Ông Vui cho biết, ngoài nuôi ốc nhồi giống và ốc nhồi thương phẩm, ông còn hỗ trợ về giống và kỹ thuật nuôi ốc nhồi cho bà con trong vùng.

Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, nhiều người ở xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã tự tìm tòi và nuôi ốc nhồi, trong đó có ông công an về hưu Lương Văn Vui ở xóm Tân Thành. Chỉ cần cho ốc nhồi ăn bèo, thường xuyên thay nước sạch, không ngờ ông Vui và nhiều người có thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Ông Lương Văn Vui (59 tuổi, xóm Tân Thành, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) là cán bộ công an về hưu.

Đầu năm 2020, thấy một số hộ trong vùng nuôi ốc nhồi hiệu quả kinh tế cao, ông Vui cũng tìm tòi học hỏi kinh nghiệm và mua ốc nhồi giống về nuôi, lấp đầy thời gian rảnh.

Ban đầu, ông mua 10kg trứng ốc nhồi về tự ấp nở thành ốc giống rồi nuôi thử nghiệm. Tuy nhiên, do lúc đầu chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc ốc nhồi, nên một phần ốc nhồi bị chết rét. Số còn lại, ông thu được 2 tạ ốc thương phẩm.

Đến đầu năm 2021, ông tiếp tục thu được thêm 6 tạ ốc nhồi. Hiện nay, dưới ao của gia đình ông còn khoảng 3 tạ ốc nhồi ông để làm ốc nhồi giống.

Ông Vui cho biết, qua hơn 1 năm nuôi ốc nhồi thử nghiệm, ông thấy kỹ thuật nuôi ốc nhồi không quá khó.

Trong quá trình chăm sóc ốc nhồi, cần chú ý đến nhiệt độ và độ pH hợp lý. Ngoài ra, cần đặc biệt chú ý phải thay nước thường xuyên cho ốc nhồi để đảm bảo nguồn nước sạch.

Thức ăn cho ốc nhồi cũng tương đối dễ kiếm vì chủ yếu là bèo tấm. Nếu cho ốc nhồi ăn các loại rau xanh, bèo, chỉ cần nuôi khoảng 3,5 – 4 tháng là có thể xuất bán ốc nhồi thương phẩm.

Theo ông Vui, nếu muốn ốc nhồi lớn nhanh, có thể cho ốc ăn thêm cám gạo hoặc cám ngô. Tuy nhiên, cần hạn chế tối đa việc để dư thừa thức ăn vì dễ làm nguồn nước bị ô nhiễm.

Ngoài nuôi ốc nhồi thương phẩm, năm nay ông Vui bắt đầu nuôi ốc nhồi giống. Để hạn chế trứng ốc nhồi bị rơi xuống nước, ông đã nghĩ ra cách làm bè xốp thuỷ sinh cho ốc nhồi đẻ trên bề mặt.

Việc làm bè xốp thuỷ sinh này vừa giúp làm mát, tránh tình trạng chuột ăn trứng ốc, vừa giúp cho việc thu gom trứng ốc nhồi được thuận tiện.

Ông Vui cho biết, ngoài nuôi ốc nhồi giống và ốc nhồi thương phẩm, ông còn hỗ trợ về giống và kỹ thuật nuôi ốc nhồi cho bà con trong vùng.

Với giá ốc nhồi thương phẩm khoảng 220.000 đồng/kg như hiện nay, nếu nuôi ốc nhồi ổn định, ông cũng có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Còn ông Đinh Đình Thành (xóm Kha Bình Lâm, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) hiện đang công tác tại Trạm y tế xã Kha Sơn, là một trong những hộ đầu tiên nuôi ốc nhồi tại địa phương. Tương tự như ông Vui, gia đình ông Thành cũng chỉ tranh thủ thời gian rỗi nuôi ốc nhồi, nhưng lại thu về hiệu quả kinh tế cao.

Ông Thành chia sẻ, nuôi ốc nhồi phải đảm bảo nguồn nước sạch, nên ông đã khoan riêng một giếng nước để thay nước cho ốc.

Do ốc nhồi đẻ trứng trên bờ ao nên ông làm bờ ao có độ dốc thoai thoải, rồi thường xuyên dọn sạch bờ ao. Ngoài ra, để tránh chuột bọ xâm hại trứng ốc nhồi, ông còn quây bạt xung quanh bờ ao nhằm đảm bảo trứng ốc nhồi không bị hao hụt.

Theo ông Thành, để tỷ lệ trứng ốc nhồi nở cao, cần đảm bảo về nhiệt độ và môi trường một cách cẩn thận, sạch sẽ. Các bề mặt bể phải được khử trùng tuyệt đối để tránh ốc nhồi con bị nhiễm bệnh.

Ban đầu, ông Thành chỉ nuôi ốc nhồi trên diện tích 4 sào mặt nước. Nhưng hiện nay, ông đã mở rộng lên diện tích 7 sào mặt nước nuôi ốc nhồi.

Đầu vụ năm 2021, gia đình ông Thành bán ốc nhồi giống với giá 4 – 5 triệu đồng/vạn con. Từ nuôi ốc nhồi, gia đình ông Thành thu về từ 300 – 400 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Văn Hào – Chủ tịch UBND xã Kha Sơn cho biết, ban đầu, tại địa phương chỉ có một vài hộ dân nuôi ốc nhồi. Sau khi khi nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ nuôi ốc nhồi, nhiều hộ đã chủ động học hỏi kinh nghiệm nuôi ốc nhồi và mua giống về nuôi, phát triển với số lượng lớn.

So với một số mô hình kinh tế khác, mô hình nuôi ốc nhồi này vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, lại không tốn quá nhiều công chăm sóc.