Nhờ nghề nuôi chim yến không tốn thức ăn, công chăm sóc, lại ít bị bệnh…anh Trương Quốc Huân có nguồn thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.

Nuôi chim yến không tốn tiền mua con giống

Nghề nuôi chim yến trong nhà được mệnh danh là nghề “bạc tỷ”, bởi nguồn thu nhập ổn định và có tính bền vững cho người nuôi.

Đồng thời, nuôi chim yến rất đơn giản, chỉ việc đầu tư vốn ban đầu để xây nhà dụ chim về làm tổ và sắm trang thiết bị kỹ thuật. Ngoài ra, nuôi con chim yến tự nhiên, không tốn thức ăn, công chăm sóc, lại ít dịch bệnh…

Anh Trương Quốc Huân (Sinh năm 1981, thôn Hà Thanh, xã Yên Nhân, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) chia sẻ: “Nghề nuôi chim yến không “dễ ăn” như nhiều người mơ mộng, lầm tưởng. Như tôi đây bắt đầu nuôi chim yến từ năm 2016, với diện tích khoảng 100 m2…chi phí đầu tư khoảng 500 triệu đồng. Hai năm đầu tiên nuôi chim yến hầu như tôi trắng tay, buồn, chán khi nhìn từng đàn yến bay về làm tổ và bị chết trong nhà mà xót xa”.

“Sau khi tìm hiểu được biết, thời tiết miền Bắc về mùa đông rất lạnh, con chim yến không chịu được dẫn đến chết hàng loạt. Vì thế, tôi đã lắp đặt, sử dụng hệ thống sưởi nhiệt cho toàn bộ diện tích nuôi yến trong nhà. Từ đó, đàn yến gia đình nuôi luôn phát triển và cho sinh sản bình thường về mùa đông”, anh Huân chia sẻ thêm.

Hiện nay, bình quân cứ 3 tháng, anh Huân kiểm tra và thu hoạch tổ yến 1 lần, mỗi lần thu khoảng 2 kg tổ yến thô. Với giá bán trên thị trường, tổ yến qua tinh chế là 3,2 triệu đồng/100g, riêng tổ yến thô (chưa xử lý) giá bán 2,3 triệu đồng/100g.

Với kinh nghiệm qua nhiều năm nuôi chim yến, cũng như được các hộ nuôi chim yến đi trước chia sẻ, “mách nước”…Gia đình anh Huân đang có thu nhập ổn định với gần 200 triệu đồng/năm.

Kỹ thuật nuôi chim yến

Theo anh Trương Quốc Huân, nhà nuôi chim yến phải đảm bảo các yếu tố như: Thông thoáng, mát về mùa hè, ấm vào mùa đông…nhiệt độ trong nhà nuôi phải đảm bảo nhiệt độ từ 27-29 độ C, độ ẩm từ 80-95%, ánh sáng là 0,2 lux.

Nhà nuôi yến phải được xây dựng theo dạng nhà lầu với độ cao vừa phải kết hợp với hệ thống phát tín hiệu âm thanh, máy phun sương tạo độ ẩm.

Lưu ý, khi thiết kế cửa ra vào theo hướng chim bay đi và bay về, xung quanh tường cũng cần lắp đặt hệ thống thông gió. Ngoài ra, bố trí điều kiện thuận lợi cho chim yến được phát triển tự nhiên, như vậy mới đem lại hiệu quả bền vững.

Với kinh nghiệm mà anh Huân đúc kết nhiều năm nuôi chim yến, để gọi chim yến về làm tổ, cần phải tính toán cẩn trọng các thông số kỹ thuật phức tạp về kích thước, chất liệu phù hợp với quá trình sinh trưởng, cũng như phát triển của chim yến.

Nhờ đảm bảo các yếu tố kỹ thuật trên, chỉ sau một thời gian ngắn, nhà yến của anh Huân đã thu hút được lượng lớn chim yến về làm tổ, sinh sản định kỳ. Theo ước lượng của anh Huân, hiện nay đàn yến của gia đình có khoảng 2.000 con bay về làm tổ.

Thông thường, chim yến sinh sản theo mùa, vào khoảng giữa tháng 1 hằng năm, chim bắt đầu xây tổ, đến giữa cuối tháng 3 bắt đầu đẻ trứng. Chim yến đực và cái cùng nhau làm tổ, cùng ấp và nuôi chim con, sinh sống khá ổn định.

Theo tìm  hiểu, chim yến tự ấp nở thì mỗi năm, mỗi cặp chim chỉ có thể đẻ khoảng 3 lần. Một chu kỳ sinh sản của chim khoảng từ 3-4 tháng, trong đó 1-2 tháng là xây tổ và 2,5 tháng ấp nở nuôi con, và có thời gian nghỉ nhưng về quần đàn thì chim yến nhà đẻ rải rác quanh năm.

Bí quyết khai thác tổ yến hiệu quả

Chim yến làm tổ bằng nước bọt được tiết ra từ hai tuyến nước bọt ở dưới lưỡi hai bên má. Vào thời kỳ sinh sản thì tuyến nước bọt phát triển mạnh, phình to ra ở hai bên má.

Cũng theo anh Huân, khi khai thác tổ yến vào thời điểm chim yến chưa đẻ trứng lúc này là sạch nhất. Yến sào không nhiễm bụi bẩn, phân hay tạp bẩn (vỏ trứng). Tuy nhiên, phương pháp này sẽ làm giảm lượng chim non, nhiều lần như thế sẽ làm chim yến hoảng sợ và có thể rời bỏ đi tìm nhà yến khác phù hợp.

Còn việc khai thác tổ yến khi chim yến đã đẻ 2 trứng, yến sào có cấu trúc đầy đủ hơn, dày hơn và đạt chất lượng tốt hơn. Nhưng khai thác bằng cách này sẽ làm giảm số lượng chim yến trong bầy, không có chim yến non nở ra, coi như hủy diệt chim yến và nguồn sống chủ nhà yến.

Hiện, anh Huân đang áp dụng khai thác tổ yến khi chim yến non đã rời tổ. Với phương pháp này sẽ giúp tăng số lượng yến sào lên đáng kể, đây cũng là cách ưu việt nhất mà tất cả các nhà dẫn dụ yến hay chọn để gia tăng bầy đàn, gia tăng sản lượng sau mỗi mùa.

Thời gian tốt và chính xác nhất để thu hoạch tổ yến từ 9-15 giờ trong ngày. Đây là thời điểm chim yến đi kiếm mồi. Cần tránh thu hoạch yến vào lúc chim yến đang nghỉ vì dễ làm xáo trộn tới cuộc sống của chim.

Riêng việc lấy tổ yến trong nhà cần đòi hỏi cao sự nhẹ nhàng, khéo léo. Người thu hoạch yến di chuyển vào các tầng tổ yến cần tránh gây ra tiếng động khiến những con còn ở lại trong nhà sợ hãi. Việc lấy tổ yến cần được diễn ra nhanh chóng, nhẹ nhàng nhất có thể.

Từ việc nuôi chim yến và khai thác tổ đúng thời điểm, đúng cách đàn chim yến nhà anh Huân đang ngày một gia tăng về số lượng, điều đó giúp gia đình có thu nhập ổn định hằng năm.

Bà con nông dân muốn học hỏi kinh nghiệm nuôi chim yến trong nhà, có thể liên hệ tới anh Trương Quốc Huân theo địa chỉ thôn Hà Thanh, xã Yên Nhân, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình và số điện thoại: 0987.211.771.