Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
102 lượt xem

Yên Bái: Thu cả trăm triệu mỗi năm nhờ biến lá cây thành tiền

Bên cạnh việc trồng tre Bát Độ lấy măng, ngày nay thương lái còn thu mua cả lá tre, nhiều người đi hái lá tre bán thu cả trăm triệu đồng mỗi năm…

Tại một số xã như Kiên Thành, Hồng Ca, Hưng Khánh… (huyện Trấn Yên, Yên Bái), trồng tre Bát Độ hiện phát triển khá mạnh. Nếu như trước đây người trồng tre Bát Độ chỉ thu hoạch măng bán theo mùa vụ thì ngày nay, từ những chiếc lá tre tưởng như bỏ đi, người dân thu hái về bán cho thương lái mang lại khoản thu nhập cao cho gia đình.

Thu hái lá tre Bát Độ tươi, anh Lê Quang Thành tại thôn Quyết Thắng (xã Y Can, huyện Trấn Yên) cho biết: “Tôi trồng tre Bát Độ từ năm 2003, đến năm 2006 bắt đầu cho thu hoạch. Lúc đầu gia đình chỉ thu măng bán, đến năm 2008 có thương lái từ Phú Thọ lên liên hệ thu mua lá tre tươi. Lúc đấy, không nghĩ giá trị kinh tế lá tre mang lại cao, nhà lại nhiều việc làm không hết nên tôi để thương lái tự do lên đồi thu hái lá.

Với suy nghĩ họ đi mua còn làm được, nhà mình có sẵn sao mình không làm, tôi quyết định tự thu hái lá để bán năm 2012. Lúc đó giá thu mua chỉ 4.000 đồng/kg lá thôi. Sau một năm thu lá bán, tôi thấy thu nhập cao nên từ đó tôi chuyển sang chăm sóc, phát triển cây để thu lá”.

Tới thời điểm hiện tại, gia đình anh Thành có khoảng 3ha đất trồng tre Bát Độ, hàng năm thu một phần măng bán, số măng còn lại anh để cho lên cây thu lá bán, cuối năm chiết cành giống bán cho người dân trồng.

Tận mắt chứng kiến những gốc tre lá xanh tốt, anh Thành nói thêm: “Nếu khai thác măng thì chỉ khoảng 3 tháng là hết vụ. Giờ tôi để lên cây hái lá, việc làm quanh năm, cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Những tháng cuối năm người dân đặt mua giống nhiều, một mình làm không hết việc tôi phải thuê người làm cùng”.

Năm 2022, với mức giá từ 15.000- 17.000 đồng/kg lá, 3ha tre Bát Độ, anh Thành thu khoảng 80 triệu đồng tiền bán lá, khoảng 120 triệu đồng tiền bán tre giống. Ngoài ra, anh còn thu thêm tiền từ bán măng và nguyên liệu gỗ tre cho nhà máy giấy. Sau khi trừ hết chi phí, với 3ha tre Bát Độ, năm 2022 anh thu về khoảng 200 triệu đồng.

Chị Đỗ Thị Cúc – người đã trồng tre Bát Độ được 7 năm chia sẻ : “Thấy mọi người bán lá tre mang lại thu nhập cao nên năm 2015 tôi cũng trồng tre Bát Độ. Khoảng 1,5ha keo đến tuổi, tôi khai thác và trồng lại bằng toàn bộ tre, đã cho thu lá được 5 – 6 năm nay.

Mùa nào việc nấy, mùa măng khai thác măng, ngày rảnh rỗi lại hái lá. Cuối năm thì chiết cành giống bán, vợ chồng tôi làm không hết việc. Với 1,5ha tre, mỗi năm tôi thu từ 60 – 70 triệu đồng tiền bán lá. Chăm lá tốn ít công mà không lo đầu ra, hái đến đâu có người thu mua hết đến đó, chỉ sợ không có lá mà bán”.

Một thương lái chuyên đi thu mua lá tre Bát Độ – chị Hoàng Thị Ánh Nguyệt chia sẻ: “Ngày trước lá tre được thương lái các tỉnh bạn đến thu mua, người dân bị ép giá nên giá thành thấp. Vậy nên không ai chú trọng việc thu hái lá bán mà tập trung chủ yếu vào làm măng. Thấy nguồn lá tre dồi dào, tôi sang Tuyên Quang, Hà Giang tìm đầu ra cho sản phẩm rồi về thành lập cơ sở thu mua tại địa phương.

Tôi đang thu mua lá tre với mức giá 15.000 đồng/kg. Mỗi ngày, cơ sở của tôi thu mua từ 1,2 – 1,5 tấn lá tre tươi, có ngày nhiều lên đến trên 2 tấn lá. Diện tích tre nhiều nên mọi người hái không xuể. Hiện ở địa phương giờ cũng có thêm mấy cơ sở thu mua nữa.”

Khi được hỏi thu mua lá tre Bát Độ rồi xuất đi những đâu, có biết họ mua lá để làm gì không? Chị bảo: “Tôi cũng không rõ lắm, hàng ngày thua mua lá tre cho bà con xong, tôi chở sang giao cho cơ sở bên Hà Giang, Tuyên Quang. Các cơ sở thu mua ở đó cho biết mua lá tre để xuất bán sang Đài Loan và Trung Quốc, vì bên đấy họ mua lá tre về làm bánh, còn thực hư họ dùng làm gì, như thế nào thì không ai rõ…”.

Với diện tích trên 1.900ha tre Bát Độ cho sản lượng lá nhiều, nghề thu hái lá tre “biến lá cây thành tiền” mang lại một khoản thu nhập cao cho người trồng tre Bát Độ.

Bài viết cùng chủ đề: