Sin Súi Hồ – bản nhỏ của bà con người Mông nằm ở nơi lưng chừng trời.

Đây là nơi sinh sống của bao thế người dân tộc Mông. Cái bản đẹp tựa như miền cổ tích đã được bà con người Mông đồng lòng gây dựng và giữ gìn.

Sin Súi Hồ (xã Sin Súi Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) nằm trên độ cao trên 2000m so với mặt nước biển. Đây được coi là một trong những bản cao nhất của huyện Phong Thổ. Bản Mông có trên 140 nóc nhà. Nói về bề dày lịch sử của bản so với làng ở vùng xuôi cách nhau một trời một vực. Nhưng để gây dựng được cái bản nhỏ thuần Mông này với bà con người Mông là cả một hành trình dài lập làng dựng bản. Người Mông ở bản Sin Súi Hồ đã xây dựng lên môi trường đáng sống nhất ở đất Tây Bắc.

Miền cổ tích đất Tây Bắc

Trời rét như cắt da cắt thịt. Bản Sin Súi Hồ mùa đông mây phủ kín trời kín đất. Mùa hè sống ở Sin Súi Hồ, cái chăn bông gắn bó mật thiết với người Mông chẳng rời nửa bước. Mùa đông nước đóng băng, trời lạnh ngắt, nên trong bất cứ một ngôi nhà nào của bà con người Mông luôn có bếp lửa đồng hành. Xuýt xoa trong cái lạnh đến tê người, ông Vàng A Chỉnh, trưởng bản Sin Súi Hồ hơ hơ cái tay bên bếp lửa cho bớt cóng mà lòng rộn ràng niềm vui. Ông trưởng bản vui vì nhiều nhẽ, bản Mông đã có điện, một con đường lớn từ thành phố Lai Châu lên bản sắp hoàn thành. Cả bản Mông nhà ai cũng có thể đón khách du lịch lên nghỉ ngơi.

“Mùa đông lạnh thật đấy, nhưng lòng người Mông ai cũng ấm áp vì du lịch đã và đang mang lại cho cái bản đẹp như miền cổ tích này một cuộc sống no đủ. Hành trình gây dựng bản làng của bà con người Mông đã trải qua bao thăng trầm, nhưng đến giờ tôi có thể khẳng định đây là bản Mông hạnh phúc nhất đất Tây Bắc”, ông Chỉnh tự hào khi nói về bản mình.

Chiều miền sơn cước xuống nhanh. Những căn nhà gỗ xinh xắn chìm trong làn sương mù. Gió rét thổi ào ào qua bản không làm cái bản Mông hiu quạnh. Trái lại, trong mỗi ngôi nhà đã lên đèn. Ông Chỉnh ngồi bên bếp lửa mà thả ký ức về những mùa đông xa lắc, xa lơ ngày trước. Khi đó bản Mông chưa có đường. Sin Súi Hồ nằm tít trên bản cao, muốn giao lưu với các bản, chỉ có nước đi bộ. Người Mông đi bộ khỏe lắm. Khắp các núi cao trên 3000m như Kỳ Quan San, Pờ Ma Lung, rồi Pu Ta Leng nằm quanh bản Sin Súi Hồ bà con leo lên đó như đi chợ vậy.

Ngày đó cũng mùa đông mịt mùng như thế này, các gia đình tổ chức đón Tết. Muốn mua mắm muối, chỉ có nước đi bộ xuống chợ San Thàng (thành phố Lai Châu) để mua mắm muối. Đi chợ là mất 2 ngày trời, một ngày xuống và một ngày trở về bản. Cuộc sống của người Mông khi đó đầy nhọc nhằn, cái ăn, cái mặc còn thiếu thốn nhiều lắm. Nhưng khi Tết Mông về (đầu tháng Chạp – người Mông bắt đầu ăn Tết), nhà nào cũng mổ lợn, cũng làm bánh dày. Cả bản vui lắm. Tiếng giã bánh dạy thùm thụp. Khắp nhà trên, nhà dưới vang lên tiếng khèn du dương của các chàng trai tìm bạn ti**. Nhà ai cũng có khèn, đã là trai Mông ai cũng có thể chơi khèn. Mùa đông lạnh giá cứ thế mà trôi qua trong sự thiếu thốn.

Cái đói, cái nghèo còn hiện hữu trên từng nếp nhà của bà con người Mông. Sống ở vựa gỗ, nhưng bà con người Mông nơi này nhất quyết không phá rừng. Bà con có hương ước, giữ rừng là giữ mạng sống của mình. Nhờ vậy mà đến ngày nay, xung quanh bản Sin Súi Hồ rừng nguyên sinh vẫn còn ngút ngàn. Suối nguồn tuôn chảy quanh năm nuôi dưỡng ruộng đồng và cuộc sống của người Mông. Ở cái bản cao này còn làm được nhiều chuyện mà chưa vùng đất nào ở nước Việt ta làm được.

Ở bản có một người đàn ông trung niên luôn đi đầu gương mẫu trong mọi chuyện đó là anh Hạng A Sà. Anh là người làm kinh tế giỏi nhất bản và cũng luôn là gia đình gương mẫu trong mọi chuyện. Nhà A Sà giờ đây trở thành nơi đón khách du lịch. Vườn lan của A Sà to nhất bản, trị giá nhiều tỷ đồng. A Sà là tấm gương sáng của bà con người Mông. Trong câu chuyện về cách làm ăn của mình, A Sà cũng trải qua không ít biến cố cùng người Mông nơi đây. Từ gia đình nghèo khó, A Sà đã biết tận dụng lợi thế nơi núi rừng để làm kinh tế.

