Mô hình gà thả đồi được anh Dương triển khai với mong ước trở thành đặc sản của địa phương. Sau khi nuôi được 3 tháng sẽ bắt đầu thả gà trên đồi và vườn cỏ dưới tán rừng để chúng tự tìm kiếm thêm thức ăn tự nhiên, được chạy nhảy, leo trèo…
Là một người đầy bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế, chàng trai trẻ Lương Văn Dương, Bí thư chi đoàn Thôn Khụ I, xã Giao Thiện (huyện Lang Chánh, Thanh Hóa) đã tiên phong xây dựng mô hình chăn nuôi gà đồi trở thành con nuôi đặc sản của địa phương. Từ đó tạo ra sản phẩm thịt gà có chất lượng, có thương hiệu riêng, đồng thời xây dựng HTX Gà đồi Lang Chánh từ 12 đến 15 trang trại, với quy mô chăn nuôi trên 15.000 con gà thịt mỗi lứa.
Tuy chăn nuôi có lúc thăng trầm, có khi lỗ, nhưng với đam mê xây dựng thương hiệu gà đồi của quê hương, anh Dương đã mạnh dạn vận động được 8 hội viên cùng tham gia nuôi gà với 12 trại và thành lập HTX Gà đồi Lang Chánh.
Với những kinh nghiệm rút ra từ thực tế sau 6 năm nuôi gà cùng niềm đam mê, khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, anh Lương Văn Dương đã quyết định thay đổi hướng chăn nuôi quy mô nhỏ sang quy mô lớn, tập hợp thêm nhiều thành viên liên kết để từng bước thành lập HTX, gắn với xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Mô hình chăn nuôi này khá đơn giản với phương thức bán chăn thả, gà sau khi nuôi được 03 tháng sẽ bắt đầu thả lên đồi và các khu vườn cỏ dưới tán rừng để tự tìm kiếm thêm thức ăn tự nhiên. Gà được chạy nhảy, leo trèo, phơi nắng, đây là điều rất đặc biệt mà thịt gà được nuôi từ HTX Gà đồi Lang Chánh dần trở thành thương hiệu. Nhờ chăn nuôi bán tự nhiên, gà được vận động thoải mái, chất lượng thịt rất được khách hàng ưa chuộng.
Vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh Covid-19 vừa qua, đàn gà 4.000 con hiện nay của anh Dương đã và đang phát triển tốt, khỏe mạnh, hứa hẹn mở ra tương lai sáng cho ngành chăn nuôi cả nước nói chung và địa phương nói riêng.
Đoàn xã Giao Thiện cũng đã tổ chức cho thanh niên đến tham quan, học tập kinh nghiệm chăn nuôi để nhân rộng mô hình nuôi gà thả đồi. Cùng với đó, anh Dương sẽ tận tình hướng dẫn, chỉ bảo từ khâu vào giống, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, cách xây dựng chuồng trại, lắp đặt hệ thống máng ăn, máng uống tự động nhằm từng bước nhân rộng cho các thanh niên khác tại địa phương có mong muốn khởi nghiệp với nghề chăn nuôi.