Ông Sơn kiện hàng xóm vì cho rằng bị cản trở việc tô bức tường khi xây nhà, nhưng bị họ kiện ngược lại vì ông lấn không gian và yêu cầu đập bỏ bức tường.
Vụ tranh chấp không gian phần giáp ranh hai nhà giữa ông Sơn và bà Phan kéo dài 15 năm, được TAND TP HCM xử phúc thẩm lần 3, ngày 14/8.
Hồ sơ vụ kiện thể hiện, năm 2009, vợ chồng ông Sơn xây căn nhà trên đường Tô Ký, quận 12. Sau khi ông xây xong phần thô, đến phần tô vách tường tiếp giáp với nhà bà Phan thì bị bà và con trai ngăn cản với lý do “xây lấn không gian” của họ.
Ông Sơn khởi kiện ra TAND quận 12, yêu cầu buộc gia đình bà Phan phải tạo điều kiện, không được ngăn cản ông sử dụng không gian phía trên để tô vách tường, hoàn thiện nhà của mình.
Theo bà Phan, ông Sơn đã xây lấn chiếm không gian thuộc quyền sở hữu của gia đình bà. Hai nhà được ngăn cách bởi hàng rào xi măng, là ranh giới, và đã ký thỏa thuận với nhau. Tuy nhiên, ông Sơn đã xây dựng lấn trụ điện và không gian nhà của bà Phan do phần đà đổ không đúng.
Trong quá trình xây dựng, ông Sơn còn bẻ mái tôn của nhà bà ngược lên. Cột dẫn điện của gia đình bà hiện nằm trên phần ban công nhà nguyên đơn. Do đó, bà không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông Sơn.
Ngoài ra, bà Phan cũng có đơn phản tố, yêu cầu nguyên đơn phải tháo dỡ công trình xây dựng lấn không gian, trong đó có cả trụ điện để trả lại phần không gian cho gia đình bà.
Vụ án được xét xử sơ thẩm lần đầu vào tháng 8/2010, đến tháng 11 năm đó TAND TP HCM xử phúc thẩm hủy án.
Tháng 8/2018, TAND quận 12 xử sơ thẩm lần hai đã bác yêu cầu của ông Sơn, chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn; tuyên vợ chồng ông Sơn phải tháo dỡ phần công trình đã lấn chiếm không gian, trong đó có cây cột điện nhà bị đơn. Tòa cũng buộc nguyên đơn phải hoàn trả cho bị đơn hơn 12 triệu đồng là chi phí thuê đơn vị kiểm định trong quá trình giải quyết vụ án.
Không đồng ý với phán quyết này, ông Sơn kháng cáo toàn bộ bản án, yêu cầu TAND TP HCM xử phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm.
Tháng 4/2019, TAND TP HCM xử phúc thẩm lần hai đã chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn, tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND quận 12 do có nhiều sai sót, và không xác định ranh giới giữa hai nhà.
Cụ thể, bản đồ hiện trạng do Trung tâm đo đạc bản đồ Sở Tài nguyên và Môi trường lập năm 2014 thể hiện nhà ông Sơn có phần nằm ngoài ranh theo giấy chứng nhận đã cấp. Tòa sơ thẩm không căn cứ vào ranh đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng cấp cho nguyên đơn để làm rõ các các vị trí xây dựng nằm ngoài ranh mà lại căn cứ vào kết quả điểm định công trình của Công ty cổ phần kiểm định Xây dựng Sài Gòn (không có chức năng đo đạc địa chính) là “không có cơ sở pháp luật”.
Tòa án cấp sơ thẩm chỉ tuyên buộc vợ chồng ông Sơn tháo dỡ công trình xây dựng lấn không gian nhà bị đơn mà không xác định cụ thể vị trí, diện tích nào của công trình lấn. Ngoài ra, tòa án cấp sơ thẩm còn có nhiều vi phạm tố tụng nghiêm trọng như: chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn, nhưng bị đơn chưa nộp đơn phản tố cho tòa theo quy định; tòa cũng áp dụng sai căn cứ tính án phí cho đương sự.
‘Kỳ án’ vì bị lấn 0,5-2 cm không gian
Vụ án kéo dài hơn 10 năm chưa có kết quả, quá trình TAND quận 12 thụ lý giải quyết lại vụ án, năm 2022 ông Sơn rút đơn khởi kiện. Tòa sau đó ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu của ông Sơn. Lúc này vai trò tố tụng của các đương sự thay đổi, bà Phan và con trai trở thành nguyên đơn, còn ông Sơn là bị đơn.
