Ông Dương Tiến Đường là một hội viên, nông dân tiêu biểu trong phong trào sản xuất kinh doanh và làm giàu nhờ ý tưởng dám nghĩ dám làm. Với mô hình trồng chè, trồng keo Úc kết hợp với chăn nuôi đã mang lại nguồn thu nhập trung bình 300 triệu đồng mỗi năm cho gia đình ông.
Ông Đường (thôn Tân Lập, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) phấn khởi chia sẻ, nhờ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với các loại cây trồng lâu năm, gia đình ông đã tiến hành trồng chè kết hợp trồng keo và chăn nuôi để phát triển kinh tế. Hiện tại gia đình ông có 2ha đất trồng chè, cho sản lượng từ 2 – 3 tạ chè tươi mỗi lứa.
2ha đất trồng chè của gia đình ông Đường
Theo ông Đường, chè là loại cây công nghiệp lâu năm nên việc canh tác và chăm sóc tương đối đơn giản. Một năm cây chè thường cho thu hoạch khoảng 3 lứa với sản lượng trung bình trên 1 tấn chè tươi.
Bên cạnh trồng chè, gia đình ông còn trồng hơn 8ha cây keo. Ông Đường cho biết, ban đầu gia đình ông cũng khó khăn trong việc lựa chọn giống cây phù hợp để đem lại lợi nhuận kinh tế cao. Sau khi tiến hành trồng thử nghiệm các loại keo như keo Úc, keo cành, keo hom, keo giấy, nhận thấy cây keo Úc cho sản lượng gỗ và giá trị kinh tế cao nên ông đã quyết định trồng loại cây này với số lượng lớn.
Sau khi thu hoạch mỗi ha keo đem lại lợi nhuận trên 100 triệu đồng cho gia đình ông
Theo ông Đường, năm 2022 gia đình ông trồng 3 vạn cây keo Úc và trong năm 2023 gia đình ông tiếp tục trồng thêm 3 vạn cây nữa trên diện tích 8ha.
Cũng theo ông Đường, kỹ thuật trồng cây keo không quá phức tạp. Từ khi trồng đến khi thu hoạch chỉ cần bón phân 1 lần và dọn cỏ xung quanh để tạo không gian cho cây phát triển.
Cây keo Úc là loại cây lâm nghiệp lâu năm nên thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch thường kéo dài khoảng 5 – 8 năm. Với mỗi ha keo sau khi thu hoạch đem lại lợi nhuận trên 100 triệu đồng. Hiện nay việc xuất bán sản phẩm ra thị trường của gia đình ông Đường tương đối dễ dàng, khách hàng sẽ tìm đến tận nhà để mua chứ gia đình ông không cần phải vận chuyển đi xa.
Cỏ voi của gia đình ông Đường để phục vụ nguồn thức ăn cho trâu
Cùng với việc trồng chè và keo, hiện gia đình ông Đường còn kết hợp nuôi trâu với số lượng 20 con. Trước khi đến với mô hình này, ông Đường đã vào tận trong Nam để tham quan và học tập kinh nghiệm. Nhận thấy nuôi trâu mang lại hiệu quả kinh tế cao nên ông đã lên các tỉnh Tây Bắc để mua con giống về nuôi.
Từ 4 con trâu nái ban đầu, sau quá trình nhân giống đến nay gia đình ông luôn duy trì đàn trâu với số lượng 20 con. Theo ông Đường, trâu thường mắc các bệnh như: Tụ huyết trùng, lở mồm long móng, viêm da nổi cục…
Thức ăn của trâu cũng khá đơn giản chủ yếu là cỏ voi, cây chuối và ngô. Hiện, gia đình ông đang trồng thêm 4 mẫu cỏ voi để phục vụ nguồn thức ăn cho trâu.Hiện trâu thịt đang có giá từ 75.000 – 100.000 đồng/kg, tính ra với mỗi con trâu khoảng 12 tháng tuổi sẽ có giá bán từ 15 – 20 triệu đồng. Với giá bán ổn định, trung bình mỗi năm gia đình ông có thu nhập khoảng trên 100 triệu đồng từ nuôi trâu.
Dân Việt