Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
392 lượt xem

Xót xa: Nữ sinh mồ côi đạt 27,25 điểm không có tiền vào đại học

Mai mồ côi cha lúc 3 tháng tuổi, 5 năm sau mẹ bỏ em lại với bà nội, bật vô âm tín đến giờ. Cô gái đáng thương sống cùng bà già yếu, thi THPT đạt 27,25 (Toán 8,6; Văn 9,25; Tiếng Anh 9,4). Ước mơ vào đại học của Mai dễ bỏ dở vì không lo nổi học phí.

Từ hôm Mai biết điểm, trong căn nhà cấp 4 lụp xụp ở tiểu khu Thương Quý, thị trấn Hà Trung, Thanh Hóa, hàng xóm tấp nập đến chia vui, động viên hai bà cháu. Nghe những lời chúc tốt đẹp, bà Đoàn Thị Nguyệt (72 tuổi) luôn miệng nói cười sung sướng. Thế nhưng, hằn sâu trong đôi mắt bà vẫn là nỗi buồn và sự lo lắng, bởi sắp tới đây, bà không biết lấy đâu ra tiền cho cháu đi học đại học.

Bà Nguyệt tâm sự, bố của Mai qua đời do đột quỵ khi cháu mới tròn 3 tháng tuổi. Cuộc sống khó khăn, ba mẹ con bà cháu phải vào miền Nam làm thuê. Đến năm Mai lên 5 tuổi, hai bà cháu khăn gói về quê sống để cho Mai tiện đi học, còn chị Ngô Thị Hà (mẹ Mai) ở lại. Chẳng bao lâu chị Hà cũng biệt vô âm tín.

Bà Nguyệt tuổi đã cao, lại thêm đau xương khớp nên không làm được việc nặng. Hai bà cháu nương tựa vào nhau nhờ luống rau trước nhà. “Tôi trồng rau, hàng ngày mang ra chợ bán cũng kiếm được vài chục nghìn. Mỗi năm trồng thêm luống ngô bán cũng thêm vài trăm nghìn đồng, đắp đổi qua ngày”, bà Nguyệt chia sẻ.

Suốt 12 năm đi học, các thầy cô giáo trong trường đều biết hoàn cảnh của Mai nên hỗ trợ tối đa cho em, các khoản học phí cũng đỡ đi phần nào.

Hôm cháu biết điểm thi, bà Nguyệt vui đến chảy nước mắt. “Để cháu được đi học tôi sẵn sàng làm mọi việc kiếm tiền”, bà nói. Ngoài bán rau, ai thuê gì bà cũng cố làm, bà còn nhận trông trẻ cho một gia đình trong làng để kiếm thêm thu nhập.

Cô học trò nghèo ước mơ được học ngành kinh tế
“Đêm nào nó cũng tâm sự với tôi. Nó bảo lo cho sức khỏe của bà nên sẽ bảo lưu kết quả rồi học tiếng, đi xuất khẩu lao động, sau này có điều kiện về học lại. Nhưng tôi nhất định không cho. Tôi bảo sẽ cầm cố trích lục đất, lấy tiền cho cháu học, ít nhất cũng được một năm đầu”, bà Nguyệt sụt sùi. Cứ mỗi lần tâm sự, hai bà cháu lại ôm nhau khóc.

Mặc dù hoàn cảnh khó khăn nhưng Mai luôn phấn đấu trong học tập, mang tấm lòng lương thiện. Em còn mở lớp học tại nhà để kèm cặp miễn phí cho các em nhỏ trong làng vào chủ nhật hàng tuần. Cô trò nhỏ hồn nhiên: “Em muốn truyền lại kiến thức của mình, mong các em ấy có thể học tốt hơn”.

Ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ nơi hai bà cháu sinh sống.
Trong 12 năm đi học, năm nào em cũng đạt học sinh giỏi của trường. Đợt thi vừa qua, với tổng số điểm 27,25 (Toán 8,6; Văn 9,25; Tiếng Anh 9,4), Mai ấp ủ ước mơ theo học các ngành kinh tế.

“Nếu nhà em không nghèo, chắc chắn em sẽ theo học kinh tế. Nhưng tình cảnh hiện tại, có lẽ em sẽ chuyển hướng sang ngành sư phạm để được hỗ trợ. Có như vậy em mới có cơ hội bước chân vào giảng đường”, Mai rơm rớm nước mắt. Cũng rất có thể, em sẽ phải bảo lưu kết quả để đi lao động xuất khẩu vì không muốn mang lại gánh nặng cho bà.

 


Những lúc rảnh rỗi Mai ra vườn cuốc đất trồng rau với bà
Bà Phạm Thị Hải Yến (giáo viên chủ nhiệm của Mai) cho biết, Mai là một học sinh mạnh mẽ, luôn nỗ lực vượt khó, vươn lên trong cuộc sống và học tập.

“Những năm vừa qua, nhà trường luôn tạo mọi điều kiện cả về vật chất lẫn tinh thần giúp Mai, gần như em không phải đóng bất cứ một khoản gì. Bạn bè và thầy cô cũng thường xuyên động viên, hỗ trợ. Thời gian tới vào đại học sẽ là thách thức đối với hai bà cháu. Tôi rất hy vọng qua báo đài, các nhà hảo tâm biết đến, giúp em thực hiện được ước mơ”, bà Yến nói.

Bài viết cùng chủ đề: