Đây là mô hình nuôi cá “sông trong ao” được anh Lưu Văn Dũng, thôn Quang Xá, xã Quang Hưng, huyện Phù Cừ (Hưng Yên) áp dụng thành công, cho doanh thu gần chục tỷ đồng mỗi năm.

“Bể cá thần” kỳ diệu này rộng vỏn vẹn 100 m2 nhưng có thể nuôi được lượng cá gấp 20 lần so với ao thường, giúp tiết kiệm diện tích và nước nuôi cá. Điều quan trọng là “bể cá thần” này giúp nhà nông lãi đậm.

Trang trại nuôi cá-nơi có “bể cá thần” của anh Lưu Văn Dũng nằm trong cánh đồng canh tác tập trung của thôn Quang Xá. Khu vực này được địa phương “quy hoạch” là nơi sản xuất của hàng chục gia đình, vừa trồng lúa, cây ăn quả, chăn nuôi và đặc biệt là nuôi thủy sản.

Gia đình anh Dũng là hộ nuôi cá lớn nhất trong vùng với gần 25 ao lớn, nhỏ. Anh Dũng vừa sản xuất cá giống, vừa nuôi cá thịt thương phẩm. Là người có kinh nghiệm nên các ao nuôi cá được anh Dũng xây khá bài bản: bờ ao được gia cố bằng bê tông; hệ thống cấp, thoát nước khá đồng bộ; trên bờ là những hàng cây ăn quả xanh mướt…

Mô hình nuôi cá “sông trong ao” của anh Lưu Văn Dũng khi đang xây dựng (ảnh trên) và khi đã hoàn thiện, đi vào sản xuất (ảnh dưới).

Anh Dũng cho biết: Phương pháp nuôi cá “sông trong ao”, mới được anh tìm hiểu và áp dụng từ đầu năm nay. Trong ao nuôi rộng 2.000 m2, một chiếc bể hình chữ nhật được xây bằng bê tông, có kích thước rộng 5 m, dài 20 m và sâu 2 m. Một đầu bể được lắp đặt hệ thống bơm nước, kết hợp sục không khí. Đầu còn lại sẽ được lắp lưới ngăn cá và hệ thống lắng phân cá cùng các chất thải khác, được hút ra ngoài theo định kỳ.

Với cách nuôi này, nước ao được bơm liên tục qua bể, biến thành “con sông nhân tạo” chảy không ngừng, tăng lượng ô xy. Nhờ đó, cá được sống trong môi trường như nuôi trên lồng bè trên sông, nhưng không phải tiếp xúc với bùn và các tác nhân gây bệnh. Cá phát triển nhanh, đồng đều, ít mắc bệnh; thịt cá ngon và hoàn toàn sạch.

Hệ thống bơm nước, kết hợp sục không khí là để tăng cường ô xy và tạo dòng chảy cho “sông cá”.

Mật độ cá nuôi trong “bể cá thần” dày đặc gấp 10 đến 20 lần (tùy loại cá) so với ao thông thường và có thể nuôi được nhiều loại cá khác nhau, chủ yếu là cá đặc sản, giá trị cao. Phần ao còn lại sẽ được thả các loại cá có đặc tính ăn tạp, hoặc tôm để tận dụng các loại chất thải dư thừa.

Quan trọng hơn cả, mô hình còn lắp đặt máy cho cá ăn tự động, được lập trình sẵn để kiểm soát, tùy chỉnh thời gian, tần suất thức ăn cho cá. Đến giờ cá ăn, sau cái “bấm máy” của anh Dũng, thức ăn tự động được vãi đều ra khu bể nuôi. Nhìn tận mắt, dưới mặt nước nhỏ hẹp ấy, hàng vạn con cá nổi lên mặt nước đua nhau đớp mồi, trông rất thú vị.

Được biết, cá thịt thương phẩm được anh Dũng xuất bán tới các siêu thị, nhà hàng và nhiều bếp ăn tập thể theo hợp đồng hàng năm; giá bán ổn định và phù hợp với chất lượng sản phẩm. Mong muốn của anh là mọi người tiêu dùng đều có thể được sử dụng cá an toàn, được cung ứng với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Dưới mặt nước nhỏ hẹp, hàng vạn con cá nổi lên mặt nước đua nhau đớp mồi, trông rất thú vị.

Mỗi năm, gia đình anh Dũng xuất bán ra thị trường từ 100 đến 150 tấn cá giống, hàng trăm triệu con cá bột và khoảng 100 tấn cá thịt thương phẩm. Tổng doanh thu từ bán các loại cá trên dưới 10 tỷ đồng, trừ chi phí anh Dũng “nhẹ nhàng” bỏ túi trên 1 tỷ đồng.

Một số hình ảnh về mô hình nuôi cá mới lạ, độc đáo và rất hiệu quả của anh Lưu Văn Dũng.

Hệ thống cho cá ăn tự động, có thể kiểm soát, tùy chỉnh thời gian, tần suất…

Phân cá được thu gom lại, tận dụng làm nguồn dinh dưỡng hữu cơ sạch để bón cho cây ăn quả.

Để xây dựng mỗi “sông cá” cần trung bình 200 triệu đồng, hiện anh Dũng đã làm được 2 ao nuôi như vậy. Mục tiêu của anh sẽ tạo dòng sông cho tất cả 25 ao cá hiện có của gia đình.

Trang trại của anh Lưu Văn Dũng đang áp dụng quy trình nuôi thủy sản an toàn VietGAP, với các tiêu chí: môi trường nước an toàn – thức ăn an toàn – không chất cấm – không tồn dư kháng sinh – con giống chất lượng cao.

Ngoài sản xuất giỏi, anh Lưu Văn Dũng luôn tận tình hướng dẫn các hộ nuôi cá trong thôn kinh nghiệm nuôi trồng và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, anh đã được các cấp chính quyền, ngành, đoàn thể của tỉnh và Trung ương tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen. Đặc biệt, mới đây anh còn được Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên lần thứ IX tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành, nhiệm kỳ 2018 – 2023.