Lại một cái Tết đang đến gần, mọi người ai cũng vất vả, lo lắng. Đâu đó, chúng ta bắt gặp và nghe những tiếng thở dài chất chứa bao nỗi lo, thậm chí sợ Tết.
Tết đâu có lỗi, thậm chí rất đẹp, rất đáng trân quý, rất thiêng liêng bởi đó là dịp để đoàn viên, sum vầy và chia sẻ yêu thương, vậy hà cớ gì chúng ta phải gồng mình đón Tết.
Tết đơn sơ hay đủ đầy là do suy nghĩ của mỗi người. Thực ra dịp này đơn giản, mộc mạc và bình dị lắm, đôi lúc chỉ cần vài lạng hạt dưa, dăm lát mứt gừng, một cặp bánh chưng, một nhành hoa vạn thọ để dâng lên bàn thờ ông bà, đó đã là sự đủ đầy và giúp mọi thành viên trong gia đình gắn kết hơn. Có khi mâm cao cỗ đầy lại khiến mỗi người trong gia đình thêm bực dọc, uể oải, xa cách.
Mỗi chúng ta có khi cần thay đổi cách nghĩ về Tết, hãy đơn giản hóa mọi lễ nghi cúng bái nặng nề, đừng gồng mình làm những mâm cao cổ đầy mà trong lòng cảm thấy không vui, rồi lại than ngắn thở dài, so bì công việc của nhau. Cả năm ai cũng làm lụng mệt nhọc, vất vả với bao lo toan từ sức ép sức khỏe, đời sống và gắng mình hòa nhập với bao lo toan ở đời, nay lại phải gồng lên đón Tết, vậy thì có ai mà không sợ? Tết chỉ cần một bữa tiệc đơn giản, gọn nhẹ, vui vẻ, sum vầy, đầm ấm là đủ.
Đối với các mẹ, các chị đừng gồng mình lo toan chuyện ăn uống ngày Tết như thế nào, hãy dành thời gian nghỉ ngơi và xúng xính quần áo du xuân. Đối với các chú, các anh, đừng gồng mình thể hiện việc chén chú chén anh, so bì hơn thua độ cồn nạp vào người nhiều hay ít, hãy dành thời gian cho những người thân yêu trong gia đình, con cái. Chúng ta hãy mạnh dạn thay đổi những định kiến, đừng trói chặt mình trong những khuôn phép gượng ép về lễ nghi ngày Tết, hãy làm những gì bản thân cảm thấy thoải mái nhất, để mọi người trong nhà vui vẻ. Đừng ngại ánh mắt hay lời nói của người khác cảm nhận về mình đón Tết như thế nào, bởi mỗi gia đình, mỗi người sẽ có cảm nhận và cách đón riêng. Dịp này, điều mong ước của mỗi người chỉ gói gọn trong “bình an và hạnh phúc.