Năm nay là năm thứ 2 gia đình ông Nguyễn Xuân Tùng ở thôn Hợp Bình (xã Hương Minh, huyện Vũ Quang) có thu nhập từ cây mắc ca, bán hạt mắc ca sau 6 năm trồng.
Việc trồng thử nghiệm cây mắc ca bước đầu đã thành công ở huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh). Theo các nhà vườn và ngành chuyên môn thì đây là cây trồng giàu tiềm năng nếu được đầu tư, quy hoạch phát triển xứng tầm.
Đầu năm 2021, ông Lê Trọng Nhị ở thôn 6 (xã Thọ Điền) tình cờ biết đến cây mắc ca ở tỉnh Đắk Lắk trong một chương trình truyền hình. Quá trình tìm hiểu, ông nhận thấy loại cây này có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là phù hợp với đất đai, khí hậu của vùng miền núi Vũ Quang.
Xuất phát từ thực tiễn đó, cuối năm 2021, ông Nhị đã vào huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) để tham quan các mô hình trồng cây mắc ca ở tỉnh bạn. Được các nhà vườn chia sẻ kinh nghiệm, gia đình ông đã mua hơn 300 cây giống, với giá 70 nghìn đồng/cây về trồng thử nghiệm.
“Sau gần 1 năm trồng, cây mắc ca phát triển tốt, rất phù hợp với chất đất của địa phương. Đặc biệt, chi phí chăm sóc cây mắc ca không tốn kém và có thể trồng xen với các loại cây ăn quả khác. Ngoài ra, thị trường đầu ra quả mắc ca ổn định, giá thành cao nên gia đình dự kiến sẽ trồng thêm 300 cây nữa vào cuối năm nay” – ông Nhị cho biết.
Năm nay là năm thứ 2 gia đình ông Nguyễn Xuân Tùng ở thôn Hợp Bình (xã Hương Minh) có thu nhập từ cây mắc ca sau 6 năm trồng.
Ông Tùng cho biết: “Năm 2016, gia đình tôi trồng 10 cây mắc ca nhằm mục đích để che mát, dù không chăm sóc gì nhưng cây vẫn phát triển tốt. Đặc biệt, năm 2020, cây cho quả khá nhiều, bình quân mỗi cây đạt trên 5 kg. Sau khi chia sẻ trên mạng xã hội, tôi mới biết quả mắc ca bán rất được giá, hơn 100 nghìn đồng/kg”.
Ông Tùng cũng cho biết thêm, qua tìm hiểu ông được biết đây là loại cây “xóa đói, giảm nghèo” ở nhiều nơi trên cả nước, giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, thông qua lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mắc ca do UBND huyện tổ chức, gia đình đã có thêm nhiều kinh nghiệm, dự kiến trong thời gian tới, gia đình sẽ nhân rộng mô hình lên 300 cây.
Được biết, để người dân nắm bắt được các tiềm năng cũng như kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mắc ca, thời gian qua, huyện Vũ Quang đã phối hợp với Hiệp hội Mắc ca Việt Nam tổ chức tập huấn, giới thiệu về thị trường mắc ca; quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc; quy trình hỗ trợ vay vốn của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt để đầu tư trồng mắc ca.
Ngoài ra, địa phương cũng đã tổ chức các đợt tham quan, học hỏi thực tế tại các mô hình trồng cây mắc ca ở TX Thái Hòa (Nghệ An). Qua đó, giúp các hộ dân có thêm những thông tin bổ ích từ loài cây này. Đặc biệt, huyện đã ban hành đề án hỗ trợ phát triển cây mắc ca, theo đó, mỗi người dân sẽ được hỗ trợ 40% giá/cây giống, tương đương 26 nghìn đồng/cây (giá chưa hỗ trợ là 65 nghìn đồng/cây).
Sau khi đề án phát triển cây mắc ca được ban hành, các địa phương trên địa bàn Vũ Quang đã tích cực thông tin tới từng nhà vườn để người dân nắm bắt, chủ động đăng ký.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đức Lĩnh Nguyễn Xuân Thê cho biết: “Qua các buổi sinh hoạt chi bộ, họp thôn, địa phương đã chỉ đạo cấp ủy thôn lồng ghép đề án hỗ trợ phát triển cây mắc ca của UBND huyện vào sinh hoạt để bà con nắm bắt. Đến nay, địa phương đã có 31 nhà vườn đăng ký, với diện tích gần 11 ha. Đây thực sự là quyết sách đúng đắn của UBND huyện trong chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững, mang lại thu nhập ổn định cho bà con trong tương lai”.
Ông Nguyễn Minh Hoài (thôn Cao Phong, xã Đức Lĩnh) phấn khởi chia sẻ: “Khi tiếp cận được chính sách, gia đình đã đăng ký trồng 250 cây mắc ca (gần 1 ha). Ngoài được hỗ trợ 40% giá cây giống, khi tham gia vào quy trình trồng cây mắc ca, bà con chúng tôi không phải lo đầu ra, bởi khi cây đến kỳ thu hoạch sẽ được các doanh nghiệp do huyện kết nối thu mua ngay tại vườn”.
Ông Phan Xuân Nam – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vũ Quang cho biết: “Theo đề án, từ nay đến cuối năm, huyện phấn đấu hỗ trợ người dân trồng trên 25 ha cây mắc ca. Tới thời điểm này, 10 xã, thị trấn trên địa bàn đều đã có hộ dân đăng ký nhận hỗ trợ phát triển cây mắc ca thông qua đề án, với diện tích trên 20 ha. Dự kiến tháng 11 tới sẽ phân bổ cây giống về cho các địa phương. Hiện tại, phòng vẫn đang chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ tinh thần đề án hỗ trợ để được hưởng lợi chính đáng, từng bước đưa mắc ca trở thành cây trồng chủ lực mới trên địa bàn huyện”.
Cũng theo ông Nam, từ trồng thử nghiệm thành công và qua học hỏi một số mô hình trồng mắc ca ở tỉnh bạn cho thấy, đây sẽ là cây trồng giàu tiềm năng nếu được đầu tư, quy hoạch phát triển xứng tầm.
- Hà Nội sắp có quy định mới về phân lô, tách thửa đất
- Đắk Lắk: Nuôi loài thú trong chuồng heo cũ, lưng đầy gai nhọn, “nghiện” ăn rau rừng, chăm nhàn mà đông người đến xem
- Hiện trạng công trình thủy lợi hơn 5.500 tỷ đồng có 8 người bị bắt
- 7 cách trị tâm lý ương bướng, khi con “nổi loạn tuổi lên 2”, cha mẹ nào cũng nên biết
- Phụ nữ ngoại tình dù mê muội đến mấy cũng đừng làm 4 điều này nếu không muốn trả giá quá thảm