Nhiều hộ nghèo dân tộc Mông ở xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đã có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững nhờ tham gia dự án “HTX liên kết với hộ nông dân để phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững” dựa vào hình thức kinh tế tập thể với mô hình nuôi bò Mông, nuôi gà…
Thay bằng việc hỗ trợ con giống trực tiếp cho người nghèo phát triển kinh tế hộ gia đình theo phương thức nhỏ lẻ như trước đây, thời gian vừa qua Văn phòng điều phối NTM tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn VinGroup) triển khai Dự án “HTX liên kết với hộ nông dân để phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững” dựa vào hình thức kinh tế tập thể tại xóm Tân Lập, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ.
Bước đầu, dự án đã mang lại kết quả rõ rệt, giúp nhiều hộ nghèo có thu nhập ổn định hàng tháng, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo tại địa phương nơi đây.
Chị Nguyễn Thị Trang – Giám đốc HTX Bò Mông số 11 chia sẻ: HTX Bò Mông số 11 được thành lập từ năm 2019 với 8 thành viên. Trước đây, HTX chủ yếu chăn nuôi bò kết hợp với trồng chè. Từ năm 2022, HTX mở rộng thêm một số ngành nghề chăn nuôi như nuôi gà thả đổi, chim cút, lợn rừng và trùn quế.
Hiện, HTX có tổng diện tích trên 5ha, trong đó gồm khu chăn nuôi, khu du lịch trải nghiệm và khu vườn đồi. Bên cạnh đó, HTX cũng mở thêm một khu dịch vụ nhà sàn tại ngay khuôn viên của đơn vị để người dân có thể lựa chọn sản phẩm cũng như phục vụ nhu cầu ăn uống tại chỗ cho bà con khi đến đây.
Tháng 9/2022, thông qua Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên, HTX đã được Quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn VinGroup hỗ trợ cho vay bò giống qua hình thức kết nối giữa HTX và các thành viên liên kết là hộ nghèo. Tổng số đàn bò được hỗ trợ cho vay là 50 con, trong đó có 25 con bò cái nền sinh sản và 25 con bò 3B thương phẩm trị giá 1 tỷ đồng.
Sau khi được hỗ trợ cho vay con giống, HTX đã liên kết và thu hút khoảng 25 thành viên là các hộ nghèo lao động, chăm sóc và cung cấp cỏ cho đàn bò của HTX. Lao động làm việc tại HTX sẽ được trả công theo ngày ở mức 200.000 đồng/người. Đồng thời những hộ nghèo này sẽ cung ứng cỏ cho HTX để làm nguồn thức ăn cho bò.
Sau 3 năm triển khai dự án, từ 50 con bò được hỗ trợ vay ban đầu, trên cơ sở đàn bò sau khi sinh sản, HTX sẽ chia cho 25 hộ nghèo thành viên tham gia dự án mỗi hộ một con bê để phát triển sản xuất. Đây là cách tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định, bền vững cho hộ nghèo ngay từ ban đầu.
Thời gian tới, chị Trang mong muốn HTX sẽ phát triển thêm các ngành nghề để giải quyết thêm việc làm thường xuyên cho các hộ tham gia và thu hút thêm nhiều hộ nữa.
Bà Trần Thị Thái – Thành viên HTX Bò Mông số 11 cho hay: Trước đây, gia đình bà cũng nuôi bò và nuôi trâu nhưng thu nhập không ổn định. Năm 2019 khi HTX bò Mông được thành lập, bà là người đầu tiên tham gia HTX. Công việc hiện nay của bà là trồng cỏ cung ứng cho HTX và chăm sóc đàn bò. Hiện gia đình bà đang có hơn 4 sào cỏ voi bán cho HTX với giá 8.000đ/kg. Theo bà Thái, từ khi tham gia HTX điều kiện kinh tế của gia đình bà được nâng lên rõ rệt vì có thêm nguồn thu nhập ổn định. “Nếu làm đủ ngày công, trung bình mỗi tháng tôi thu nhập 6 triệu đồng”, bà Thái cho biết.
Ngoài tham gia lao động nâng cao thu nhập cho gia đình, bà Thái còn giới thiệu cho nhiều bà con tại địa phương có việc làm tại HTX, trong đó ưu tiên những lao động thuộc hộ nghèo. Nhờ đó, nhiều hộ đã có sự phát triển hơn hẳn về kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt – Phó Chủ tịch UBND xã Văn Lăng (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) đánh giá: Văn Lăng là một xã vùng cao của huyện Đồng Hỷ với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số đông. Trong đó tỷ lệ đồng bào Mông chiếm 1/3 dân số của xã. Từ trước tới nay, các mô hình kinh tế tập thể ở đây chưa được phát triển một cách bài bản. Từ khi HTX Bò Mông số 11 được thành lập vào năm 2019, đến nay HTX đã tận dụng nguồn đất đai của gia đình để xây dựng chuồng trại chăn nuôi, kết hợp trồng cây, trồng cỏ và chăn nuôi bò.
Năm 2022, được sự hỗ trợ của Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên thông qua Tập đoàn VinGroup hỗ trợ cho vay con giống với mục đích liên kết giữa HTX với các hộ nghèo để tạo cơ hội việc làm cho các hộ tham gia. Bước đầu mô hình đã tạo việc làm và thu nhập cho một số bà con nghèo. Đây là mô hình điểm để nhân rộng tại địa phương trong những năm tiếp theo.