Hơn 30 doanh nghiệp điện ảnh đã ký tên và đóng dấu vào văn bản khẩn, kiến nghị về việc điều chỉnh mức thuế giá trị gia tăng (VAT) trong Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng.
Văn bản được gửi đi ngày 12/11, đến Chính phủ và Quốc hội. Trong danh sách này có những cái tên đáng chú ý như: Thu Trang, Đức Thịnh, Hoàng Quân, BHD, CJ CGV, Lotte Cinema, Thiên Ngân, Mega GS, HK Film, ABC Pictures, Chánh Phương phim, Beta Media, CJ HK…
Theo đó, văn bản nêu rõ, các doanh nghiệp, giới làm phim “không xin Nhà nước đầu tư tài chính, không xin cơ sở vật chất, đất đai, nhân lực, mà chỉ xin cơ chế và chính sách đãi ngộ hợp lý để vừa đảm bảo đóng góp cho ngân sách, cho xã hội mà vẫn phát triển doanh nghiệp ổn định”, trong đó có vấn đề thuế VAT.
Trong nội dung văn bản, các doanh nghiệp, giới làm phim chỉ ra 3 lý do để không đồng thuận với đề xuất tăng thuế VAT lên 10% đối với lĩnh vực điện ảnh.
Lý do đầu tiên chỉ ra rằng lĩnh vực điện ảnh là một phần quan trọng của hoạt động văn hóa dân tộc. Đảng và Nhà nước luôn rất quan tâm đến lĩnh vực này. Điều đó đã được nêu rõ trong Quyết định ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Các doanh nghiệp điện ảnh đã và đang nỗ lực để thực hiện mục tiêu phấn đấu chung của ngành mà Thủ tướng Chính phủ giao trong quyết định 2156/QĐ-TTg.
Mặt khác, Luật Điện ảnh năm 2022 cũng quy định: “Nhà nước có chính sách huy động các nguồn lực, thực hiện các biện pháp bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, phát triển thị trường điện ảnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh để xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh gắn với phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế.
“Nếu Nhà nước không thể giảm thuế, chúng tôi xin đừng tăng thêm thuế cho người dân khi thụ hưởng các giá trị điện ảnh do chúng tôi phục vụ”, văn bản nêu.
Diễn viên, nhà sản xuất Thu Trang (ảnh trái) và nhà sản xuất Hoàng Quân (ở giữa, ảnh phải) cùng nhiều đại diện doanh nghiệp điện ảnh đã ký vào văn bản gửi đến Chính phủ và Quốc hội kiến nghị về việc điều chỉnh mức thuế giá trị gia tăng (VAT) trong Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (Ảnh: Facebook nhân vật).
Thứ hai, văn bản nhắc, đại dịch Covid-19 xảy ra vào đầu năm 2020 và kéo dài trong suốt 2 năm đã làm cho nền kinh tế nói chung và ngành điện ảnh Việt Nam nói riêng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tốc độ hồi phục của ngành điện ảnh năm 2023 mới chỉ tiệm cận về gần với năm 2019 (năm liền trước đại dịch) và đang gặp rất nhiều khó khăn.
Ba là, bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, sự thay đổi về nhu cầu và thói quen của người tiêu dùng sau đại dịch, sức mua của người dân giảm… đang tạo nên những khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp điện ảnh.
Văn bản cho rằng, đề xuất tăng thuế suất từ 5% lên 10% là không có bất kỳ lý giải hay lập luận khoa học và thực tiễn nào.
“Việc đề xuất tăng thuế suất không chỉ là gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp mà còn làm mất đi cơ hội vượt qua khó khăn hiện tại của các doanh nghiệp điện ảnh, làm cho thói quen tiêu dùng của khách hàng thay đổi thêm sâu sắc trong khi sức mua của họ đang giảm”, văn bản nêu rõ.
Các đại diện doanh nghiệp còn mạnh dạn đề nghị, mức thuế giá trị gia tăng cho hoạt động điện ảnh là 3% (giảm 2% so với hiện nay).
Các nhà làm phim cho rằng điện ảnh Việt không có nhiều phim thắng phòng vé, đạt doanh thu hàng trăm tỷ như “Mai” của Trấn Thành (trái) hay “Lật mặt 7: Một điều ước” của Lý Hải (Ảnh: Nhà sản xuất).
Cục Trưởng Cục Điện ảnh: Tăng thuế lúc này là không phù hợp
Trao đổi với phóng viên Dân trí về vấn đề trên, ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Điện ảnh – bày tỏ mong muốn Quốc hội “hết sức cân nhắc” vì nếu tăng thuế sẽ ảnh hưởng rất nặng tới sự phát triển của điện ảnh Việt Nam hiện nay.
Ông Thành cho rằng, để phát triển điện ảnh, một trong những chính sách cần quan tâm là giảm thuế.
Việc tăng thuế gấp đôi sẽ không phù hợp khi muốn chấn hưng phát triển văn hóa, trong đó có điện ảnh. Điều này đi ngược lại đường lối khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển văn hóa và điện ảnh thời gian qua.
“Điện ảnh Việt Nam hiện nay khó khăn nhiều hơn là thuận lợi. Đừng thấy các phim trăm tỷ mà cho rằng đó là thuận lợi.
Hiện điện ảnh Việt Nam mới khôi phục lại được như trước thời điểm Covid-19, chưa có sự phát triển nào lạc quan ở đây nên tăng thuế là việc không phù hợp”, Cục trưởng Cục Điện ảnh nói.
Trước đó, tại Hội thảo Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm trong khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội 2024, PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội – cũng cho rằng, miễn, giảm thuế VAT cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa cũng là việc nên làm để người dân tiếp cận sản phẩm văn hóa dễ dàng hơn, khuyến khích sáng tạo nghệ thuật và bảo tồn các giá trị truyền thống.
Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp văn hóa phát triển, gia tăng giá trị kinh tế của ngành công nghiệp văn hóa – sáng tạo.
“Kêu gọi các nghệ sĩ, nhà sản xuất, đạo diễn, các hiệp hội, ban ngành… có thêm tiếng nói để có thêm sự đồng thuận giữ nguyên mức thuế 5% như hiện nay”, ông Sơn nói.
“Lợi ích chưa thấy đâu, trách nhiệm đã rất nặng nề”
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Tiến Hưng – Tổng giám đốc hãng phim Giải phóng – cho hay, điện ảnh Việt vừa trải qua đại dịch Covid-19 và mới khôi phục.
Các nước khác trên thế giới cũng đang tạo mọi điều kiện để văn hóa nói chung và điện ảnh nói riêng phát triển. Vì vậy, việc tăng thuế ở Việt Nam lúc này là không phù hợp.
“Bây giờ chưa thấy được sự đầu tư, quan tâm lớn hay thiết thực lắm đã đề xuất tăng thuế, như vậy có đi ngược lại chủ trương của Nhà nước, Chính phủ là tạo cơ hội cho văn hóa và điện ảnh phát triển?
Điều này sẽ khiến các đơn vị sản xuất phim hoang mang, bởi lợi ích chưa thấy đâu, trách nhiệm đã rất nặng nề. Mong Chính phủ và Quốc hội cân nhắc, chưa nên tăng thuế vào lúc này”, ông Hưng bày tỏ.
Đạo diễn Charlie Nguyễn cũng chia sẻ: “Toàn ngành điện ảnh Việt đang nín thở chờ ngày 26/11, ngày Quốc hội biểu quyết về việc tăng thuế VAT lên gấp đôi”.
Theo đạo diễn phim Dòng máu anh hùng, trong khi các quốc gia đang nỗ lực cạnh tranh bằng các chính sách hoàn/giảm/miễn thuế hấp dẫn để thu hút các nhà làm phim, quảng bá văn hóa và thúc đẩy du lịch địa phương thì điện ảnh Việt Nam vẫn đang phải “cầu xin” đừng tăng thuế…
“Nếu vẫn tăng thuế sẽ là gánh nặng, rủi ro, mạo hiểm hơn, và ảnh hưởng đến toàn ngành điện ảnh. Những dự án phim, đặc biệt là của các bạn trẻ, sẽ khó tìm được cơ hội đầu tư. Thuế lên, nếu nhà sản xuất không muốn tăng ngân sách thì phải giới hạn về sáng tạo, về bối cảnh… Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng tác phẩm”, đạo diễn Charlie Nguyễn nói.
Trong khi đó, đạo diễn Đỗ Thanh Hòa cũng bộc bạch: “Với vai trò là một nhà sản xuất phim, khi tôi gặp bất kỳ nhà đầu tư chuyên nghiệp nào để gọi vốn cho các dự án, họ cũng đều nói với tôi đầu tư phim là mục đầu tư mạo hiểm.
Thực chất, họ đầu tư vào đây phần nhiều là vì sở thích cá nhân và muốn giúp cho người làm phim như tôi… Vậy mà giờ đây khi nghe tin Quốc hội chuẩn bị bỏ phiếu thông qua việc tăng thuế ngành điện ảnh từ 5% lên 10% thì quả thật quá lo lắng”.
Nhà sản xuất Hoàng Quân chia sẻ thêm, ngành phim nhìn bề ngoài thì ổn nhưng nội tại vẫn còn đang phải cố gắng gồng gánh và nỗ lực rất nhiều để chuyển mình phát triển.
Với văn bản kiến nghị này, anh và những nhà làm phim hy vọng các nhà làm chính sách sẽ cân nhắc thật kỹ lưỡng để đảm bảo sự bền vững và phát triển của điện ảnh Việt, vừa hỗ trợ các doanh nghiệp sáng tạo tiếp tục cống hiến