Trước bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp; sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, tình hình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh vẫn ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 489/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo nội dung Quy hoạch, Hưng Yên đến năm 2030 sẽ phát triển nhanh chóng, bền vững và trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô kinh tế và trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước. Tầm nhìn đến năm 2050, Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Trước bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp; sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn; cùng với những tác động tiêu cực của tình hình thời tiết đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều hoạt động thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực, quyết tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hưng Yên, Thành ủy, UBND TP Hưng Yên, tình hình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh vẫn ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực.

Cụ thể, theo báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý III và 9 tháng năm 2024 của Sở Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế của tỉnh Hưng Yên tiếp tục tăng trưởng khá. Trong quý III/2024, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh tăng 8,8%. Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh ước tăng 8,07%, xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trong bức tranh tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2024 của Hưng Yên, lĩnh vực công nghiệp đóng vai trò quan trọng và nổi bật với những thành tích ấn tượng. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,59% so với cùng kỳ năm 2023, đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Trong đó, công nghiệp chế biến , chế tạo tăng 10,10%; sản xuất, phân phối điện tăng 11,96%; cung cấp nước, hợp đồng quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 26,46%. Đặc biệt hai ngành có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng của khu vực công nghiệp là sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng 37,92% và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn với mức tăng 23,21%.


Về tình hình thu hút đầu tư, trong 9 tháng năm 2024, Hưng Yên đã thu hút đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn đạt lần lượt 26.557,7 tỷ đồng và 645,36 triệu USD.

Trong đó, tỉnh thu hút 114 dự án đầu tư mới, tăng 48 dự án so với cùng kỳ năm trước bao gồm 72 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 21.188 tỷ đồng (tăng 10.383 tỷ đồng) và 42 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt 561,9 triệu USD (tăng 139,2 triệu USD).

Ngoài ra, tỉnh điều chỉnh tăng vốn cho 89 lượt dự án bao gồm 56 dự án trong nước với tổng vốn điều chỉnh tăng thêm 5.369,7 tỷ đồng và 33 dự án nước ngoài với số vốn điều chỉnh tăng thêm 83,46 triệu USD.

Theo thống kê, trên địa bản tỉnh Hưng Yên có 588 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 7,5 tỷ USD. Trong đó, nhiều dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ kỹ thuật cao như: Các dự án của ToTo với tổng vốn đăng ký trên 403 triệu USD; các dự án của Kyocera với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 264 triệu USD; dự án Hoya với tổng vốn đầu tư đăng ký 214 triệu USD;…

Trên địa bàn tỉnh, có 1.554 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký trên 31 nghìn tỷ đồng, đưa tổng số doanh nghiệp đăng ký sản xuất, kinh doanh toàn tỉnh lên hơn 18 nghìn doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 235 nghìn tỷ đồng.

Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và có quy mô kinh tế, trình độ phát triển thuộc top dẫn đầu cả nước, Hưng Yên sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp để thu hút các nguồn lực đầu tư.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư theo hướng cụ thể, trong tâm; tích cực tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh sẽ chủ động tiếp cận, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như chú trọng thu hút các dự án lớn, hiện đại, thân thiện môi trường để tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế cao và bền vững.