Theo quy hoạch, 4 bến xe khách sẽ được xây mới đến năm 2025 gồm Bến xe Cổ Bi, Bến xe Đông Anh, Bến xe Yên Sở và Bến xe Sơn Tây 1.
UBND TP Hà Nội vừa công bố Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Với quy hoạch mới, một số bến xe sẽ được đưa ra vành đai thành phố. Nhưng khi bến xe được đặt ở nơi quá xa khu vực trung tâm, liệu có khiến nhiều hành khách gặp khó khăn khi di chuyển? Hạ tầng giao thông công cộng sẽ cần phải kết nối với các bến xe này như thế nào?
Hiện nay tại Hà Nội có các bến xe như Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm, Gia Lâm đang hoạt động. Tuy nhiên, trong 3 năm trở lại đây, hành khách đến bến không đông, nhiều nhà xe cũng đã xin dừng hoạt động và bỏ lốt.
Nguyên nhân được cho là bến xe quá xa trung tâm, kết nối phương tiện công cộng lại không thuận tiện, xe khách tuyến cố định hiện phải cạnh tranh gay gắt với tình trạng xe dù, bến cóc, xe limousine, trong khi nhu cầu đi lại của người dân lại cần thuận tiện và nhanh chóng.
Nhiều chuyên gia giao thông cũng cho rằng, việc đẩy bến xe ra xa khu vực ngoài đô thị sẽ là yếu tố rất bất lợi đối với hành khách như mất thêm thời gian và chi phí để di chuyển, lại là cơ hội để tình trạng xe dù, bến cóc tràn vào các khu trung tâm, gây mất ổn định trật tự giao thông.
Theo quy hoạch, 4 bến xe khách mới sẽ được xây dựng trên vành đai 4 theo các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Các bến xe khách liên tỉnh xây dựng mới được kết hợp với các điểm đầu cuối của hệ thống xe bus công cộng và từng bước thay thế các bến xe khách hiện có nằm sâu trong nội đô.
Theo Bảo vệ công lý