Chồng đột ngột qua đời khiến bà Tươi sốc nặng. Từ đó người phụ nữ góa chồng “hóa điên”, 17 năm qua bà vẫn chờ chồng bên mâm cơm để lâu ngày, mặc cho những con côn trùng bò vào thức ăn.
“Sởn gai ốc” nhìn côn trùng bò lổm ngổm trên mâm cơm của người phụ nữ sống trong “lô cốt”
Cách UBND xã Khánh Khê (Văn Quan, Lạng Sơn) không xa, rìa bản Khính có một căn nhà xây bằng gạch vồ, nằm trọn trong lùm cây trên sườn đồi. Bên ngôi nhà nhìn như lô cốt là những phiến đá và ngăn cách với con đường dân sinh bởi rặng tre, con suối.
Vị trí mà căn nhà được dựng lên tách biệt khỏi phần còn lại của thôn bản. Muốn đi vào đây, cách duy nhất là men theo bờ suối hoặc lội ruộng.
Sống trong căn nhà ấy là bà Hoàng Thị Tươi (SN 1968) ở bản Khính, một người phụ nữ khổ cực, không bình thường, cô độc đã nhiều năm.
Để vào được ngôi nhà bà Tươi chúng tôi phải đi men theo bờ suối giữa buổi chiều, trời mưa tầm tã. Nhìn xung quanh ngôi nhà, chúng tôi loay hoay một hồi lâu mới tìm ra cánh cửa chính nằm giáp với lùm cây dại. Cánh cửa được làm bằng một tấm liếp nhỏ, chỉ cần nhấc tấm liếp lên là đã có một chỗ chui vào nhà.
Căn nhà quá chật chội, ông Hoàng Văn Phú, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Khánh Khê phải ưu tiên dẫn phóng viên vào trong, còn một người phải đứng bên ngoài.
Khi tấm phên chắn cửa được mở ra, bà Tươi đứng như trời trồng. Bà nhìn chằm chằm từng người. Mặt bà dửng dưng không cảm xúc. Một lát sau thì bà tự cười phá lên khành khạch rất khó hiểu.
“Bà ấy bị tâm thần, nhưng không làm gì hại ai đâu, đừng sợ”, ông Phú khẽ nói để trấn an chúng tôi.
Trong căn nhà chừng 15m2, xây theo kiểu lô cốt, hết sức chật chội, chúng tôi đã ngửi thấy đủ thứ mùi hôi, thối, ẩm mốc từ chăn màn, nền nhà, đồ ăn để quá lâu và phân chuột.
Nhà không có cửa sổ, không có ô thoáng, nhưng nhiều lỗ thủng trên tường, trên mái nhà giúp cho ánh sáng từ bên ngoài chiếu vào nhưng mỗi khi trời mưa, nước cũng theo đó vào ngập nhà.
Trên chiếc chõng tre cũ, để cơ man nào là ngô xay, ngô rang, ngô lên men, ngô mốc, ngô mọc mầm,…thứ nào bà Tươi cũng nói “để dành ăn dần”. Khi vị cán bộ xã mở từng vật dụng đựng đồ ăn của bà Tươi thì chỗ nào cũng đầy rẫy những con côn trùng nhỏ.
Một mâm cơm ăn dở để trên chõng tre, có 3 chiếc bát nhỏ, bát đựng cơm còn nhiều hạt bám lại khô cứng; bát đựng rau dại và chiếc bát còn lại đựng mấy miếng măng đã thâm đen.
Bằng mắt thường chúng tôi thấy rõ rất nhiều côn trùng nhỏ bò vào đồ ăn. Chứng kiến mâm cơm của bà Tươi mà chúng tôi không khỏi sởn gai ốc.
Chồng mất 17 năm, vợ vẫn chờ cơm vì nghĩ chồng đi làm công ty
Ông Hoàng Văn Phú, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Khánh Khê cho biết, chồng bà Tươi qua đời từ năm 2007, họ không có con cái nên người phụ nữ này sống cô độc từ đó đến nay.
Ông Phú nói thêm, trước đây, bà Tươi cũng khá hòa đồng với mọi người, chăm chỉ làm ăn. Nhưng cái chết của người chồng khiến cho người phụ nữ này bị sốc nặng, rơi vào tuyệt vọng rồi dần dần bị thần kinh, sống khép mình, tách khỏi cộng đồng. Chính họ hàng và người trong thôn cũng e ngại, không mấy ai dám tiếp xúc.
Theo chia sẻ của một số bà con ở Bản Khính, suốt những năm tháng qua, người phụ nữ góa bụa này vẫn nghĩ rằng chồng bà đang đi làm công ty sắp về, chứ không hề nghĩ ông đã mất được 17 năm. Và vì vậy, ngày nào bà Tươi cũng chờ chồng về ăn cơm.
Qua những lời trò chuyện ngỡ như tỉnh táo, bà Tươi vẫn khẳng định, chồng bà đang đi làm công ty. Chỉ có người cán bộ xã “nháy mắt” ngầm ra hiệu với chúng tôi, hãy đồng tình với suy nghĩ đó của bà Tươi. Bởi vì ở vùng này, ai cũng biết, người chồng đã mất cách đây 17 năm, chỉ có bà Tươi không chấp nhận điều đó.
Khi phóng viên hỏi, bà có chăn nuôi được con gì không? Bà Tươi trả lời khiến chúng tôi thực sự ngỡ ngàng: “Nhà mình lâu nay không nuôi gì hết, lợn gà vịt, kể cả trâu bò nữa”.
Trong câu chuyện ngắt quãng vì tiếng cười và những câu nói vu vơ, không xác định nội dung từ phía bà Tươi, ông Phú lại hướng mắt về phía chúng tôi ra dấu như chờ đợi sự cảm thông.
Người bạn đồng hành với chúng tôi đã phải thốt lên vì những “ám ảnh” về đồ ăn, về nơi ở, điều kiện sống và cả những hành động bất thường của bà Tươi. Còn vị Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Khánh Khê thở dài, nói vỏn vẹn hai chữ “đau lòng!”.
“Nhà tạm bợ quá, mái thì hư hại nặng, tường nứt toác, nền móng sụt lún có thể sập bất cứ lúc nào. Bản thân bà Tươi tâm thần nặng, sống dựa vào trợ cấp khuyết tật, không tự lao động sản xuất được, không có khả năng xây sửa nhà.
Địa phương rất muốn hỗ trợ bà Tươi làm lại căn nhà để cải tạo môi trường sống, nhưng chúng tôi còn thiếu nguồn lực. Rất mong bạn đọc chung tay, giúp đỡ bà Tươi có cuộc sống tốt hơn”, ông Hoàng Văn Phú chia sẻ.
- Nhớ những lần bị thầy phạt ngày xưa: Thời đó, người giáo viên rất uy nghi với trò.
- 3 ”nhu cầu” phụ nữ càng đòi nhiều thì đàn ông càng yêu càng chiều
- Ngày mai, Quốc hội họp bất thường xem xét công tác nhân sự
- Đánh bóng xe ô tô nhiều có tốt không?
- “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”: 3 bí mật mua đất sinh lộc của người xưa, cứ ở là giàu