Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
121 lượt xem

"Vỡ mộng chung cư": Lấp liếm chuyện căn hộ bị thấm dột, nước bẩn hay phí dịch vụ, pháp lý không rõ ràng…

Hai năm còng lưng trả lãi, ngỡ sẽ vui khi được ở trong căn hộ của chính mình nhưng khi về nhà mới, anh Đức Hùng, 33 tuổi, chỉ muốn dọn đi cho nhanh.

Vợ chồng anh có hơn 5 năm ở trọ, hai năm ở nhà thuê, trước khi chính thức làm chủ căn chung cư 68 m2, ở quận Hà Đông, Hà Nội. Sau khi hoàn thiện nội thất, tổng thể căn hộ mua năm 2019 tốn hơn một tỷ đồng.

Số tiền mua nhà có một nửa là tích góp còn lại vay người thân và vay thêm ngân hàng 300 triệu đồng. “An cư mới lạc nghiệp, có cái nhà dù ở xa vẫn hơn trọ gần”, người đàn ông là nhân viên hành chính ở một công ty thuộc quận Hoàn Kiếm, suy tính.

Nhưng hàng loạt sự khó chịu ập đến khi anh dọn về ở. Nước sinh hoạt ở đây nhìn thôi đã không ổn, lúc đục, lúc có cặn, thậm chí có cả giun đỏ. Dù vợ chồng anh Hùng chi hơn chục triệu đồng mua máy lọc nước, khi dùng bút thử vẫn không đạt tiêu chuẩn. Anh và các cư dân ở đây đồng loạt phản ánh lên chủ đầu tư, nhưng không thay đổi được gì.

Vợ chồng anh đành chấp nhận tốn thêm tiền mua nước sạch để nấu ăn hoặc đun sôi nước đã lọc mới dám uống, chỉ dùng nước trực tiếp ở vòi để tắm giặt, vệ sinh.

Trong tưởng tượng, anh Hùng nghĩ hồ điều hòa ở khu chung cư là nơi giúp không khí thêm trong lành, nên chọn căn hộ ở cạnh. Khi về ở, anh mới biết đường ống nước thải xả ngay ra hồ. Ngày nắng, mùi hôi xộc thẳng vào nhà. “Nhiều bữa bưng bát cơm lên lại đặt xuống vì nuốt không trôi”, anh kể.

Trước đây, ở thuê căn hộ giá 7 triệu đồng, đường đến trường hai con gái, đến công ty anh và vợ chỉ trong bán kính chưa đầy 3 km, nay dài gần 20 km. “Hôm nào hai vợ chồng cũng vội vàng để về đón con, nhưng đường vừa xa vừa tắc”, anh nói. Để cô giáo không phải phàn nàn vì chờ phụ huynh quá lâu, anh đăng ký dồn con vào lớp đón muộn, đóng mỗi bé thêm 200 nghìn đồng một tháng.

Hàng loạt rắc rối khi được làm chủ nhà đã khiến anh Đức Hùng đi đến một quyết định: Bán nhà trả hết nợ rồi đi thuê. Có điều, căn hộ không có sổ đỏ, tai tiếng của chung cư nơi anh sống phơi khắp các mặt báo, anh Hùng chưa thể bán với giá như kỳ vọng.

Cũng vay mượn mua chung cư, nhưng anh Ngọc Phúc, 35 tuổi, ở TP HCM chú trọng đến pháp lý căn hộ. Nhờ vậy, anh nhận sổ đỏ căn chung cư chỉ sau nửa năm đặt bút ký.

Tuy nhiên, khi đến ở chung cư, anh mới tá hỏa khi chủ đầu tư không thực hiện như cam kết. “Nhà sinh hoạt cộng đồng của chung cư theo cam kết gần 1.000 m2, giờ đi họp phải ngồi ngoài sảnh. Khu cây xanh bảo diện tích hàng nghìn mét, nhưng nay chỉ mấy chục mét”, anh nói. Anh Phúc bức xúc hơn khi không gian kỹ thuật, nơi sinh hoạt cộng đồng bị chủ đầu tư chiếm dụng cho thuê. Chưa kể thang máy chậm, thi thoảng hỏng hóc, nhiều lần khiến vợ chồng anh đi làm trễ, con đến lớp muộn.

Tình cảnh các gia đình trên cũng là cảnh ngộ chung của hàng vạn người sống ở chung cư. Nhiều người chi 2-3 tỷ đồng mua căn hộ được quảng cáo là cao cấp, nhưng khi nhận bàn giao thì vách cửa cong vênh, thang máy hỏng, điện, nước không có, phí dịch vụ tăng nhưng chất lượng dịch vụ vẫn tệ.

