Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
118 lượt xem

Tết Nguyên Đán xưa: Nhà giàu giã giò bùm bụp, nhà nghèo làm bát thịt đông

Sang tháng Chạp ta, viết vài dòng ký ức xưa nhá. Mọi người có hay nhớ về các tết Nguyên đán xưa không? Chứ tôi nhớ lắm, càng già càng nhớ thế mới kỳ.

Thi đua cấy xong trước Tết

Khẩu hiệu “Thi đua cấy xong trước Tết” viết bằng gạch non giăng đầy tường nhà sát đường đi ngõ xóm. Các buổi tối đội thiếu niên xếp hàng ngũ đi đủ hết các ngõ-trống ếch thì thùng, đồng thanh gào rõ to “Quyết tâm“ 3 lần, sau tiếng hô khẩu hiệu của đội trưởng. Rét thâm da nổi gai ốc, tím tái môi các bà các chị đi cấy về muộn là sà vào bếp rơm.
Đêm giao thừa nghe Bác Hồ đọc thơ chúc tết… ấy là giây phút thiêng liêng !

Năm 1979 làng ta mới có điện. Các năm trước đó chỉ có loa truyền thanh của TP phát có giờ sáng-trưa-tối (phục vụ báo động máy bay Mỹ tới là bất kể giờ giấc), ăn nước giếng cổ (đầu làng, chùa) sau HTX đào thêm các giếng xóm Trại, Chùa, Trại chăn nuôi. Ban tối thắp đèn dầu hỏa để chẻ tăm và trẻ mỏ học hành.. đêm khuya còn nghe văng vẳng tiếng PTV ga Hàng cỏ báo tàu về, tàu đi. Hai bến tàu điện Cầu giấy, Ngã Tư Sở đều cách làng gần 3km, Đi bắt cua đóng xóc bán 3 hào/chục cua, mẻ ốc vặn, mớ tôm kéo te, mớ cá kéo vó ở các mương tưới tiêu – mang đi bán qua đường Láng, có hơn 2km mà sao thấy xa xôi quá thể… Chiều 30 tết, đi gửi lễ nhà thờ trưởng họ, bên đằng ngoại, và phải gánh đổ đầy các chum vại chứa nước lấy lộc. Sẩm tối lũ trẻ à à chạy theo đèn Măng sông từ nhà ông hai Thao ra Đình xem biểu diễn văn nghệ Tuồng chèo cải lương với các diễn viên; hai Thao, cả Thung, vợ ông Triệu, Lan tại, Mạch…21h về rồi thì đun tiếp nồi bánh chưng (xưa phải luộc đủ12h liền) tranh thủ tắm nước nóng lấy từ chậu đè nồi có thêm tý lá thơm, suýt xoa vì rét, mi mắt nặng trĩu vẫn cố giương to đợi giờ vớt bánh, tiếng nước sôi ùng ục tràn ra gặp lưỡi lửa kêu xèo xèo, để chờ đón bánh chưng tép của mình. Khói bếp cay sè cả hai mắt, pháo tép lũ trẻ con hàng xóm nhót nhót lại nổ giật mình. Đầu tiên là dàn âm thanh ùng ục rền, thi thoảng điểm tiếng nổ rõ to từ thành phố vọng về.. Sau đó là tiếng pháo nổ rõ to, rõ gần của thôn bên, rồi là pháo của hàng xóm nổ chát chúa.. loa truyền thanh nổi nhạc hiệu… nghe Bác Hồ đọc thơ chúc tết. Ấy là đến phút giao thừa thiêng liêng!Rồi thì là mà ngủ thiếp đi lúc nào chả rõ !Mấy tối tết hay ra bãi Khương thượng, Cầu giấy xem phim hay-nhờ rủng rỉnh tiền mừng tuổi. Được nghỉ học (chả phải hoáng hoàng dậy tới trường lớp). Ngày thường còn bận xếp và cưa nứa, chẻ que tăm kem và chân xát tưa…

Mỗi năm trôi qua đi thì mỗi năm sẽ lại có những cảm xúc khác nhau.. khó tả hết lắm. Xúng xính trong bộ quần áo mới may bằng vải xanh chéo -chờ mãi chú hai Phan, bác Tịch, anh cả Trá, bác Bùi (thợ may làng) mới cắt xong lúc chiều. Cung kính đứng sau lưng bố mẹ lễ vái ban thờ Gia tiên, pha ấm chè ngon mời bố mẹ. Rồi thì háo hức chờ mong bố mừng tuổi 1, 2 hào, rón rén nhận cái kẹo mẹ chia phần, chui vào chăn ấm ngủ thiếp đi. Đài hết giờ phát thanh – đêm tĩnh lặng, nhà nhà chỉ có mùi hương thơm và thấp thoáng ánh đèn dầu le lói trên ban thờ.. Có lẽ vui nhất là ở các ngày áp tết, dù phải tất tả bận rộn với đủ thứ việc! Chợt nhớ câu thơ cụ Vũ đình Liên “… Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ”? Tập tục cả nhà đi chúc Tết đầu năm mới thưa thớt dần-chả có không khí như xưa kia. Khi cái tất bật náo nức chuẩn bị đón tết như ngày xưa đã không còn nhiều ở đâu đó ngày nay. Ngày xưa, các bác ở thành phố thì không dám nói làm gì, còn chư vị ta ở nông thôn thì chuẩn bị đón tết Nguyên đán-có giống như tôi đã kể không đấy?

Thời buổi này cái gì cũng có sẵn, chỉ thiếu tiền chi. Mất một hai buổi dạo 2 cái chợ ở làng, ra siêu thị BigC buổi tối.. là nhà nhà thôn tôi có đủ các thứ cho 1 cái tết. Cầu kỳ thì phóng xe đi Nhật tân chọn mua cành đào, ít tiền thì tản bộ ra các đường xem các loại quýt, đào, hoa, cây cảnh bày tràn vỉa hè đường Lê văn Lương, 18h ngày 30 tết nhởn cái: hoặc là mua được rẻ như cho, hoặc là lắc đầu khi giá cả vọt thăng thiên. Đắt rẻ tưng năm do giời định ra cả đấy, thực lòng không khí tết xưa đã phai nhạt dần theo thời gian. Chỉ còn đọng lại trong ký ức của người cao tuổi, viết đôi dòng trình ra.