Thời nào cũng vậy, ở nơi nào cũng thế, cứ hễ là phụ nữ thì sinh ra phải nghiễm nhiên biết cách làm đẹp cho bản thân mình.
Nhưng có lẽ trái với thời buổi hiện nay, khi nền công nghiệp mỹ phẩm lên ngôi cộng với các ngành nghề như dịch vụ thẩm mỹ, spa, hoặc các loại thực phẩm chức năng với công dụng làm đẹp mọc lên như nấm sau mưa, mang đến cho chị em thật nhiều sự lựa chọn để cải thiện nhan sắc của mình thì ngày trước, trong thời bao cấp, chuyện làm đẹp của chị em nhọc nhằn hơn rất nhiều, chưa kể các loại mỹ phẩm làm đẹp cũng vô cùng khan hiếm.
Chuyện làm đẹp của chị em gắn với khu vườn sau nhà và những mẹo vặt lừng danh một thuở
Phụ nữ bây giờ có quá nhiều sự lựa chọn để làm đẹp cho mình nào là hàng trăm thương hiệu mỹ phẩm, son phấn, má hồng, chải mi các kiểu, cho đến các cơ sở thẩm mỹ, năng mũi nâng má, hút mỡ bơm ng*c tràn lan khắp các tuyến đường ở mọi thành phố. Còn ngày đó, miếng ăn hằng ngày còn khó, lấy tiền đâu ra để làm đẹp, chưa kể có tiền cũng chẳng có nhiều mặt hàng hoặc cơ sở làm đẹp tân thời như hiện nay để mua mà đắp lên người, dao kéo này kia kia nọ.
Vậy nên, thời đó chuyện làm đẹp của chị em gắn liền với khu vườn sau nhà hoặc các loại dược phẩm thiên nhiên được bày bán ở các khu chợ trong xóm làng như bồ kết, hương nhu, hoa bưởi, vừng đen, hoa nhài… sang hơn nữa là nước gạo rang, hoặc mật ong, trứng gà. Ai muốn tóc dày và đẹp thì gội đầu với bồ kết, ai muốn da trắng mịn thì rửa mặt với nước vo gạo, tóc ai bị gàu thì dùng muối và phèn chua,… Rồi chị em phụ nữ ngày đó cũng có một số mẹo vặt như “khoai lang chấm mật giúp da hồng hào”, “ăn vừng đẹp tóc mượt da”…
Thậm chí, thời đó chẳng có nhiều son như bây giờ, giá một cây son cũng không phải là vừa vặn túi tiền giữa thời buổi kinh tế khó khăn nên chị em cũng hay dùng hoa dâm bụt hái ngoài hàng rào, nghiền nát ra để lấy thứ nước đỏ thắm mà thoa lên môi, lên má cho duyên dáng để đi ăn cưới. Hài hước ở chỗ, lúc mới thoa thì cũng đỏ đỏ xinh xinh nhưng chỉ vài giờ sau thì “tinh chất” hoa dâm bụt chuyển sang màu thâm đen khiến không ít chị em vô tình trở thành trò cười cho cả làng.
Hồi đó cũng có những mẹo đại tu khuôn mặt mà đến tận ngày nay khoa học vẫn chưa lý giải nổi như vuốt nắn từ khi còn bé để có chiếc mũi thon cao thanh tú, nằm nghiêng để má hóp trở nên bầu bĩnh… Và cả những mẹo nhỏ bí mật truyền khẩu qua nhiều thế hệ được kha khá phụ nữ tin như uống nước hãm từ 10 bông hoa nhài giúp mắt sáng long lanh, tắm nước lá tre cho làn da tươi trẻ thanh tân…
Bi hài chuyện bất chấp làm đẹp để cập nhật xu hướng chung
Về xu hướng làm đẹp giai đoạn này cũng chưa mang tính đột phá bởi thời đó kinh tế khó khăn, sách báo hiếm hoi, người biết đọc cũng không nhiều, chưa kể vô tuyến truyền hình đến mãi sau này mới rộng rãi nên chị em mỗi khi muốn làm đẹp là phải chạy đi hỏi người này, người kia. Từ đó các câu chuyện làm đẹp truyền miệng trở thành xu hướng chung, chuẩn mực chung. Chưa kể, các câu chuyện truyền miệng đi càng xa càng dễ bị thêu dệt, thêm mắm thêm muối khiến việc làm đẹp của chị em trong giai đoạn này gặp không ít chuyện bi hài.
