Nhận thấy trồng chè thu nhập thấp, anh Đặng Văn Đăng, xóm La Cảnh 1, xã Bá Xuyên, TP.Sông Công, tỉnh Thái Nguyên đã tự mày mò, nghiên cứu và trồng giống dưa lưới Thái Lan mang lại nguồn thu nhập đáng kể.
Anh Đăng cho biết: Trước đây, gia đình anh chủ yếu trồng chè, nhưng nhận thấy hiệu quả kinh tế không cao nên đầu năm 2022 anh Đăng đã cải tạo lại đất, đầu tư nhà lưới và chuyển sang trồng dưa lưới hữu cơ. Chi phí đầu tư nhà lưới khoảng 230 triệu đồng.
Hiện, tổng diện tích trồng dưa lưới của gia đình anh là 1.100m2 với tất cả 1.600 gốc dưa. Giống dưa được anh Đăng lựa chọn trồng là giống dưa TL3 có nguồn gốc từ Thái Lan. Hạt giống được anh mua từ Bình Dương với giá 3.000 đồng/hạt. Giống dưa này có đặc điểm là vỏ màu xanh, ruột màu cam, ưu điểm là ngọt, hiện đang được thị trường ưa chuộng nên rất dễ tiêu thụ.
Với giống dưa này thông thường được trồng 2 vụ mỗi năm, do dưa chủ yếu phù hợp với tiết mùa hè nắng nóng trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 9 hàng năm. Tuy nhiên, nếu sản xuất nhanh mỗi năm dưa lưới có thể trồng được 3 vụ. Riêng gia đình anh Đăng, đây là vụ dưa thứ hai trong năm nay. Anh dự định sẽ trồng dưa chuột baby vào vụ thứ 3.
Theo anh Đăng, quá trình chăm sóc dưa, thông thường thụ phấn cho dưa sẽ là công đoạn mất nhiều thời gian và khó khăn nhất vì phải thụ phấn bằng tay. Ở thời điểm này, anh sẽ phải huy động thêm nhân công cùng làm, vì mỗi đợt thụ phấn sẽ kéo dài khoảng 3 – 4 ngày. Nên lựa chọn thời tiết nắng nóng để thụ phấn cho dưa sẽ đạt hiệu quả cao hơn.
Để dưa phát triển tốt và chất lượng quả cao, sau khi thụ phấn, với mỗi dây dưa anh chỉ lựa chọn một quả đẹp nhất để lại còn đâu cắt bỏ những quả khác. Đồng thời, thường xuyên cắt tỉa lá và nhánh để cây dưa có điều kiện phát triển tốt hơn.
Có hai cách trồng dưa là trồng trực tiếp xuống đất và trồng trong giá thể. Anh Đăng lựa chọn cách trồng trực tiếp xuống đất vì đỡ mất nhiều thời gian, việc chăm sóc dễ dàng hơn và nhu cầu sử dụng phân bón cũng ít hơn. Tuy nhiên, việc trồng trực tiếp xuống đất sẽ có nhược điểm đó là sau khoảng 3 vụ trồng dưa rất dễ bị nấm, do đó cần phải xử lý đất cẩn thận ngay từ ban đầu.
Quá trình trồng dưa lưới đòi hỏi kỹ thuật tương đối cao. Cùng với việc xử lý đất, sẽ tiến hành đồng thời việc gieo ươm hạt giống. Sau 7 ngày khi đã khử nấm cho đất xong sẽ đưa cây dưa con vào nhà lưới để trồng.
Thời gian phát triển của dưa lưới thường kéo dài từ 70 – 75 ngày tuỳ theo tình hình thời tiết. Nếu thời tiết nắng nóng, dưa sẽ nhanh được thu hoạch hơn. Anh Đăng cho biết với giống dưa anh đang trồng, nếu chăm sóc tốt sẽ đạt trọng lượng trung bình khoảng 1,6kg/quả.
Hiện thị trường tiêu thụ dưa chủ yếu cho anh tự tìm đầu mối xuất bán, tuy nhiên do giống dưa này đang được nhiều người ưa chuộng nên rất dễ bán, ngoài bán trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên anh còn xuất bán đi Hà Nội cho các thương lái đến tận vườn cắt.
Dưa được anh Đăng bán với giá dao động từ 50.000 – 55.000đ/kg. Trung bình với diện tích trồng dưa lưới như hiện nay, mỗi vụ sẽ cho gia đình anh Đăng thu nhập từ 50 – 70 triệu đồng sau khi đã trừ đi chi phí.
- Chuyện làng Việt: "Chợt nhớ da diết tình bạn từ thuở ấu thơ…"
- Tuyên Quang: Loại lợn leo đồi, chạy quanh vườn, bán đắt hàng sát tết, bà con thu lãi 60 triệu/năm
- "Vẻ đẹp" học trò thời chiến: Vừa học tập, vui chơi, vừa giúp bố mẹ tăng gia sản xuất.
- Ô tô càng nhiều công nghệ hỗ trợ lái thì chi phí sửa chữa lại càng tốn kém
- Cận cảnh đường ống ngầm khổng lồ, thu gom toàn bộ nước thải làm sống lại sông Tô Lịch