từ trên cao xuống tầng 7, 8 thì bất ngờ bị trượt xuống tầng 4, khiến những người bên trong gồm có phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh, nhiều trẻ em đi học về gặp phải tình huống hoảng loạn.

Bảo vệ chung cư cùng cư dân phải mất một khoảng thời gian mới đưa được mọi người ra ngoài.

“Ai nấy đều trong trạng thái sợ hãi, nhất là những em nhỏ”, chị Quỳnh kể.

Theo chị Quỳnh sự việc rơi thang máy diễn ra rất nhiều năm tại nhiều tòa nhà thuộc khu chung cư HH, nhưng hơn một năm trở lại đây tần suất thang máy hỏng, ngừng hoạt động, rơi, kẹt ngày càng dày.

Trong vài tháng, liên tiếp xảy ra các vụ kẹt thang, rơi thang xảy ra, đều vào giờ cao điểm đông dân cư, học sinh, trẻ em đi lại.

Trước đó khoảng 7h ngày 26/8, trong 20 phút tại tòa HH2C Linh Đàm xảy ra liên tiếp hai sự cố thang máy.

Sống trong sợ hãi tại chung cư ở Hà Nội vì... thang máy liên tục rơi tự do - 5
Cũng tại HH3B từng xảy ra lỗi thang máy ngày 5/9 (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Thang máy số 11 của tòa nhà đang vận hành thì mắc kẹt tại hố thang giữa tầng 1 và tầng hầm, bảo vệ phải cạy cửa để đưa người dân ra ngoài. Chỉ 20 phút sau, thang máy số 13 cùng tòa bỗng dưng ngừng hoạt động, người dân đang loay hoay chưa biết xử lý ra sao thì thang máy đột ngột đóng cửa cabin, kéo lên khi chưa đóng hết cửa, suýt kẹt trúng một người đàn ông mới bước được nửa người vào trong.

Chị Quỳnh cho biết, các sự cố liên tiếp xảy ra khiến chị và nhiều hàng xóm nơm nớp lo sợ. Một số nhà trong khu chung cư sau sự cố lựa chọn leo bộ để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên nhà chị Quỳnh ở tầng cao, đành chấp nhận đi thang máy vì không thể mẹ con rồng rắn nhau đi bộ 15-20 tầng lầu.

Theo người dân ở đây, sau các sự cố thang máy, cư dân đều có ý kiến với Ban quản lý chung cư và đơn vị bảo trì thang máy để kiểm tra và khắc phục. Tuy nhiên, việc thang rơi tự do vẫn xảy ra.

Thang máy rơi tự do vô cùng nguy hiểm, đe dọa tính mạng con người

Ông Nguyễn Hải Đức, Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam, cảnh báo tình trạng thang máy mất kiểm soát, đóng cửa khi chưa hoàn toàn có người vào trong cabin, hoặc dừng đột ngột khi đang hoạt động là tình huống vô cùng nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng người sử dụng.

Thang máy bao gồm hai hệ thống chính: Cơ khí và điện. Theo ông Đức, các vấn đề cơ khí như cảm biến tầng không hoạt động hoặc cửa thang bị hở đều có thể gây ra hiện tượng thang di chuyển mất kiểm soát.

Hệ thống đối trọng và cáp tải nếu không được kiểm tra, điều chỉnh đúng mức cũng có thể gây trượt thang. Đặc biệt, khi hệ thống cảm biến tải trọng không chuẩn, dẫn đến việc quá tải mà không báo động, thang máy có thể trôi hoặc dừng đột ngột khi quá số lượng người cho phép.

Vấn đề an toàn thang máy còn đến từ yếu tố con người.

Ông Đức chỉ ra rằng, đội ngũ kỹ thuật viên phụ trách thang máy tại nhiều tòa nhà không có đủ chuyên môn, chứng chỉ, hoặc bị thiếu đào tạo, dẫn đến tình trạng “đấu tắt” mạch an toàn để tránh lỗi hệ thống, khiến thang máy có thể hoạt động ngay cả khi cửa chưa đóng hoàn toàn.

Đây là hành vi nguy hiểm, đặc biệt ở thang máy không có hệ thống ngăn chặn gian lận như tại các nước châu Âu.

Ông nhấn mạnh rằng kỹ thuật viên bảo trì thang máy cần phải được đào tạo chuyên sâu và có chứng chỉ hợp pháp, đồng thời, người quản lý vận hành tòa nhà cũng cần có chứng chỉ vận hành thang máy để đảm bảo an toàn cho người dân.

Để tránh rủi ro, ông Đức khuyến cáo người dân không chen lấn, xô đẩy hoặc cố bước vào cabin khi cửa thang đang đóng, vì dễ gây tai nạn khi hệ thống cảm biến không phát hiện được.

Khi gặp sự cố, người sử dụng cần bình tĩnh, không la hét, đập cửa, hay cố thoát ra bằng lối trên thang máy. Thay vào đó, nên bấm chuông khẩn cấp hoặc dùng điện thoại để liên lạc với người bên ngoài, chờ đội cứu hộ đến giải thoát.

Bên cạnh đó, đối với thang máy chung cư, cần bảo trì và kiểm tra định kỳ mỗi tháng một lần, và đối với thang máy gia đình tối đa ba tháng kiểm tra một lần.

Công việc bảo trì cần được thực hiện bởi những người có kinh nghiệm, được đào tạo bài bản và có chứng chỉ. Ông Đức nhấn mạnh: “Không phải ai cũng có thể bảo trì thang máy”.