Nếu trẻ có những dấu hiệu này, cha mẹ phải uốn nắn lại ngay.
Bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng mong muốn con mình thông minh, lanh lợi. Bởi trí thông minh sẽ giúp trẻ rất nhiều trong cuộc sống, kể cả công việc lẫn đời tư. Thông thường, trí thông minh có thể biểu hiện qua nhiều dấu hiệu như: Kết quả học tập, trí tuệ cảm xúc,… Tuy nhiên không phải đứa trẻ nào khéo mồm miệng cũng là biểu hiện của sự thông minh. Đôi khi, nó là sự “thông minh giả”, gây ảnh hưởng lớn đến tương lai của trẻ.
Nói về vấn đề này, Giáo sư Lý Mai Cẩn – chuyên gia trong lĩnh vực Tâm lý Tội phạm và Nuôi dạy con cái hiện đang công tác tại Đại học Cảnh sát Nhân dân Trung Quốc cũng có nhiều chia sẻ. Bà Lý cho biết, có 3 dấu hiệu chỉ ra trẻ khôn lỏi chứ không hề thông minh. Cha mẹ cần giúp con sửa đổi để tránh ảnh hưởng đến tương lai.
01. Có những lời nói kiêu ngạo
Trong quá trình trưởng thành, trẻ dần hình thành nhận thức về thế giới dựa theo quan điểm, góc nhìn cá nhân. Lúc này, chuyện trẻ tranh cãi với bố mẹ và bạn bè về một vấn đề là điều bình thường. Nếu trẻ không có đủ bằng chứng để chứng minh cho lời nói của mình mà vẫn tranh luận gay gắt với người khác và tình trạng này diễn ra trong một thời gian dài thì cha mẹ cần lưu ý.
Kiểu trẻ hay cãi vã, nói chuyện kiêu ngạo như này thường không giỏi lắng nghe ý kiến của người khác. Sau này khi đi làm, trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn trong công việc bởi không chịu nghe theo chỉ đạo của sếp, không nhận lời góp ý từ đồng nghiệp. Người như vậy khó mà thăng tiến được trong sự nghiệp, đời sống riêng tư cũng bị ảnh hưởng nhiều.
02. Hay nói lời xu nịnh
Khéo ăn nói và xu nịnh là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Nhiều đứa trẻ có EQ cao, biết cách cư xử khéo léo nên thường được lòng mọi người. Ngược lại, một số trẻ lại chỉ biết xu nịnh người khác, khen ngợi một cách không thật lòng.
Thực tế, ai cũng thích được ngợi khen để thỏa mãn bản chất phù phiếm và điều này khiến những người hay xu nịnh vẫn “có đất sống”. Tuy nhiên về lâu dài, kiểu người này khó phát triển được. Bởi ở bất kỳ công ty nào, năng lực thật sự vẫn là yếu tố quan trọng nhất giúp một nhân sự được trọng dụng chứ không phải tài “khua môi múa mép”. Vậy nên khi thấy con có thói xu nịnh, cha mẹ cần phải uốn nắn, tránh để tính cách này trở thành thói quen của con.
03. Trẻ có tính cơ hội và lười biếng
Kiểu tính cách này rất rõ ràng và cha mẹ có thể dễ dàng phát hiện ra. Chẳng hạn giáo viên yêu cầu học sinh vẽ một con vật nhưng trẻ không thực sự vẽ mà lại dùng giấy than để copy lại. Nhiều cha mẹ khi thấy hành động này chẳng những không trách mà lại còn khen con mình thông minh. Thực tế, đây chỉ là sự “thông minh giả”, trốn tránh công việc bằng sự láu cá, khôn lỏi.
Khi trưởng thành và đi làm, kiểu trẻ này dễ gặp rắc rối. Bởi một khi lãnh đạo phát hiện nhân viên của mình không thực sự làm việc mà chỉ tìm chiêu trò để luồn lách thì rất dễ sa thải.
04. Cha mẹ sửa đổi hành vi “thông minh giả” của con như nào?
Trong quá trình trưởng thành của trẻ, cha mẹ cần phải sát sao trong việc dạy dỗ để con cái lớn lên khỏe mạnh cả về vật chất và tinh thần. Để con không có thói “thông minh giả” thì trước hết, chính bố mẹ phải làm gương cho con.
Chẳng hạn khi khen ai đó, cha mẹ cần khen có cơ sở thật sự, thay vì khen ngợi một cách tùy tiện bừa bãi. Con cũng sẽ nhìn thấy điểm này ở cha mẹ và học tập theo. Bên cạnh đó, khi trẻ có hành vi khôn lỏi, không trung thực thì cha mẹ phải nhắc nhở ngay và cho trẻ biết hậu quả một cách nhẹ nhàng.
Lấy ví dụ như câu chuyện vẽ tranh ở trên, cha mẹ có thể nhắc con làm như vậy chẳng những không rèn luyện được khả năng vẽ mà còn có thể bị phạt nếu cô giáo phát hiện ra, mất đi các phần thưởng cuối năm, bị bạn bè chê cười,… Như vậy trẻ sẽ sợ mà không dám tái phạm. Tất nhiên khi trẻ làm tốt, cha mẹ cũng cần có lời ngợi khen hoặc một phần quà nhỏ để khuyến khích, động viên.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên tích cực cho trẻ tham gia các hoạt động tập thể như đi cắm trại,… Khi giao tiếp với bạn bè cùng tuổi, trẻ sẽ học hỏi được nhiều điều. Cha mẹ cũng nên khuyến khích tính chia sẻ của trẻ bằng cách nói lời cảm ơn khi nhận một điều gì đó từ trẻ. Những điều này tưởng nhỏ bé nhưng có thể ảnh hưởng lớn đến tinh thần của trẻ, giúp trẻ phát huy thói quen tốt.