Không được sự đồng ý của gia đình tôi, hàng xóm vẫn trổ cửa sổ. Nếu tôi muốn kiện ra tòa án thì thủ tục như thế nào? Án phí bao nhiêu? Thời gian tiến hành bao lâu?
Bùi Thị Nhỏ
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 259 Bộ luật Dân sự 2005 về quyền yêu cầu ngăn chặn hoặc chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp: “Khi thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu của mình, chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người có hành vi cản trở trái pháp luật phải chấm dứt hành vi đó; nếu không có sự chấm dứt tự nguyện thì có quyền yêu cầu toà án, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác buộc người đó chấm dứt hành vi vi phạm”.
Như vậy, nếu có đủ căn cứ để chứng minh việc nhà hàng xóm trổ cửa sổ sang nhà bạn là trái pháp luật, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của gia đình mình, đã yêu cầu chấm dứt mà không có kết quả, bạn có thể khởi kiện người hàng xóm ra tòa án nhân dân cấp huyện (nơi có bất động sản) để giải quyết.
Khi khởi kiện, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
Về thời hiệu khởi kiện: Theo quy định tại điểm b khoản 3 điều 159 Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi bổ sung năm 2011, thời hiệu khởi kiện đối với vụ án tranh chấp này là “hai năm, kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”.
Về hồ sơ khởi kiện: Theo quy định tại Điều 164, Điều 165 Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi bổ sung năm 2011 và theo hướng dẫn của tòa án bao gồm:
– Đơn khởi kiện (theo mẫu);
– Các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp (ví dụ: hồ sơ nhà đất, ảnh chụp việc trổ cửa…);
– Chứng minh nhân dân, hộ khẩu gia đình (có chứng thực hoặc công chứng), nếu người khởi kiện là cá nhân;
– Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn khởi kiện (ghi rõ số lượng bản chính, bản sao);
Bạn có thể nộp đơn trực tiếp tại tòa án hoặc gửi đến tòa án qua bưu điện. Ngày khởi kiện được tính từ ngày bạn nộp đơn tại tòa án hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi (Điều 166 Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi bổ sung năm 2011).
Về án phí: Theo quy định tại Điều 24 Pháp lệnh về án phí, lệ phí tòa án năm 2009 thì tranh chấp về việc trổ cửa sổ được xác định là vụ án dân sự không có giá ngạch. Theo đó, mức án phí dân sự sơ thẩm mà bạn phải nộp khi tòa án thụ lý đơn khởi kiện là 200.000 đồng (Thời hạn nộp án phí là trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của toà án về việc nộp tiền tạm ứng án phí).
Về thời hạn giải quyết: Điều 179 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định như sau:
a) Đối với các vụ án quy định tại Điều 25 và Điều 27 của Bộ luật này, thời hạn là 4 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án;
b) Đối với các vụ án quy định tại Điều 29 và Điều 31 của Bộ luật này, thời hạn là hai tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.
Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá hai tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm a và một tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
Trong thời hạn một tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, tòa án phải mở phiên tòa; trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là hai tháng”.
Như vậy, thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự tranh chấp về trổ cửa sổ là 4 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Nếu vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì được gia hạn thời gian chuẩn bị xét xử thêm 2 tháng. Thời hạn mở phiên tòa là một tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 2 tháng. Như vậy, tổng thời gian muộn nhất mà tòa án phải mở phiên tòa đưa vụ án ra xét xử là 8 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án.
- Vợ cay cú vì đang ở trọ, chồng vay tiền xây nhà 3 tỷ tặng bố mẹ dưới quê: Miễn nở mặt với bà con
- Thấy bạn bè thi nhau khoe nhà ở tuổi 25, tôi vay nợ để mua chung cư rồi hối tiếc suốt 7 năm trời
- Nên đầu tư 1,5 tỷ xây nhà trọ hay để đất cho thuê?
- Bán nhà 2 tỷ đồng ở thành phố về quê xây nhà dưỡng già với em trai: Ở chưa đầy 2 năm, tiền tiết kiệm hết, tình anh em cũng tan
- Giấy phép lái xe hạng nào được điều khiển nhiều loại ô tô nhất?