Phía bà Phan giữ nguyên yêu cầu, buộc gia đình ông Sơn tháo dỡ công trình lấn không gian. Bà đề nghị tòa sử dụng kết quả thẩm định công trình của Công ty Cổ phần kiểm định Xây dựng Sài Gòn và bản vẽ hiện trạng của Trung tâm đo đạc bản đồ của Sở Tài nguyên và Môi trường lập để làm cơ sở giải quyết vụ án.
Quá trình giải quyết vụ án ông Sơn xin vắng mặt. Người bảo vệ quyền lợi ích của ông đề nghị tòa xử theo quy định của pháp luật.
Năm 2023, TAND quận 12 xử sơ thẩm lần 3, tuyên bác yêu cầu khởi kiện của bà Phan và con trai (trái ngược với phán quyết của bản án sơ thẩm lần 2). Theo HĐXX, bà Phan không cung cấp được các chứng cứ chứng minh ông Sơn lấn chiếm không gian. Tòa đã nhiều lần yêu cầu và hướng dẫn phía bà Phan liên hệ với trung tâm đo đạc để xác định vị trí phần đất đang bị lấn chiếm nhưng nguyên đơn không thực hiện.
Bà Phan cho rằng việc này không cần thiết, đề nghị tòa căn cứ vào bản đồ hiện trạng căn nhà của ông Sơn nhưng tài liệu này không phải là bản đồ xác định ranh đất. Hơn nữa, bản đồ này được đo đạc trước thời điểm nhà nguyên đơn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (2019) nên không có giá trị chứng cứ.
Không đồng ý với phán quyết này, phía nguyên đơn kháng cáo toàn bộ bản án.
Trước phiên phúc thẩm, phía nguyên đơn đã thuê một công ty xây dựng khảo sát và kiểm định hiện trạng. Kết quả là, nhà ông Sơn xây dựng có nhiều vị trí lấn chiếm không gian nhà bà Phan từ 0,5 cm đến 2 cm.
Trả lời HĐXX, con trai bà Phan cho rằng diện tích bị lấn chiếm theo số liệu đo vẽ nói trên là “rất lớn”, gây thiệt hại cho gia đình họ. Trước đó, gia đình anh nhiều lần muốn hòa giải nhưng ông Sơn không đồng ý. Việc tranh chấp kéo dài khiến gia đình anh gặp nhiều khó khăn trong việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như sửa sang nhà cửa.
“Nếu chúng tôi không vướng vào vụ tranh chấp này thì có thể xây sửa căn nhà cho thuê phòng trọ. Đến nay, căn nhà đã xuống cấp và chúng tôi không còn khả năng tài chính để sửa chữa nên gây thiệt hại rất lớn”, con trai bà Phan nói và yêu cầu phía đình ông Sơn phải bồi thường một tỷ đồng.
Thẩm phán phân tích, việc đưa ra các yêu cầu đòi bồi thường cần có căn cứ chứng minh và cơ sở, đồng thời gợi ý nguyên đơn đưa ra mức yêu cầu tương ứng với giá trị phần diện tích lấn chiếm. Tuy nhiên, phía nguyên đơn không đồng ý và cho rằng thiệt hại không chỉ nằm ở phần diện tích không gian bị lấn chiếm “mà ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác”.
Sau nhiều giờ xét xử, HĐXX tạm ngưng phiên tòa để VKS nghiên cứu kỹ hồ sơ trước khi đưa ra quan điểm giải quyết vụ án.
- Công thức làm toner từ vitamin E giúp da sáng khỏe và căng bóng bất chấp thời tiết giá lạnh
- 3 đặc điểm trên cơ thể chứng tỏ con thông minh hơn người, bố mẹ mát mặt hưởng an nhàn
- Cãi vã làm thăng hoa ‘chuyện ấy’?
- Cà Mau: Nuôi con đặc sản chìm dưới đáy bùn, chả phải cho ăn, cứ 2ha nông dân nơi này lời 500 triệu
- Nếu đấu giá biển số Bắc Ninh 7 số 9; Hải Dương 34-56789, Kiên Giang 68-68.888 có thể lên đến vài tỷ đồng