Từ khi Nhà máy Thủy điện Trung Sơn đi vào hoạt động, ông Đinh Công Chức đã nuôi cá lồng. Ngoài nuôi cá trắm, chép…ông Chức còn nuôi thêm cá lăng đuôi đỏ đặc sản bán 200.000 đồng/kg.

Khách hàng chỉ điện thoại là ship cá đến tận nhà

Tại lòng hồ thủy điện Trung Sơn (huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa), người dân chỉ đến mô hình nuôi cá lồng hiệu quả hộ ông Đinh Công Chức (bản Tà Bán, xã Trung Sơn). Gia đình ông Chức là một trong những hộ tiên phong trong phong trào nuôi cá lồng ở hồ thuỷ điện Trung Sơn.

Vừa đến nơi, ông Chức vui vẻ: “Đợi tôi chút, giờ phải đem con cá trắm cỏ 5kg cho khách, khoảng 15 phút là tôi quay về luôn. Các anh thấy đấy, nuôi cá giờ là thế, khách ở nhà chỉ cần bấm điện thoại, tôi gửi hình ảnh ưng là chuyển cá đến thôi”.

Trong lúc đợi ông Chức đi đưa cá cho khách, phóng viên quan sát hiện gia đình ông đang có 6 ô (lồng) nuôi các loại cá trắm cỏ, chép, rô phi…Ngoài ra, còn có loại cá lăng vàng, đây là cá có lớp da ᴠàng tươi, nhờn bóng, thịt cá có màu trắng, nhiều nạc và khi chế biến thành các món ăn rất ngon.

Đặc biệt, ông Chức đang nuôi thêm cá lăng đuôi đỏ đặc sản là cá lăng có kích thước lớn nhất trong tất cả các loài thuộc họ cá lăng. Chúng có da trơn bóng, phần đuôi có màu đỏ trắng, phần thân dài, đầu dẹp và có ᴠâу lớn.

Ông Đinh Công Chức (bản Tà Bán, xã Trung Sơn) kể: “Tôi bắt đầu nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Trung Sơn từ năm 2020, hiện tôi có 6 ô với diện tích 30m2/ô. Tôi thường thả cá giống loại 1kg, bởi thả cá nhỏ chúng vượt qua lưới cước bơi ra sông hết. Thả cá lớn vừa đảm bảo không bị hao hụt, tiện chăm sóc và nhanh thu hồi vốn”.

“Đối với nuôi cá trắm thì tôi không phải lo thức ăn cho đàn cá có quanh trên đồi núi các loại rau, lá chuối, cỏ, lá sắn…thì nhiều lắm nên cứ cắt về cho cá ăn. Lưu ý, lượng thực ăn cho cá vừa đủ nếu cho ăn nhiều dư thừa gây ô nhiễm môi trường nuôi”, ông Chức cho biết.

Cũng theo ông Chức, cứ 1 tuần gia đình dùng lá cây xoan, tỏi nghiền nhỏ để phòng bệnh cho đàn cá lồng, nhờ áp dụng phương pháp đơn giản đó mà đàn cá nuôi gia đình tránh được dịch bệnh tấn công.

Được biết, vị trí hộ ông Chức nuôi cá lồng với mực nước sâu khoảng 20 mét, diện tích mặt nước rộng…đang giúp gia đình ông Chức mỗi năm thu hoạch từ 5-6 tấn cá các loại, trừ chi phí thu về gần 100 triệu đồng/năm.

Kỹ thuật nuôi 

Cá lăng đuôi đỏ là một trong số các giống cá đang được nuôi khá nhiều ở Việt Nam. Đây là loại cá có giá trị dinh dưỡng rất cao, thịt cá mềm, thơm hơn, giàu dinh dưỡng hơn nên giá bán thường cao hơn các loại cá khác.

Ông Đinh Công Chức (bản Tà Bán, xã Trung Sơn) chia sẻ: “Cá lăng đuôi đỏ tôi nuôi hơn 1 năm là bán giá trên 200.000 đồng/kg. Mặc dù, nuôi cá lăng đuôi đỏ không quá khó, cá có khả năng chống chịu được bệnh tật tốt nhưng vẫn có rủi ro tiềm ẩn, nhất là với người nuôi cá số lượng lớn”.

“Nếu như cá lăng đuôi đỏ nuôi thâm canh, nuôi đơn thì mật độ từ 8-10 con/m2. Thông thường thả cá lăng đuôi đỏ từ cuối tháng 3 và tầm đầu tháng 4 hằng năm là tốt nhất”, ông Chức bộc bạch.

Qua tìm hiểu, nhờ hàm răng chắc khỏe nên cá lăng đuôi đỏ có thể ăn được nhiều dạng thức ăn khác nhau như: Thức ăn tự chế biến, thức ăn cám công nghiệp hay thức ăn tươi sống đều được.

Cụ thể, trong 3 tháng đầu nuôi có thể cho cá lăng đuôi đỏ ăn thức ăn tự chế biến như: Cá tươi nghiền bột lẫn cám gạo thành viên. Lượng thức ăn bằng 7-10% trọng lượng cá, mỗi ngày ăn 3 bữa.

Đối với thức ăn tươi sống thì 1 tháng chỉ cần cho ăn 1-2 lần là được. So với các giống cá khác thì thời gian nuôi cá lăng đuôi đỏ kéo dài hơn từ 1,5-2 năm là thu hoạch. Lúc này cá lăng đuôi đỏ có thể đạt 2-3kg/con. Nếu nuôi lâu hơn thì trọng lượng cá càng lớn, giá cao hơn, có thể lọc con to để thu hoạch trước.

Thịt cá lăng đuôi đỏ vừa ngon mà lại chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt nên rất được nhiều người yêu thích. Tùy vào sở thích của mỗi gia đình mà có thể chế biến cá lăng thành nhiều món như: Món canh chua, lẩu, nướng…Bởi thịt của cá lăng đuôi đỏ rất mềm, thơm nhất trong các dòng cá lăng.