Đừng ngạc nhiên khi thấy người khác thuê căn hộ để ở chứ không mua.

Hai vợ chồng tôi từ Bắc vào Nam công tác. Mới đây chúng tôi chuyển trọ sang một khu chung cư ở quận 4. Đầu năm khảo sát giá, tôi thấy mặt bằng chung căn hộ một phòng ngủ cho thuê chỉ tầm 10 triệu đồng một tháng. Vậy mà lúc chuyển sang ở hồi tháng 5, căn thấp nhất cũng có giá 12 triệu đồng một tháng, lại còn cũ nát, nội thất ọp ẹp.

Cũng hiểu rằng do lãi suất tăng cao, một lượng lớn người mua theo hình thức vay ngân hàng phải tạm ngưng kế hoạch, dẫn tới nhu cầu thuê nhà tăng vọt. Giá thuê nhà đã lên, các mặt hàng khác cũng trượt giá. Từ đó lại đè nặng lên túi tiền của người dân, và vô tình lại gián tiếp đặt áp lực lên vai doanh nghiệp, người sử dụng lao động.

Nhiều người thắc mắc tại sao không mua trả góp nhà mà đi thuê vì đằng nào mỗi tháng cũng phải tốn tiền, sau mười, hai mươi năm trả nợ xong là có được ngôi nhà của mình.

Nhưng tôi thấy có rất nhiều yếu tố mà khi bạn thực sự tham gia vào “cuộc chiến” trả góp bạn sẽ hình dung ra. Tôi liệt kê sơ sơ:

Thứ nhất, trả góp cũng cần phải một khoản trả trước. Đúng là tiền góp mỗi tháng chỉ tương đương tiền thuê, nhưng rồi tiền trả trước ở đâu ra khi nó thường phải từ 25-50% giá trị căn hộ.

Thứ hai, thời gian vừa qua lãi suất ngân hàng đang ở mức cao trong nhiều năm. Bài toán trả góp là bài toán dài hơn chục năm. Trong thời gian đó dù kinh tế khó khăn, bản thân thất nghiệp, gia đình biến cố thì mỗi tháng người mua cũng cứ trả vài chục triệu đồng.

Thứ ba, việc thuê nhà cho phép bạn tương đối linh hoạt: Ở một thời gian không hợp, hoặc thấy không ổn, hoặc thay đổi nơi sinh sống, có thể dọn đi.

Nói chung, mỗi hình thức đều có lợi, hại của riêng nó. Nên không có gì cần ngạc nhiên về việc tại sao thuê nhà chứ không mua trả góp.

Thuê nhà đã tồn tại nhiều trăm năm nay trong lịch sử loài người, và nó cũng không hề có dấu hiệu sẽ suy giảm trong tương lai gần.