Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
9820 lượt xem

Xót xa người cha nghèo nuôi con trai suy thận giai đoạn cuối: 3 năm giấu con nhặt 4 chiếc quần lót để mặc

Ngồi trong phòng trọ nhỏ bé, cậu bé năm nay đã hơn 10 tuổi và đủ để biết tất cả về cuộc sống, gia đình cũng như bệnh tình của mình.

Con chập chững biết đi thì mẹ bỏ đi biệt tích

Gặp hai cha con anh Trương Văn Sử (1973) và cháu Trương Quang Bình (2008) quê tại Hòa Phú (Hòa Lộc – Hậu Lộc – Thanh Hóa) đang trọ trong căn phòng nhỏ thuộc xóm trọ từ thiện của ông “Hiệp khùng” dốc BV Nhi Trung ương mới thấu hiểu được tận đáy của nỗi đau, nỗi khổ của 2 cha con dìu nhau giữa chốn thị thành suốt 4 năm nay.

Ngồi nói dăm ba câu chuyện về cuộc đời, người đàn ông mái tóc đã thấm bạc như nghẹn lại bởi anh không muốn nhắc thêm những câu chuyện buồn về người vợ, người con trai mình thêm bất cứ một lần nào nữa. Nhưng rồi, chỉ cần khơi nhẹ về những ký ức của mình anh lại chia sẻ tất cả những gì trong tận đáy lòng.

“Cha mẹ sinh ra tôi rất nghèo đói nên bản thân không được học chữ, đến tận bây giờ dù 46 tuổi đầu nhưng vẫn khát khao đọc và viết được đầy đủ họ tên của mình. Lớn lên 15-16 tuổi đã theo các con tàu đi đánh cá giúp việc rồi đến khi trưởng thành hơn nữa tôi bắt đầu theo nghề đánh cá thuê lênh đênh trên biển cả tháng trời”, anh cho biết.

Rồi đến những năm 2000 anh Sử lập gia đình với một cô gái người Quảng Bình, tưởng chừng hai vợ chồng dù nghèo đói, khó khăn nhưng hợp sức lại sẽ khiến cuộc sống bớt đi phần nào. Đến năm 2004, 2 vợ chồng sinh bé gái đầu lòng rồi đến năm 2008 bé Bình được sinh ra.

Ấy thế nhưng, cái nghèo cái đói cứ thế bám riết lấy gia đình nơi đầu sóng ngọn gió. Rồi người mẹ, người vợ đã không thể chịu được cảnh quá khốn khổ đã quyết định bỏ.

“Lúc đó con trai tôi mới hơn 1 tuổi, mới chập chững biết đi thì vợ nói phải đi làm ăn, cô ấy ra Hà Nội học tiếng rồi ít lâu sau đó bất ngờ bỏ sang Đài Loan. Dù đã hết lời ngăn cản vợ mình bởi cô ấy đi đồng nghĩa với việc bỏ lại 2 đứa con nheo nhóc ở nhà…”, anh Sử vội gạt đi giọt nước mắt.

Tuổi thơ 2 đứa con của anh Sử thiếu vắng tình cảm, hơi ấm của người mẹ, thậm chí bé Bình mới hơn 1 tuổi vẫn còn nhớ hơi sữa mẹ. Trải qua những ngày tháng con cái nheo nhóc, thậm chí gào thét vì quá nhớ mẹ khiến người đàn ông lại thêm đắng cay.

“Con chỉ ước được ôm chặt mẹ 1 lần cũng mãn nguyện”

Những năm tháng tuổi thơ của bé Bình thiếu vắng hơi ấm của người mẹ bên cạnh dường như đã quá đỗi quen thuộc. Ấy nhưng, dù mạnh mẽ, dù kiên cường đến đâu thì mỗi khi nhìn thấy mẹ bạn bè cùng trang lứa âu yếm, chăm nom khiến cậu bé lại len lén quay đi…

Ngồi trong phòng trọ nhỏ bé, cậu bé năm nay đã hơn 10 tuổi và đủ để biết tất cả về cuộc sống, gia đình cũng như bệnh tình của mình.

Khi được PV hỏi về ước mơ, khát khao lớn nhất trong đời mình là gì thì cậu bé hồn nhiên trả lời: “Con không ước gì hơn là được ôm chặt mẹ 1 lần cũng mãn nguyện lắm rồi, bởi lúc mẹ còn ở nhà thì con chưa cảm nhận được. Khi lớn lên thấy mẹ các bạn cùng trang lứa âu yếm mà con thèm lắm…”.

Cuộc sống quá khổ cực khiến anh Sử phải cho Bình nghỉ học khi vừa bước vào lớp 2 và vừa biết đọc biết viết và cộng trừ nhân chia đơn giản.

