20 năm vất vả lo cho gia đình, vậy mà khi gia đình nhận 15 tỷ đồng tiền đền bù đất, cả nhà đã cố tình làm lơ tôi.
Cách đây 6 tháng, khi đứa em họ điện thoại sang Hàn Quốc xin tôi “tiền sữa” cho đứa con đang nằm viện, em đã tiết lộ chuyện khiến tôi đau đớn, suy sụp.
Chuyện là gia đình tôi có miếng đất vườn nằm sát quốc lộ lâu nay. Do nay mảnh vườn nằm trong dự án đường cao tốc nên được đền bù 15 tỷ đồng.
Ba mẹ tôi đã chia cho 5 đứa em tôi mỗi người 2 tỷ đồng. Còn 5 tỷ đồng ba mẹ tôi mua một miếng đất khác và gửi ngân hàng tiết kiệm.
Nghe em họ kể mà tôi chết lặng, không khóc được dù trong lòng ngập tràn nước mắt. Sao cha mẹ tôi có thể đối xử với đứa con gái lấy chồng xa như vậy?
20 năm trước, khi mới học xong lớp 12, có người đến mai mối cho tôi lấy chồng Hàn. Biết là ba mẹ tôi đã kiệt sức, nhà tôi đang mắc nợ tứ phía, sau tôi còn 5 đứa em tuổi ăn tuổi học nên tôi đành nhắm mắt đưa chân. May là trời thương, cho tôi gặp người chồng dù lớn tuổi nhưng anh thương vợ con, chí thú làm ăn.
Còn nhớ suốt 4 năm đầu tôi không dám sinh con, vừa đi học ngôn ngữ vừa đi làm để kiếm tiền gửi về phụ giúp gia đình. Tôi phụ giúp quán ăn của người chị chồng và làm tất cả những gì hàng xóm thuê mướn. Có hôm tôi làm việc đến tận khuya, chỉ mong chị chồng thương tình cho thêm một ít tiền để gửi về nhà. Quần áo tôi mặc cũng là của người ta cho.
Thời gian đó tôi bị áp lực về việc không sinh con, nhưng may mắn là chồng hiểu và thông cảm, vì anh biết tôi phải lo kinh tế cho gia đình ở Việt Nam, lúc thì tiền học cho em, khi là tiền viện phí cho ông bà, cho ba tôi…
Có hôm mẹ tôi điện thoại, kể: “Con N., con ông Tư P. ở xóm dưới đi sau con mà giờ nó gửi tiền về cho ổng xây cái nhà mái đúc đẹp lắm”. Nghe mẹ nói vậy, tôi giấu chồng, đi vay mượn tiền để gửi về cho ba mẹ xây nhà.
Lúc khác mẹ tôi lại điện thoại sang, kể chuyện nhà: “Thằng Tư ra trường rồi mà chưa có xe đi làm. Hay con cho em nó mượn rồi mai mốt nó trả”. Dù biết là cái “mai mốt” đó không bao giờ đến, nhưng mẹ tôi đã nói thế nỡ nào tôi không giúp em.
Cứ như vậy, không có chuyện gì ở nhà là tôi không biết và không đến tay tôi giải quyết. Sau này, khi các em tôi đã ra trường, có gia đình, vẫn mặc nhiên xem việc lo kinh tế cho ba mẹ là trách nhiệm của tôi.
Nhiều đêm, nằm nghĩ đến chuyện nặng gánh gia đình mà không biết khi nào mới hết lo, tôi tủi thân khóc thầm. Dù vậy, tôi vẫn cố an ủi mình là tôi vẫn có chồng con để yêu thương, chúng tôi vẫn khỏe mạnh, hai con tôi thông minh, hiếu thảo…
Suốt một tháng sau khi nghe tin chia tiền đất ở Việt Nam, tôi giận người nhà, giận mình, để rồi sút ký, đến nỗi chồng tôi lo rằng có thể tôi đang mắc bệnh gì mà giấu anh. Tôi muốn nói thật với chồng để anh chia sẻ, nhưng cũng không dám vì sợ anh hiểu xấu về gia đình tôi.
Đè nén nỗi đau, tôi điện thoại cho mẹ để hỏi rõ chuyện vì sao giấu tôi khoản tiền lớn đến thế. Mẹ tôi giải thích rằng đó không phải là quyết định của mẹ. “Ba con với tụi nó làm sao thì mẹ theo vậy. Với lại con bên đó thì đã ổn định, có một cửa hàng nhỏ rồi. Còn mấy đứa em con khó khăn. Con coi như cho tiền, giúp đỡ các em như lâu nay vậy”, mẹ tôi kết chuyện.
Sau cuộc điện thoại với mẹ, tôi dặn lòng rằng từ nay buông bỏ bớt. 20 năm qua tôi đã làm xong trách nhiệm của một đứa con gái lớn với gia đình. Giờ tôi sẽ tập trung sống cho mình và gia đình nhỏ. Nghĩ vậy, nhưng tôi biết vết thương lòng của mình còn sâu lắm. Để quên nó chắc cần rất nhiều thời gian vì tôi đâu phải là gỗ đá…