Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
111 lượt xem

Tôi sống ở chung cư tưởng sướng thành khổ

Ăn nhậu, hát hò, khoan đục bất kể giờ giấc; chó mèo thả rông, phóng uế bừa bãi… khiến tôi ‘phát điên’ từ khi về nước mua chung cư.

Nói đến chung cư, có thể dễ dàng kể ra rất nhiều xung đột trong sinh hoạt, như: ăn nhậu, hò hét, ca hát ầm ĩ, bất kể ngày giờ; sửa chữa, khoan đục bất cứ lúc nào; cho chó, mèo ra ngoài phóng uế bừa bãi, không dọn dẹp; vứt rác, tàn thuốc lá từ ban công xuống tầng dưới; để con nhỏ chạy nhảy gây tiếng động lớn, ảnh hưởng tới người xung quanh…

Chung cư nào cũng có những quy định nhằm giữ gìn an ninh trật tự; đề phòng cháy nổ; vệ sinh môi trường chung cho cư dân. Nhưng không phải người dân nào cũng có ý thức, cũng chấp hành những quy định đó. Còn Ban quản lý và lực lượng bảo vệ lại thường ngại va chạm, cả nể, không muốn làm mất lòng cư dân nên không dám xử lý thẳng tay người vi phạm quy định. Cho nên, xung đột vẫn cứ xảy ra.

Tôi từ Mỹ về Việt Nam sinh sống vào năm 2018. Lúc đó, chung cư tôi mua vừa mới hoàn thiện. Mấy năm trước, căn hộ bên trên còn để trống. Mới đây, có một gia đình mới dọn tới. Họ tự tân trang, sửa chữa mà không thông báo với ban quản lý, cũng không làm theo ngày giờ như quy định chung. Cứ đến 12 giờ trưa là họ khoan, đóng, đục ầm ĩ. Buổi tối, 20-23 giờ, tôi vẫn nghe thấy tiếng khoan, đục, bất kể trong tuần hay thứ bảy, chủ nhật.

Tôi gọi báo cho Ban quản lý chung cư rất nhiều lần, cả ban ngày và ban đêm. Trưởng Ban quản lý cùng bảo vệ cũng đã đến tận nơi mấy lần, nhưng mỗi lần gõ cửa đều phải đợi khoảng cả chục phút, chủ nhà mới chịu ra gặp. Nhìn qua trong nhà, không ai thấy vật liệu, đồ nghề sửa chữa gì cả (vì họ đang nhanh tay dọn dẹp, cất giấu hết rồi) nên không thể lập biên bản.

Hôm sau, gặp dưới sảnh, ông bảo vệ còn nói với tôi rằng: “Biết người ta làm đấy, nhưng mình không bắt được tận tay, cũng không có quyền khám xét nhà, thì làm sao lập biên bản được. Thôi cậu cứ để họ làm cho xong đi là hết ồn”. Đấy, gặp hàng xóm ngang ngược, vô ý thức như vậy, đến Ban quản lý cũng phải chịu thua, thì người dân bình thường như tôi biết phải làm gì?

Còn nói riêng về câu chuyện chó thả rông, chẳng cứ gì chung cư mà khuôn viên xung quanh, công viên, ngoài đường… bất kể chỗ nào ở ta cũng có. Điều này một phần xuất phát tự việc buông lỏng quản lý và thiếu chế tài xử phạt vi phạm.

Ở Mỹ, việc xử phạt chủ chó thả rông cũng không hề đơn giản, vì có biết ai là chủ của chó đi rông đâu mà phạt? Nhưng khi nhận được điện thoại của người dân báo có chó, mèo đi rông là ngay lập tức có mấy chiếc xe của cơ quan Kiểm soát động vật của thành phố (Animal Control) có mặt để tìm bắt ngay. Chủ chó muốn nhận lại vật nuôi thì buộc phải đến trực tiếp cơ quan Animal Control của thành phố để làm thủ tục nộp phạt, trả chi phí bắt giữ và chăm sóc…

Tôi nghĩ chúng ta cũng cần có những cơ quan như vậy. Chúng ta từng thành lập đội săn bắt chó, mèo thả rông nhưng chỉ hoạt động cầm chừng, thiếu tính chuyên nghiệp nên không mang lại hiệu quả cao. Muốn dẹp được nạn chó thả rông, cần phải có số hotline để người dân gọi điện thông báo và phải có lực lực đến bắt ngay khi nhận được tin báo. Chuyện xử phạt chủ nuôi sau đó cứ theo quy định mà làm.

Tóm lại, những bất cập trong sinh hoạt tại chung cư ở Việt Nam không phải mới và cũng chẳng đến mức không thể xử lý được. Quan trọng là luật phải nghiêm, cũng như có lực lượng giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm những vi phạm. Còn nếu cứ ậm ừ cho qua theo kiểu “ở chung cư làm sao tránh được, muốn yên ổn chỉ có xuống nhà mặt đất”, thì có lẽ còn rất lâu nữa người Việt mới nhận được những giá trị cơ bản khi sống trong những tòa chung cư.

VnExpress.net

Bài viết cùng chủ đề: