Tận dụng ao, mương quanh nhà nuôi ốc bươu đen là mô hình đầy sáng tạo của ông Triệu Thanh Hồng, hội viên Chi hội Cựu chiến binh xã Thạnh Mỹ, Tân Phước, Tiền Giang.

Ốc bươu đen dễ nuôi, ít dịch bệnɦ, nguồn thức ăn dồi dào, phù hợp với mọi điều kiện nuôi tự nhiên, đầu ra ổn định…

Sinh ra và lớn lên tại quê hương xã An Thái Trung, huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1982, ông Hồng thi hành nghĩa vụ quân sự, làm nhiệm vụ tại nước bạn Campuchia. Đến năm 1985, ông được giải quyết chính sách xuất ngũ về quê nhà. Do hoàn cảnh gia đình nghèo, anh em đông, đất đai ít, ông phải đi làm thuê, làm mướn khắp nơi để mưu sinh cuộc sống, phụ giúp cha, mẹ nuôi các em còn tuổi ăn, tuổi học.

Đến năm 1994, sau khi huyện mới Tân Phước thành lập, ông trao đổi cùng với gia đình về xây dựng kinh tế mới tại ấp Mỹ Thuận, xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước. Từ đây, ông Hồng đã luôn nêu cao gương sáng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Với diện tích đất sản xuất 2 ha đất mà ông đã sang nhượng lại, sau khi khai hoang, gia đình ông trồng cây xoài, mía, khoai, mì, khóm và cây lúa. Tuy nhiên, hàng năm, lợi nhuận không cao do đất nhiễm phèn nặng nên cây trồng không phát triển tốt, thậm chí có năm phải mất trắng bởi ảnh hưởng của thiên tai lũ lụt tàn phá,… Nhưng với ý chí kiên cường, ông quyết tâm vững bước bám trụ khai phá vùng đất mới.

Đến năm 2012, Nhà nước đã xây dựng hình thành các đê bao chống lũ, trong đó có phần diện tích đất của gia đình ông Hồng cũng nằm trong khu ô bao được xây dựng kiên cố của xã. Từ đó, gia đình ông tập trung trồng và chăm sóc cây khóm, cuộc sống gia đình ngày càng ổn định hơn, có của ăn, của để…

Nhưng rồi lâu ngày đất trồng khóm ngày càng thoái hóa, năng suất không cao, có lúc giá cả bấp bênh, nên ông đã mạnh dạn phá bỏ một số diện tích khóm bị thoái hóa và trồng xen canh nhiều loại cây trồng trong ruộng khóm như: Vú sữa Hoàng Kim, mít, xoài, bầu, mướp… Nhờ đó, mà mùa nào gia đình ông đều có cây trái thu hoạch.

Không dừng lại ở đó, sau khi xem báo, nghe đài về hiệu quả của mô hình nuôi ốc bươu đen ở các tỉnh Nam bộ, vào khoảng tháng 10/2021, ông đến tỉnh Đồng Tháp tham quan mô hình nuôi ốc bươu đen, học hỏi kinh nghiệm và mua 32kg trứng ốc giống với số tiền 26 triệu đồng về ương nuôi thử nghiệm trên diện tích 320m2 mương, đìa sau nhà.

Ốc bươu đen đẻ quanh năm, nhưng nhiều nhất vào mùa mưa từ tháng 6 – 11 hàng năm. Sau khi trứng nở, ốc con rơi xuống nước. Sau vài ngày vỏ cứng dần, chúng tự bò đi kiếm chất hữu cơ phân hủy trong nước để ăn và lớn dần.

Để tỷ lệ ốc nở đạt cao hơn, ông Hồng thu trứng đẻ ngoài ao để vào thùng xốp để ấp, tạo độ ẩm thích hợp giống như bên ngoài thiên nhiên. Khi ốc đã nở đạt yêu cầu thì ông đem thả xuống bèo rồi nuôi dưỡng khoảng vài tuần, sau đó ốc tự bò ra ngoài ao tìm thức ăn sinh sống.

Do ốc bươu đen tự đi tìm thức ăn, đặc biệt là thức ăn xanh nên thịt ốc dai và giòn, được người dân ưa chuộng.

Ông Hồng cho biết, ốc bươu đen tuy là loài sống dưới bùn đất nhưng rất ưa sạch. Điều quan trọng nhất phải có nguồn nước sạch. Nếu ao nước bẩn, nước tù đọng ốc dễ bị bệnɦ cɦết. Vì vậy, phải thường xuyên vệ sinh ao, thay nước, xử lý môi trường bằng vôi, men vi sinh.

Thời gian sinh sản của ốc bươu đen bắt đầu từ tháng 3 kéo dài đến hết tháng 10 âm lịch. Sau khi ốc bươu đen sinh sản, cần phải gom trứng để vào thùng xốp ấp để trứng nở từ từ.

Thông thường sau 15 – 20 ngày ấp, trứng ốc bươu đen sẽ nở hoàn toàn và thoát ra khỏi buồng trứng, với cách làm này số lượng trứng ốc nở đạt tỷ lệ trên 90%.

Ngoài ra, nuôi ốc bươu đen rất nhàn, nhẹ công chăm sóc, không tốn chi phí thức ăn. Nguồn thức ăn của ốc có sẵn tại vườn nhà như: Mít, khóm, mướp, lá khoai mì và đặc biệt là bèo cám,…là những thứ dễ tìm và có thể tự trồng xung quanh ao nuôi, trong vườn không mất nhiều chi phí. Mỗi ngày cho ốc bươu đen ăn 1 lần, vào thời điểm chiều tối.