3 bố con cứ thế dìu nhau qua ngày đoạn tháng êm đềm, nhưng đến giữa năm 2015 anh Sử như chết lặng khi con trai mình phải cấp cứu do viêm cầu thận tại BV Nhi Thanh Hóa. Tại đây, Bình được các bác sĩ điều trị nhưng không tiến triển hơn mà ngày càng nặng và bị kháng thuốc khiến cháu bị viêm thận giai đoạn cuối.

“Khi con bị kháng thuốc và được chẩn đoán suy thận giai đoạn cuối phía bệnh viện đã phải trả về bởi cháu quá yếu. Tôi đau khổ vô tận, nhưng rồi dù đau khổ nhưng phải bằng mọi giá cứu lấy con mình nên đã lao như một người điên về vay mượn tất cả họ hàng, anh em được 20 triệu đồng để chuyển xe cấp cứu từ Thanh Hóa ra BV Nhi Trung ương để điều trị”, anh Sử nhớ lại.

Tại đây, các bác sĩ thăm khám, xét nghiệm và chẩn đoán Bình bị suy thận mạn giai đoạn cuối và phải điều trị bằng phương pháp thận nhân tạo chu kỳ.

“Tôi cùng con lang thang quanh BV Nhi từ năm 2015 đến nay đã hơn 3 năm để chữa bệnh cho con. Do cháu phải lọc máu, điều trị theo chu kỳ 1 tuần 3 lần nên không thể về quê hay đi đâu được nên phải thuê trọ gần viện để tiện điều trị”, anh cho hay.

Suốt 3 năm phải giấu con nhặt 4 chiếc quần sịp để mặc

Khi bé Bình chưa bị bệnh, anh Sử vẫn làm nghề đi biển đánh cá thuê với mức lương từ 4 – 4,5 triệu đồng/tháng. Với số tiền ít ỏi thế nhưng ít ra cũng đủ để nuôi 2 đứa con nhưng từ năm 2015 khi Bình bị bệnh đến nay 2 cha con phải rời quê chuyển hẳn ra Hà Nội điều trị bệnh nên không có bất cứ nguồn thu nhập nào.

“Cháu Bình 1 tuần cứ phải lọc máu 3 lần cũng như lấy các loại thuốc nên không thể đi đâu được, thậm chí những ngày lễ Tết người ta về quê hết thì 2 bố con vẫn phải bám trụ nơi này”, anh chia sẻ.

Để có tiền, anh Sử tranh thủ những ngày con không vào viện đi kiếm công việc, ai thuê gì làm nấy, thậm chí rửa bát thuê, bê cơm phở hay những công việc nặng nhọc hơn.

“Họ thuê mình làm cả buổi rồi trưa cho 2 bố con 2 bát phở tôi cũng làm, thậm chí thuê rửa bát, lau dọn hay bưng bê đồ, chuyển đồ tôi cũng nhận làm hết.”, anh Sử cười tươi nói.

2 năm nay, 2 cha con chuyển vào xóm trọ từ thiện của ông “Hiệp khùng” dốc BV Nhi Trung ương với mức 10.000 đồng/người/ngày. Ở đây, 2 cha con cảm thấy không cô đơn bởi ít nhất có nhiều hoàn cảnh đồng cảm với mình và mọi người đều yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.

Thế nhưng điều trị bệnh cho con khiến áp lực kinh tế luôn đè nặng lên đôi vai của người đàn ông nghèo. Căn nhà cấp 4 rách nát ở quê không có bất cứ thứ đồ đạc nào đáng giá, anh đã phải vay mượn tất cả mọi nơi nhưng cuộc sống vốn bất công với 2 cha con.

“Cháu có bảo hiểm nhưng các thuốc ngoài danh mục được bảo hiểm chi trả rồi tiền sinh hoạt, tiền nhà trọ, tiền ăn uống hàng ngày cũng không có…”, anh nói.

Để sống qua ngày, 2 cha con phải xin cơm từ thiện, cháo tình thương, nồi gạo tình nguyện. Rồi gần như tất cả quần áo 2 cha con mặc trên người đều là đồ xin của các nhóm tình thương mang đến.

Gạt đi giọt nước mắt của người đàn ông gần 50 tuổi, anh chia sẻ: “Nói ra thì xấu hổ nhưng trong 3 năm qua tôi chưa lần nào dám mua sắm 1 chiếc áo, chiếc quần, thậm chí cả quần sịp cũng phải nhặt từ đống quần áo từ thiện để mặc mà không dám nói với con trai”.

Anh Bình chia sẻ: “2 cha con vô cùng chỉ biết cầu xin mọi người bớt bát cơm, miếng bánh để giúp cháu Bình có thể được tiếp tục được bám trụ lại để chữa bệnh. Con trai tôi rất khát khao được tiếp tục sống, chữa bệnh và được cười như những đứa trẻ khác”.

Trao đổi với PV, một lãnh đạo địa phương cho biết: “Gia đình anh Trương Văn Sử thuộc diện hộ nghèo, cháu Trương Quang Bình bị bệnh suy thận nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn”.

Danh mục: Cha

Bài viết cùng chủ đề: