Tôi muốn mua ôtô 600 triệu đồng và chung cư 1,2 tỷ, rồi dành vốn đầu tư, trong khi vợ chỉ thích mua nhà đất dù biết sẽ cạn vốn.
Với nhiều người, sở hữu tài sản sáu tỷ đồng ở tuổi 30 đã là quá đủ, nhưng với tôi chấp nhận suy nghĩ đó là điều rất khó. Tôi lấy vợ ở tuổi 25, khi trong tay chỉ có 300 triệu đồng tiền tích lũy, cộng thêm khoảng 300 triệu được bố mẹ hai bên cho làm vốn. Nhờ công việc ổn định và may mắn trong đầu tư bất động sản, tôi nhanh chóng ăn nên làm ra.
Hiện tại, tài sản của tôi ước tính vào khoảng sáu tỷ đồng, bao gồm: Một căn nhà cấp bốn mặt đường ở thành phố trị giá ba tỷ đồng. Vì con cái không có chỗ chơi, hàng xóm không quan hệ với nhau nhiều, xe cộ qua lại đông đúc nên tôi cảm thấy không tốt nếu ở đây lâu dài. Tôi sợ ảnh hưởng tới tuổi thơ của con cái. Ngoài ra, tôi còn có đất đầu tư trị giá hai tỷ đồng; tiền mặt và chứng khoán trị giá 200 triệu đồng; đất ông bà nội cho ở quê (cách thành phố 10 km) trị giá 800 triệu đồng. Tôi không bán vì đây là đất “chôn rau cắt rốn”.
Ở một thành phố đắt đỏ nên giá trị bất động sản rất cao. Một căn nhà giãn dân, khu dân cư mới cũng phải khoảng năm tỷ đồng, trong khi chung cư bình dân có giá 1,2 tỷ. Vì gia đình sắp có thành viên mới, nên tôi dự định dành 600 triệu đồng mua ôtô phục vụ đi lại gần, và về quê. Thực sự, chi phí đi taxi rẻ hơn mua ôtô rất nhiều, nhưng tôi nghĩ rằng mình vẫn cần phải mua để phục vụ cho nhu cầu của gia đình.
Hiện, thu nhập của hai vợ chồng tôi khoảng 40-45 triệu đồng một tháng, chi phí sinh hoạt khoảng 15-17 triệu đồng. Cũng vì điều này, vợ chồng tôi cãi nhau rất nhiều về phương án tiếp theo cho tương lai để ổn định cuộc sống, nhất là khi con cái sắp đến tuổi đi học. Chúng tôi đưa ra hai lựa chọn:
1. Mua ôtô giá 600 triệu đồng, mua nhà năm tỷ đồng: Làm vậy, chúng tôi sẽ hết sạch vốn trong tay, nợ thêm 400 triệu đồng, dự kiến khoảng ba năm sẽ trả hết. Chúng tôi sẽ chấp nhận bắt đầu “cày cuốc” để kiếm tiền nuôi con, tiến tới làm giàu ở tuổi 33.
2. Mua ôtô 600 triệu đồng, thuê chung cư khoảng 8-10 triệu đồng một tháng: Chúng tôi sẽ chờ sau ba năm, đất mặt đường (ba tỷ đồng) và đất đầu tư (hai tỷ đồng) sẽ lên giá (khoảng tám tỷ đồng). Khi đó, tôi sẽ mua nhà bảy tỷ, và vẫn còn dư một tỷ để tiếp tục làm ăn.
3. Mua ôtô 600 triệu, chung cư 1,2 tỷ đồng, và dành 3,4 tỷ để đầu tư: Sau 5-7 năm, số tiền đầu tư sẽ có thể tăng lên thanh 7-8 tỷ đồng. Tôi sẽ mua một căn chung cư hai tỷ đồng, còn dư 5-6 tỷ và một chung cư cho thuê (khấu hao còn một tỷ đồng, nếu cho thuê với giá bảy triệu đồng một tháng). Sau 10 năm tiếp theo, tài sản của tôi sẽ thành 12-15 tỷ.
Tôi có thể cho con cái bốn tỷ, xây nhà ở quê hai tỷ, còn dư 7-8 tỷ và hai căn chung cư cho thuê, tiến tới mục tiêu tự do tài chính ở tuổi 45. Thậm chí, chúng tôi còn có thể là chỗ dựa, bệ phóng cho con nếu cần phát triển sự nghiệp. Thực tế, 15 năm sau, số tiền 7-8 tỷ cũng chỉ bằng khoảng 3-4 tỷ ở hiện tại, nếu tính trượt giá.
Thực ra, tôi cũng muốn con cái sau này ra ở riêng, không phụ thuộc vào bố mẹ. Nhưng vợ tôi lại là người hướng nội, luôn muốn một gia đình quây quần, con trai lấy vợ ở cùng bố mẹ. Có điều, vấn đề gặp phải ở đây là vợ tôi không muốn ở chung cư, cho rằng bất tiện trong sinh hoạt và con cái. Chúng tôi đã cãi nhau rất nhiều về chuyện này. Rất mong quý độc giả hãy cho tôi lời khuyên để đưa ra lựa chọn tốt nhất cho gia đình mình.
- Ở bên nhân tình và chồng có giống nhau hay không? Đàn bà ngoại tình nói lên nỗi lòng
- Câu chuyện của chàng trai đi lao động xuất khẩu khiến 2,5 triệu người thương cảm: 6 năm tằn tiện sống ở xứ người, ngày trở về nghe mẹ bảo “chẳng còn đồng nào” mà gục ngã
- Không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn sẽ bị phạt như thế nào?
- Mẫu xe điện sạc nhanh nhất thế giới: Nạp 15 phút đủ chạy từ Hà Nội đến Huế
- "Dở khóc dở cười": Những ông bố đặt tên con gái theo tên người yêu cũ