Cuối năm được coi là thời điểm vàng của thị trường ô tô Việt Nam, nhưng năm nay sức mua xe cũ đang chững lại bởi nhiều nguyên nhân.
Xe lướt giá cao, date cao khó bán
Thông thường hàng năm, quý IV là thời điểm mà thị trường ô tô ở Việt Nam nhộn nhịp nhất kéo dài đến Tết nguyên đán. Thời điểm này, nhu cầu của người dân tăng cao vì muốn sở hữu ô tô để đi chơi Tết và cũng là lúc mà công nợ được thu hồi nên nhiều người tính đến việc mua xe.
Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, những tháng cuối năm đang ghi nhận tình cảnh đìu hiu ở các salon xe cũ bởi ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Năm nay, dịch đã đi qua, nhưng Việt Nam vẫn đang trong quá trình phục hồi nền kinh tế, do đó sức mua ô tô của người dân có phần giảm.
Con phố Trần Thái Tông – Thành Thái, Cầu Giấy, Hà Nội là nơi “đóng đô” của nhiều salon ô tô cũ lớn ở Thủ đô. Cảnh tượng mua bán nhộn nhịp, tấp nập người ra kẻ vào của năm 2019 giờ vẫn chưa thể được tái hiện.
“Mọi năm, tháng này (tháng 12 – PV) là cao điểm mua ô tô của người dân. Tuy nhiên, kể từ lúc có dịch Covid-19, những tháng cuối năm cũng không khá hơn trong năm là bao. Năm nay, ngoài việc người dân e dè việc mua xe vì kinh tế khó khăn thì còn ảnh hưởng nhiều nguyên nhân. Có người định mua xe chạy dịch vụ, nhưng lãi ngân hàng cao quá nên lại thôi. Nhiều trường hợp khác thì chờ mua xe cũ giá rẻ, nhưng năm nay giá không như các năm trước đại dịch”, anh H.T.H chủ salon trên đường Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ.
Cũng theo anh H.T.H, lượng xe lướt trên thị trường khá nhiều, nhưng hầu hết chủ xe đều “hét” giá cao bởi thời điểm mua vào giá cao nên phải cân nhắc trước khi bán ra.
“Những mẫu xe dễ bán trên thị trường hiện nay có thể kể đến như Hyundai Santa Fe, Tucson, Ford Everest, Toyota Corolla Cross, Veloz Cross, Honda CR-V, City… Tuy nhiên, những xe này lướt cũng rất khó mua. Đa số những xe này để có giá chênh so với trước đây đến cả trăm triệu đồng nên salon rất khó đàm phàn bởi không thể trả người ta giá quá thấp được. Hầu hết, người bán những dòng xe này đều phải chịu khoản lỗ nặng bởi thời điểm mua trong năm 2022, hầu như xe nào cũng phải mua kèm phụ kiện cao nhất đến 150 triệu đồng. Đến nay, khi họ bán ra thường sẽ chịu chấp nhận khoản lỗ đó và bán bằng giá lăn bánh. Xe cũ mà bán bằng giá lăn bánh thực sự rất khó để mua vào vì chúng tôi không bán được ra. Hiện vẫn tồn kho 1 vài chiếc mua 2 tháng rồi mà chưa bán được bởi giá cao hơn so với mặt bằng chung, khách khó xuống tiền”, chủ salon xe cũ nói nguyên nhân.
Khó mua vì vay trả góp lãi suất cao
Không khó để nhận ra, đa phần những mẫu xe bình dân lăn bánh trên đường hiện nay đều là xe vay ngân hàng trả góp.
“Trước đây, vay ngân hàng dễ, lãi suất thấp nên người hầu hết người dân đều mua xe qua hình thức trả góp. Thực tế, nhiều người chia sẻ thẳng với salon rằng chỉ muốn mua trả góp bởi vay ngân hàng được là một lợi tế để dành vốn làm ăn nên đến 80% xe bán ra của tôi đều trả góp.
Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây, ngân hàng tăng lãi suất vay cao nên vì thế thị trưởng ô tô bị ảnh hưởng. Người dân làm hồ sơ vay mua, đến lúc nghe tư vấn mức lãi suất, thời gian trả lãi và gốc mà sợ vì số tiền mỗi tháng phải trả hàng tháng cao. Do đó, dù có ý định mua xe, nhưng nhiều người đã hoãn kế hoạch trong năm nay”, anh Tiến – quản lý bán hàng của salon xe cũ trên đường Thành Thái, Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ.
Về phía người tiêu dùng, có nhiều lý do để cân nhắc trước khi mua ô tô và năm nay những lý nguyên nhân khiến họ hạn chế mua xe càng nhiều hơn.
Anh Long, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ: “Gia đình tôi có kế hoạch mua xe từ năm nay, tích góp được một nửa tiền để mua xe cuối năm chơi Tết, phần còn lại sẽ vay trả góp. Thế nhưng, đùng một cái ngân hàng lại tăng lãi suất vay nên gia đình tôi đành phải tạm dừng kế hoạch mua xe. Với mức lãi suất tăng gần gấp đôi, tôi nghĩ để vốn đó làm ăn sẽ tốt hơn. Do có con nhỏ nên Tết tôi sẽ quyết định thuê xe tự lái để đi về quê nội/ngoại dịp này. Thực tế, giá thuê ô tô tự lái dịp Tết sẽ đắt gấp đôi ngày thường, nhưng so với mọi năm vẫn không thay đổi nên vẫn có thể lùi lịch mua xe sang năm sau”.
Cũng chung quan điểm với anh Long, chú Phú ở Long Biên, Hà Nội phải hoãn kế hoạch mua xe vì không vay được ngân hàng và giá xe cao.
“Tôi tham khảo khá nhiều dòng xe và định mua Hyundai Tucson, nhưng bản mới giá cao quá. Mua xe chạy 10.000km rồi mà vẫn cao ngang lăn bánh lúc mới nên, do đó phải tính toán lại. Năm nay lại lãi suất cao nên không vay được đành phải chuyển hướng sang dòng xe cũ khác”.
Như vậy, có thể thấy nhu cầu mua xe của người dân dịp cuối năm vẫn rất cao, nhưng do những nguyên nhân khách quan khiến nhiều người phải thay đổi kế hoạch mua xe. Salon xe cũ cũng vì thế mà “điêu đứng” khi doanh số cuối năm không như kỳ vọng.