Để giải quyết tình trạng ùn tắc tuyến đường Vành đai 2, Hà Nội sẽ mở rộng đường Láng từ 21 m lên 53,5 m, đồng thời xây dựng đường trên cao từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy với tổng số tiền đầu tư hơn 21.000 tỷ đồng.
Đường Láng (kẻ đỏ) dài khoảng 3,8 km, kéo dài từ ngã tư Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở, chạy bên bờ đông sông Tô Lịch. Tuyến đường có mật độ giao thông rất lớn, thường xuyên ùn tắc ở các ngã tư.
Sở Giao thông Vận tải vừa có báo cáo UBND thành phố việc triển khai lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi một số dự án giao thông, trong đó có vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở – Cầu Giấy (đường Láng). Theo đó, dự án đầu tư cải tạo, mở rộng vành đai 2 trên cao và dưới thấp đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy dự kiến có tổng đầu tư trên 21.000 tỷ đồng, trong đó đoạn dưới thấp hơn 17.000 tỷ đồng và đoạn trên cao gần 3.900 tỷ đồng.
Do tổng đầu tư lớn nên Sở Giao thông Vận tải đề xuất tách thành hai dự án và ưu tiên cải tạo mở rộng vành đai 2 dưới thấp dài khoảng 3,8 km, điểm đầu tại nút giao Ngã Tư Sở và điểm cuối tại nút giao Cầu Giấy. Chi phí dự kiến hơn 17.000 tỷ đồng gồm giải phóng mặt bằng 16.700 tỷ đồng, xây lắp 541 tỷ đồng. Với dự án đầu tư xây dựng vành đai 2 trên cao, điểm đầu kết nối với vành đai 2 trên cao đã xây dựng tại nút giao Ngã Tư Sở và điểm cuối tại nút giao Cầu Giấy. Tuyến đường dài 3,8 km, rộng 19 m, vận tốc 80 km/h, là trục chính đô thị. Tổng mức đầu tư dự kiến gần 3.900 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2026-2030.
Trước đó năm 2019, để giảm ùn tắc giao thông, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã quyết định xén hè bên phải, sát bờ sông để mở rộng mặt đường thêm trung bình 3,5 m, xây mới vỉa hè rộng 1,5 m.
Theo Sở Giao thông Vận tải, đường Láng chỉ rộng 10,5 m mỗi chiều, lưu lượng tối đa 3.000 phương tiện/giờ, nhưng hiện đã lên đến 8.000 phương tiện/giờ nên thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm.
Hiện tại, đường Láng còn có làn đường dành riêng cho người đi bộ, đi xe đạp bên phía sát sông Tô Lịch.
Đây cũng là tuyến đường có 2 cầu vượt đô thị qua nút giao Láng – Nguyễn Chí Thanh và Láng – Láng Hạ.
Bên cạnh đó, đường Láng còn có 2 tuyến đường sắt đô thị chạy qua là Cát Linh – Hà Động và Nhổn – Ga Hà Nội.
Cảnh quan sông Tô Lịch bên cạnh đường Láng. Hiện tại, dự án xử lý nước thải Yên Xá sắp hoàn thiện kỳ vọng sẽ cải thiện dòng nước ô nhiễm trên sông Tô Lịch, tả ngạn sông Nhuệ và sông Lừ ở TP Hà Nội.
Việc thực hiện dự án nằm trong kế hoạch khép kín các vành đai nội đô, giảm tải áp lực giao thông cho nút giao Ngã Tư Sở, phát huy hiệu quả vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở đã hoàn thành.