Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
14452 lượt xem

Suy ngẫm cách dạy con từ câu chuyện về 2 người bố

Sự trưởng thành của trẻ luôn không thể tách rời với việc phạm sai lầm. Vậy nên hãy thấu hiểu những lỗi lầm nhỏ mà trẻ mắc phải.

Một vụ việc xảy ra tại Trung Quốc mới đây đã khiến nhiều bậc cha mẹ phải suy nghĩ. Cụ thể vào ngày 20/4/2023, camera giám sát trên đường phố Quảng Đông quay được cảnh một cậu bé đang giữ chặt tay nắm cửa một chiếc xe ô tô màu đỏ và cố gắng chạy theo khi chiếc xe này di chuyển. Dường như cậu bé đang cố gắng mở cửa xe để leo lên xe.

Được biết, người ngồi trên xe chính là bố cậu bé. Tuy nhiên, anh này không giảm tốc độ xe mà tiếp tục lái như bình thường, suýt chút nữa khiến con trai bị hút vào gầm xe. Có thể do tiếng hét hoảng loạn của cậu bé hoặc do nghe thấy tiếng người đi đường hét lên nên cuối cùng người bố cũng nhận ra có điều không ổn nên dừng xe lại.

Cậu bé bị xe kéo lê may mắn thoát ra ngoài. Do camera bị khuất góc nên không rõ chiếc xe có cán qua chân cậu bé không. Điều khiến người qua đường phải ngỡ ngàng, đó là dù đang rất đau và sợ hãi nhưng ngay khi đối mặt với người bố đang giận dữ bước xuống xe, cậu bé đã lùi lại và gào khóc:

“Bố đừng trách con! Bố đừng trách con! Tha cho con đi bố!”.

Người bố sau đó vội vàng cúi xuống xem tay chân con có bị thương hay không, nhưng trong suốt quá trình đó, cậu bé vẫn liên tục van xin: “Bố đừng trách con”. Không nói nhiều lời cũng không nán lại lâu, người bố mở cửa hàng ghế sau, cho con trai vào trong xe ngồi rồi phóng đi ngay lập tức, để lại người qua đường ngơ ngác đứng nhìn.

Về lý do vì sao người bố không nhìn thấy con qua gương chiếu hậu, điều này vẫn chưa được xác định. Thế nhưng hành động vô thức van xin bố của cậu bé đã khiến nhiều người phải suy nghĩ. Có người phỏng đoán: Phải chăng ngày thường đứa trẻ hay bị bố đánh mắng nên phản ứng đầu tiên sau khi mắc lỗi không phải là oán trách mà là sợ hãi bố?

Dường như mối quan hệ bố con của họ không ổn và cách giáo dục gia đình có cẻ cực đoan…

Vụ việc này cũng khiến cộng đồng mạng liên tưởng tới một câu chuyện khác xảy ra tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Cụ thể trong một quán đồ nướng, khi cậu con trai 5 tuổi không may làm đổ đĩa cá nướng văng khắp sàn nhà, người bố đã vội chạy đến an ủi con: “Không sao, để bố nướng một con cá khác. Không có chuyện gì lớn, con đừng khóc”.

Mặc dù phải mất công làm thêm một con cá nướng khác nhưng người bố đã dạy con rằng: Việc mắc sai lầm không đáng sợ và chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua sai lầm.

Câu chuyện của hai người bố này khiến nhiều cư dân mạng liên tưởng đến những trải nghiệm không vui thuở nhỏ. Đó là có phải rất nhiều người trong chúng ta, từng làm vỡ bát đũa, cốc và bị bố mẹ mắng: “Lại phá đồ? Con không có mắt à?”; “Bố mẹ vất vả kiếm tiền, con cái chỉ giỏi phá”…

Một cư dân mạng cũng tâm sự: “Nhà tôi mở một quán ăn. Hồi nhỏ lúc tôi phụ giúp quán không may làm đổ dầu nóng từ chảo vào tay. Trong khi bố tôi mắng xối xả thì một người khách đã ôn tồn hỏi “cháu có đau không”. Năm nay tôi đã 40 tuổi rồi nhưng nghĩ lại vẫn muốn khóc”.

Bạn thấy đấy, có những người lúc nào cũng sợ mắc sai lầm, cả đời luôn sống thận trọng, rụt rè. Dù chỉ là mắc lỗi vặt vãnh, họ cũng hoảng hốt. Loại bệnh tâm lý này hầu như đều bắt nguồn từ phản ứng của cha mẹ khi con cái mắc sai lầm lúc nhỏ. Những trận quát mắng của cha mẹ khiến một đứa trẻ non nớt, chưa có trải nghiệm sống cảm thấy ngột ngạt và sợ hãi. Giống như cậu bé ở câu chuyện thứ nhất. Suýt chút nữa bị kéo vào gầm xe nhưng em vẫn lo lắng, sợ bị bố mắng.

Thẳng thắn mà nói, đây là một hiện tượng rất đáng buồn. Nhà vốn dĩ phải là nơi trú ẩn an toàn của trẻ nhưng lại khiến trẻ phải sống thận trọng, lúc nào cũng nơm nớp nỗi lo bị mắng. Điều này chắc chắn sẽ khiến mối quan hệ cha mẹ – con cái trở nên xa cách.

Khi đối xử với con cái, điều cha mẹ cần học là cách giao tiếp, giáo dục ôn hòa, đúng đắn. Cha mẹ cần nhận thức được rằng sự trưởng thành của trẻ luôn không thể tách rời với việc phạm sai lầm. Vậy nên hãy thấu hiểu những lỗi lầm nhỏ mà trẻ mắc phải.

Bài viết cùng chủ đề: