Tôi tuyên bố chỉ nuôi các con đến hết đại học, khi dựng vợ, gả chồng sẽ cho mỗi đứa 3 cây vàng còn căn nhà của bố mẹ sẽ là nhà chung mà không chia cho bất cứ con nào.

Mấy hôm nay, tôi và ông bạn hàng xóm vẫn chưa hết bàng hoàng trước vụ việc ba cô con gái mang xăng đốt nhà mẹ đẻ ở Hưng Yên vì mâu thuẫn trong chuyện chia tài sản đất đai. Bởi lẽ chúng tôi đều đã ngoài 70 tuổi, ở cái tuổi gần đất xa trời thì điều lo lắng nhất đó là các con có hòa thuận, sống tốt hay không.

Tôi nghĩ rằng, nếu trách bà mẹ một, nguồn cơn gây ra nông nỗi ấy, thì trách những cô con gái vô đạo đức, ích kỷ, vì tiền tới trăm lần. Chỉ vì miếng đất mà mất tình anh em, cao hơn là mất tình cảm với đấng sinh thành, chắc hẳn những người con gái phải ở trong trạng thái giận dữ tột cùng thì mới có thể nghĩ tới và xuống tay đốt nhà mẹ đẻ của mình.

Nhìn vụ việc kinh hoàng ở Hưng Yên, tôi thấy mình may mắn khi ngay từ đầu tuyên bố không chia đất cho riêng đứa nào.

Nhìn gia đình họ tôi mới thấy nhà mình đến giờ, chỉ dám nói đến giờ này, còn may mắn. Tôi có 4 người con với 2 trai, 2 gái. Vợ tôi mất cách đây gần 10 năm khi con cả mới lập gia đình. Về sau, bạn bè cũng đôi lần mối lái, các con cũng không cấm cản nhưng tôi chọn cách sống một mình vui cùng các con cháu.

Nhà tôi cách trung tâm thành phố hơn 30 km, diện tích đất có hơn một sào đủ để xây căn nhà 2 tầng, sân và một ít đất để trồng ít cây cảnh, rau ăn hằng ngày.

Gia đình tôi không giàu có nhưng tôi luôn yêu cầu các con học nghiêm túc. Ngay từ bé, tôi rất nghiêm khắc với các con, rèn cho các con tính tự lập, không được phép và không bao giờ được có ý nghĩ trông chờ vào ai kể cả bố mẹ.

“Bố mẹ cố gắng chỉ nuôi hết 4 năm đại học thôi”, đó là câu nói mà tôi lần lượt dặn dò với 4 đứa con.

Ngày cậu cả mới lập gia đình thì cô con gái thứ hai mới ra trường 1 năm, cô con gái thứ ba học đại học năm thứ 2, cậu út học lớp 12. Tôi gọi các con về, trước mặt 4 con, tôi tuyên bố: “Mẹ mất rồi, giờ chỉ còn bố. Bố mẹ bao năm đi làm chỉ dựa vào đồng lương. Tài sản bố mẹ để lại cho các con không gì ngoài kiến thức.

Nay anh cả lập gia đình, bố sẽ cho anh 3 cây vàng làm vốn. Ba đứa còn lại, khi lập gia đình bố cũng sẽ cho tương tự. Còn ngôi nhà này sẽ là nhà thờ, sau này dù bố không còn sống các con cũng không được bán, bố cũng không chia cho con nào mà là nhà chung của 4 anh em. Con nào chưa có chỗ ở cứ ở với bố. Con trai, con gái, con dâu, con rể bố coi như nhau”.


Con trai cả không muốn nhận vàng của tôi cho, nó bảo bố cứ giữ khi nào vợ chồng con cần thì xin sau. Thế nhưng tôi kiên quyết nói nếu không lấy bây giờ, có nghĩa là con từ chối phần quà bố mẹ tặng, về sau không được phép đòi hay ganh tị với các em.

Trong khi đó, cô con gái thứ hai mới đi làm, lương ba cọc ba đồng nhưng vẫn cố làm thêm buổi tối để tự lo cho mình và muốn phụ bố nuôi em. Tuy nhiên, tôi vẫn giữ đúng nguyên tắc “nuôi các con hết đại học” nên không bắt anh chị phải nuôi em.

Cứ thế rồi 4 đứa cũng học xong. Cậu út kém hơn, chỉ học được cao đẳng nghề. Vốn là con út nên cũng có đôi phần dựa dẫm, con ra trường nhưng chưa đi làm ngay. Tôi tuyên bố hỗ trợ thêm cho con đúng 1 năm, nhưng thực ra, ở nhà tôi vẫn bắt con ra khu đất tôi thuê để trồng hoa màu. Tôi muốn con vất vả như nông dân thực thụ thì mới thấy để kiếm đồng tiền phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”.

Được hai tháng, cậu ta xin bố cho học thêm tiếng Nhật để đi xuất khẩu lao động. Con biết tôi nghiêm khắc nên chỉ dám xin bố không phải đi làm ruộng mỗi ngày, còn tiền học tiếng thì con vay các anh chị. Giờ thì con cũng đã có công việc yên ổn ở Nhật với thu nhập tốt.

Gần đây, sức khỏe của tôi yếu đi nên con trai cả nhiều lần ngỏ ý đón tôi tới ở cùng vợ chồng chúng, vui vầy, trông nom các cháu. Thế nhưng tôi cũng nói luôn rằng nuôi các con là trách nhiệm của bố mẹ nhưng các cháu thì không, nếu lúc nào sắp xếp được thời gian bố sẽ ra chơi với các cháu chứ không đi trông cháu.

Thấy tôi nghiêm khắc với các con, cô em gái tôi có lần bảo “ông cứ thế, già chúng nó bỏ”. Tôi cười xoà bảo rằng tôi có lương hưu, có bảo hiểm, ốm thì vào viện có nhà nước lo. Nếu ốm quá không tự lo được mà các con bỏ thì cũng là cái số rồi. Thà tôi mang tiếng ác để cho con tính tự lập, không dựa dẫm còn hơn để chúng lúc nào cũng có tư duy dựa dẫm, làm phiền bố mẹ đến chết không được yên.

Nói thế thôi nhưng tôi luôn tin các con tôi không bao giờ làm thế bởi đến bây giờ, dù chúng có gia đình riêng nhưng vẫn luôn đoàn kết, thương yêu nhau. Chúng luôn sợ tôi buồn nên ngày cuối tuần đều về nhà với bố, có lúc thì mấy đứa rủ nhau về, có lúc bận rộn thì chúng phân công nhau. Đặc biệt chẳng đứa nào dám hé răng hỏi chuyện đất đai, nhà cửa dù bây giờ giá đất ở đây cũng tới tiền tỷ.