‘Dù có video clip quay lại hiện trạng ngôi nhà hàng xóm từ trước, tôi vẫn bị họ làm khó dễ’.
“Tôi xây nhà, phía trước thụt vào 30 cm, hai bên tường, sau khi tô là đủ. Địa chính đã vào đo mấy lần và lập biên bản là xây đúng, nhưng ông hàng xóm không chịu. Trong khi đó, nhà ông ta đã xây xong, đỉnh hồi nhà cùng sê-nô nhà ông ta lớn hơn sổ là 5 cm.
Không kiện được, ông ta quay sang kiện rằng việc xây nhà của tôi làm nứt tường, thấm tường. Tôi yêu cầu chứng minh trước và sau khi xây nhà nó nứt như thế nào thì ông ta không chứng minh được.
Khi tôi in và cung cấp hình ảnh, cùng với clip tôi quay trong nhà ông ta cho chính quyền, có cả bố mẹ ông ta trong hình, với ngày giờ quay clip trước khi tôi xây nhà, lúc đó mọi người mới ồ lên ‘thế à…’. Thật là chán”.
Độc giả Hung Vu Van kể trường hợp của bản thân như trên, cụ thể anh xây nhà với kế hoạch rõ ràng, tuân thủ đúng quy định để đảm bảo không gặp rắc rối, tuy nhiên, hàng xóm của anh không chấp nhận.
Bình luận này được viết sau bài Xây nhà lùi 5 cm để tránh rắc rối với hàng xóm. Theo đó, xây dựng nhà cửa là một quá trình đầy phức tạp, không chỉ về mặt kỹ thuật mà còn về quan hệ láng giềng.
Trong nhiều trường hợp, những mâu thuẫn tưởng chừng như nhỏ nhặt lại có thể trở thành vấn đề lớn, kéo dài qua nhiều năm và gây ra căng thẳng không cần thiết.
Độc giả nickname Ezulan Tran chia sẻ đã trải qua hai vụ án kiện tranh chấp nhà ở, và cả hai vụ đều kéo dài quá lâu: “Tôi đã trải qua hai vụ án kiện tranh chấp nhà ở, cả hai vụ đều mất ít nhất 8 năm và dài nhất là 15 năm. Cứ cho là mất một năm để soạn thảo hồ sơ, đi lại, trích lục sao kê, hòa giải rồi hầu tòa…
Nhưng tại sao phải chờ thêm 14 năm nữa? Nhiều người sẽ cho rằng tòa phải xử lý hàng trăm, hàng ngàn vụ; tôi đồng ý. Nhưng như vậy thì rõ ràng là tòa án đang quá tải nghiêm trọng, dẫn đến quyền lợi của người dân cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ví dụ, căn nhà cấp 4 có hạn sử dụng là 20 năm mà phải chờ 15 năm thì đến lúc lấy được nhà, căn nhà cũng đã rệu rã hết rồi”.
Liên quan đến việc xây dựng và tranh chấp, độc giả nickname team chia sẻ quan điểm về việc lùi 5 cm khi xây nhà:
“Lùi 5 cm dễ gây thấm nước, và việc chống thấm sẽ rất khó khăn. Ở thành phố, tấc đất tấc vàng, lùi 5 cm một bên, hai bên là mất 10 cm. Giả sử nhà dài 20 m, bạn sẽ mất 2 m2 đất. Nếu nhà nằm ở mặt tiền quận 1 hay quận 3, thì bạn đã mất cả tiền tỷ chỉ để dĩ hòa vi quý với hàng xóm.
Chúng ta xây nhà không nên lấn sang đất hàng xóm, nhưng nếu bảo lùi 5 cm thì không nên, vì vừa mất tiền vừa có thể gây ra vấn đề thấm nước nghiêm trọng”.
Thêm vào đó, độc giả huy nhat đưa ra một góc nhìn khác về câu chuyện tranh chấp xây dựng: “Ai cũng nghĩ nếu có tình làng nghĩa xóm thì đã không xảy ra chuyện gì. Còn câu chuyện kỳ án 15 năm, chỉ là khoảng cách 5 mm – 20 mm (tức là 0,5 cm – 2 cm), nó như khoảng một đốt ngón tay, bằng độ dày phần tường tô là cùng.
Nhà trước làm khó nhà xây sau thì không thể giải quyết, cho dù nhà xây sau có ý nhường lùi 5 cm thì chắc chắn nhà kia cũng kiếm chuyện thôi”.
Độc giả thuanpham giới thiệu là một người làm trong ngành xây dựng, đã chia sẻ về sự khó khăn trong việc giữ đúng các sai số nhỏ trong xây dựng. Anh cho rằng sai số 0,5 cm – 2 cm là điều không thể tránh khỏi và nó không phải là do chủ ý của chủ nhà. Trong nhiều trường hợp, vấn đề không nằm ở kỹ thuật xây dựng mà ở cách con người đối xử với nhau:
“Tôi là người làm xây dựng, thực sự sai số 0,5 cm – 2 cm trong xây dựng là rất dễ xảy ra, không thể chuẩn như cấu kiện cơ khí được. Hầu như tất cả mọi nhà xây đều bị sai số.
Có thể rộng hơn hoặc hẹp hơn, gần như chắc chắn sai lệch này không phải là do chủ ý của chủ nhà, và chủ nhà cũng không thể bắt đền chủ thầu hay thợ xây vì nó nằm trong sai số cho phép. Vấn đề ở đây chỉ là cách sống, cách xử thế giữa hàng xóm với nhau mà thôi. “Ghét nhau bồ hòn cũng méo” là vậy”.
- Nam Em khiến fans lo lắng khi lộ hình ảnh mệt mỏi, sức khỏe báo động
- 5 mẹo dân gian nuôi trẻ cực nguy hại, bác sĩ cảnh báo cha mẹ không nên áp dụng
- Mê tít cái món cafe muối siêu ngon này
- Ngậm "trái đắng" vì đầu tư chủ quan "ôm" đất nông nghiệp
- Mẹ nghèo khóc nghẹn ôm 2 con bại não trong đau đớn, tuyệt vọng: “Giờ nhà không còn gì để bán nữa…”