Bi hài nhất là phải kể đến chuyện làm tóc. Ngày đó, mốt tóc phi-dê được chị em lăng-xê trở thành trào lưu vô cùng thời thượng mà cô nào cô nấy cũng muốn có. Nhưng ngặt nỗi, lúc ấy cũng có tiệm làm tóc nhưng chỉ dành cho những cô nàng có gia đình khá giả bởi mỗi lần làm xong là tốn không dưới 20 đồng, tình ra là nửa tháng lương của một người bình thường.
Vì vậy, các chị em đã nảy ra không biết bao nhiêu là kiểu để làm mái tóc mình xoăn đúng mốt phi-dê thời bấy giờ. Cái khó ló cái khôn mà và sáng kiến là những chị em bình dân đã dùng cây kẹp như cây kẹp gắp than thời bấy giờ, nung trong bếp lửa cho nóng đỏ rồi nhúng vào nước lạnh, tiếp đó nhanh tay quấn từng lọn tóc vào để tí xíu cho tóc xoăn. Đây là cách làm thủ công, cũng có thể gọi là “thủy tổ” của các loại máy kẹp tóc, uốn tóc lọn thời nay bởi vận hành theo cùng một nguyên lý phải không nào? Tuy nhiên, cách làm thủ công của chị em thời xưa cũ rất mất thời gian và không ít lần bị bỏng.
Một phương pháp nữa được phụ nữ thời đó áp dụng là dùng chiếc đũa cả hơ đến khi nóng rồi cuộn tóc vào thành lọn, nhưng phương pháp này ít hiệu quả hơn vì nếu hông để ý vội cuốn tóc vào khiến cho tóc không quăn lại mà cháy xém một mảng đen khét lẹt. Một số chị em khác còn nghĩ ra cách sau khi gội đầu xong, tóc còn ẩm, họ tết các sợi tóc thật nhỏ, buộc lại để qua đêm. Sáng hôm sau cô gái gỡ tóc ra là có mái tóc xoăn, khác lạ…
Về sau, khi nền công nghiệp giải trí bắt đầu du nhập vào Việt Nam, cũng kéo theo một số trào lưu về tóc thịnh hành lừng danh một thuở như mốt tóc “Ôxy”, mốt “Mai-ca” (một nhân vật trong phim của Liên Xô), mốt Mariana (nhân vật trong phim “Người giàu cũng khóc” của Braxin), hay vào năm 1987, chị em đi xuất khẩu lao động ở Tiệp Khắc về mang theo mốt tóc Xuri (ca sĩ nổi tiếng thập niên 80 của Tiệp Khắc)… Tất nhiên, những mốt này cũng được chị em Việt nhanh chóng cập nhật.
Mà đã nói về chuyện tóc tai thì không thể nào quên được cái nạn chấy ngày xưa khiến không ít chị em đau đầu. Chúng nó sinh sản nhanh đến mức thách thức cả các loại nước gội đầu truyền thống từ trái bồ kết, mặc dù cho chăm chỉ bắt cỡ nào thì chỉ sau một đêm đàn chấy cũng sinh sôi nảy nở theo cấp số nhân, nghĩ đến thôi là rợn da gà. Thế nhưng, vì đẹp mà nên đàn chấy này cuối cùng cũng phải chịu thua trước những cách tiêu diệt bá đạo của chị em.
Thủ công nhất là chị em dùng cây đèn dầu hơ hơ lên mái tóc đầy chấy, và khi thấy nóng đàn chấy sẽ kéo nhau chạy tán loạn khỏi da đầu, chị em lúc này tranh thủ mà bắt chấy, bắt được liền dùng hai móng tay đè cho nó “nổ” lách tách tan tành. Chưa kể, bắt trúng con chấy “chúa” to nhất thì một số chị em bạo gan còn đưa lên miệng cắn, kêu cái “tách” cho bỏ ghét. Hoặc một số người còn dùng liệu pháp dân gian và sản phẩm thủ công như dùng hạt na giã nát hay dầu hỏa bôi lên đầu, sau đó lấy lược bí chải đi, chải lại cho hết chấy và trứng chấy.