Bản không tệ nạn

Cách đây mấy thập niên, người Mông ở Sin Súi Hồ cũng mắc nhiều tệ nạn như các bản Mông khác. Rượu chan khắp bản, đặc biệt là tình trạng nghiện hút thuốc phiện. Mùa đông ở miền sơn cước như dài hơn, nên các chàng trai Mông coi việc hút thuốc phiện là thứ tiêu khiển cho qua ngày đoạn tháng. Bản nào có người nghiện hút là trộm cắp, gia đình tan vỡ xảy ra.

Chứng kiến tình trạng này, ông Chỉnh cũng như anh Sà rất lo lắng. Họ có cùng hành động là vận động bà con thay đổi cách sống, bài trừ tệ nạn. Trong những cuộc họp bản dài liên miên đó, anh Sà lấy mình làm gương trong mọi chuyện. Đầu tiên là thuyết phục bà con bỏ tệ nạn. Động viên các gia đình có người nghiện đưa con em mình đi cai nghiện. Việc đó diễn ra trong nhiều năm liền, một người bỏ được tệ nạn thì nhiều người khác làm theo.

Hành trình người Mông nơi đây vật lộn với việc xóa bỏ cây thuốc phiện và đưa người đi cai nghiện kéo dài suốt cả một thập kỷ. Khi trong bản không còn người nghiện, cây thuốc phiện đã bị triệt phá, đời sống của bà con người Mông mới dần thay đổi. Sống ở nơi lưng chừng trời, anh Sà đã kỳ công gây dựng vườn địa lan. Anh nhân giống lan, từ vài chậu ban đầu, đến giờ anh có cả nghìn chậu địa lan. Anh còn hướng dẫn các gia đình khác trồng lan. Chẳng mấy chốc cả bản Sin Súi Hồ trồng địa lan. Lên bản vào mùa xuân, du khách không nỡ rời nửa bước vì đâu đâu cũng thấy màu trắng tinh khôi của hoa lan. Hương rừng quyện với mùi khói bếp quen thuộc của người Mông như là một chất gây nghiện khiến du khách khó rời nửa bước.

Từ một bản nghèo, Sin Súi Hồ đoàn kết xây dựng bản thành một điểm mẫu lý tưởng ở đất Tây Bắc. Kinh tế đi lên, bà con có của ăn, của để, bà con trong bản còn đồng lòng gây dựng Sin Súi Hồ thành nơi sạch bóng tệ nạn. Đầu những năm 2000, bà con Sin Súi Hồ đã cùng nhau ký vào bản hương ước, không uống rượu, không trộm cắp, không nghiện hút và đặc biệt là không ai được đánh vợ. Nếu như cả bản làm được những điều tốt đẹp đó, nó sẽ biến Sin Súi Hồ thành một bản mẫu cho nhiều bản khác học theo.

Từ khi bản hương ước ra đời, bà con người Mông đã nhất tề ủng hộ, đặc biệt là chị em phụ nữ người Mông. Họ vốn quen sống cam chịu, nay cánh mày râu đã đồng lòng ký vào hương ước, tức là họ phải luôn gương mẫu trong việc làm và lời nói của mình. Mỗi năm qua đi, những việc tốt đó đã thành thói quen của của các gia đình trong bản.

Hành trình xây dựng bản của người Mông đã trải qua bao đau thương và mất mát. Giờ đây lên bản Sin Súi Hồ một điều dễ cảm nhận là sự an lành đến từ môi trường sống và đời sống xã hội. Bản nằm trên địa thế đẹp hơn cả Sa Pa. Xung quanh nhà của bà con người Mông trồng bạt ngàn địa lan. Suối nguồn tuôn chảy bao bọc lấy bản Mông như xoa dịu đi bao đau thương mà mảnh đất này đã từng hứng chịu. Nhà nhà cùng nhau làm du lịch. Đường làng ngõ xóm được bê tông hóa và sạch sẽ không kém gì dãy phố của nước Singapore xa xôi.

“Hương ước mà mọi người cùng ký thác như là một bộ luật mà tất cả mọi người cùng làm theo. Thế hệ trước bảo người sinh sau thực hiện. Nhờ đó mà Sin Súi Hồ sạch bóng tệ nạn. Khi đi ngủ, hay đi làm, nơi này không có khóa cửa. Du khách đến chơi, thích vào nhà ai nghỉ cũng được. Một môi trường lý tưởng để bà con phát triển du lịch”, ông Chỉnh chia sẻ.

Những ngày ở bản Sin Súi Hồ với người khách phương xa như không có sự xa lạ. Bà con người Mông nơi đây còn có một quy tắc ngầm là “không bán đất”. Chỉ người Mông chuyển cho người Mông, chứ không một ai bị lung lay bởi những đống tiền bỏ ra mời gọi họ bán đất. Đây cũng là niềm tự hào của bà con người Mông. Họ đồng lòng xây dựng một cái bản Mông thuần Mông và mang đậm bản sắc văn hóa. Đây là sự khác biệt, nhưng rất đỗi yêu thương mà người Mông ở Sin Súi Hồ đã làm được. Cái bản nhỏ đẹp và an bình đó, giờ luôn là địa điểm hấp dẫn đối với du khách.

Con đường từ chợ San Thàng lên bản Sin Súi Hồ sắp hoàn thành, nó sẽ là sợi dây kết nối với khắp mọi miền Tổ quốc. Bà con người Mông nơi này đã dày công gây dựng lên cái bản có thể coi là hình mẫu ở đất Tây Bắc. Giờ bà con người Mông nơi này đã được hưởng chính thành quả lớn lao mà họ đã đồng lòng gây dựng lên một cái bản mang đậm đà bản sắc dân tộc.