Chị Nguyễn Thị Hồng (29 tuổi, ở Mỹ Đình, Nam Từ Liêm) mua căn hộ ở Hoài Đức với cam kết nhận nhà đầu năm nay. Nhưng sau chín tháng, dù hoàn thiện nội thất, chị vẫn chưa được về ở, vì nghiệm thu phòng cháy chữa cháy ở chung cư chưa xong. “Nhà tôi ở căn giữa không sao, chứ một số căn góc chưa ở đã thấy mọi người nháo nhác vì tường thấm nước”, chị kể. Những mặt trái ở chung cư, chị không hề nghe môi giới nhắc đến chỉ đến khi về ở, gia nhập các nhóm cộng đồng cư dân, Hồng mới ngã ngửa.

Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA), năm 2019, cả nước có khoảng 3.000 tòa nhà chung cư, trong đó tập trung chủ yếu tại thành phố Hà Nội và TP HCM.

Tại Hà Nội, trong số 845 (cụm, tòa) chung cư thương mại có đến gần 130 chung cư có tranh chấp, khiếu kiện phức tạp. Còn tại TP HCM, trong số hơn 900 chung cư cao tầng cũng có tới 105 chung cư đang có tranh chấp ở các mức độ khác nhau. Trong số đó có 9 chung cư có tranh chấp rất gay gắt, phức tạp. Tính trung bình, cứ 10 chung cư ở thành phố thì có một chung cư đang xảy ra tranh chấp.

Mâu thuẫn chủ yếu là việc bàn giao, quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư, một số chủ đầu tư cố tình “ôm quỹ” không bàn giao cho ban quản trị tòa nhà, ảnh hưởng đến quyền lợi của cư dân.

Chị Thu Hiền, 31 tuổi, một nhà môi giới bất động sản, chuyên bán, cho thuê căn hộ bình dân ở Hà Nội và TP HCM, thừa nhận, dù không thổi phồng chất lượng các chung cư nhưng chị thường chỉ nói với khách hàng về ưu điểm của căn hộ, lấp liếm chuyện căn hộ bị thấm dột, nước bẩn hay phí dịch vụ, pháp lý không rõ ràng…

“Khi về ở, có bất bình gì họ tìm chủ đầu tư chứ không ai chạy đến ăn vạ môi giới cả”, chị nói.

Ông Nguyễn Chí Thanh, phó chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cho hay, khi chọn mua nhà, điều quan trọng nhất khách hàng cần lưu tâm là uy tín của chủ đầu tư, sự đồng bộ và tính hiện đại của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, mật độ cây xanh, tiện ích dịch vụ, chất lượng vận hành quản lý toà nhà….

“Đặc biệt khi mua nhà, cần phải quan tâm đến pháp lý. Nếu căn hộ không có sổ đỏ, đồng nghĩa nó được xây dựng không đúng quy định của pháp luật, không nên mua những căn như vậy”, ông Thanh lưu ý.

Theo khảo sát các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam công bố tháng 2/2019 của Công ty cổ phần báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), có hơn 90% khách hàng giống như ông Thanh, cho rằng “uy tín chủ đầu tư” là yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất tới quyết định mua nhà của mình.

Những tiêu chí còn lại bao gồm: giá cả (80,9%), vị trí thuận lợi (66,7%), chất lượng dự án (61,9%), thiết kế (57,1%), dịch vụ khách hàng (52,4%), tiện ích nội ngoại khu (42,4%) và quy trình mua (38,1%).

Anh Đức Hùng thừa nhận, khi chọn mua nhà ở Hà Đông, anh không biết gì đến khái niệm “uy tín chủ đầu tư”. Thấy căn hộ giá chưa đến 10 triệu đồng mỗi m2, anh vội vã dồn tiền mua, không ngờ đó là khởi đầu của bi kịch.

Khi chưa thể chuyển nhà, anh Hùng đang tính sẽ cho thuê lại chung cư của mình với giá 5 triệu đồng, để đi thuê gần chỗ học, chỗ làm hơn, đồng thời nhờ môi giới rao bán căn hộ. Còn anh Phúc chọn sống trong căn chung cư chính chủ, vì “dù sao đó cũng là tài sản tích lũy cả đời”.

Tên một số nhân vật thay đổi.

Bài viết cùng chủ đề: