Dạy con làm toán, vừa quay đi vài phút đã thấy con lén lấy máy tính ra bấm và ghi vào bài. Sang bài tập làm văn, trước yêu cầu tả cô giáo, con chỉ tỉnh bơ: “Lâu không tới trường, con quên mặt cô rồi”.

Mỗi lần kèm con học như vậy, đầu tôi như phát điên.

Trên thực tế, đã xảy ra nhiều trường hợp khi dạy con, do không kiềm chế được cảm xúc, nhiều ông bố, bà mẹ đã to tiếng, dọa nạt, thậm chí đánh con khi con chậm hiểu hoặc mất tập trung trong quá trình học.

Trẻ em – đặc biệt là các bé mới “chân ướt chân ráo” bước vào tiểu học, vẫn còn nhỏ, ham chơi và lơ đãng. Việc cha mẹ gây áp lực, đe dọa dùng bạo lực… khi kèm cặp con học sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý của các em.

Dạy con như “trực chiến”

Lo con sẽ rơi rụng kiến thức vì nghỉ dịch và nghỉ hè quá lâu, phụ huynh Nguyễn Thị Phúc (Gia Lai) đã quyết định dành ra 2 tiếng mỗi tối để cùng con ôn luyện môn Toán và Tiếng Việt. Tuy nhiên, cậu con trai tỏ ra không hề thích thú.

“Ăn tối xong, con ngồi vào bàn học với tâm trạng miễn cưỡng. Bảo làm toán, vừa quay đi vài phút đã thấy con lén lấy máy tính của bố ra bấm và ghi vào bài. Sang bài tập làm văn, tôi yêu cầu con tả cô giáo thì con tỉnh bơ: “Lâu không tới trường, con quên mặt cô giáo rồi”.

Mỗi lần kèm con học bài, đầu tôi điên lên và như quả bom chỉ chờ phát nổ” – chị Nguyễn Thị Phúc chia sẻ.

Phụ huynh Đinh T.M. (Hải Phòng) cũng chia sẻ về “hành trình gian truân” khi kèm con trai học bài, cậu bé liên tục kêu mỏi tay, đói, hay “câu giờ” bằng cách chạy ra tìm tẩy, tìm bút, quát chó…

“Có một lần ngồi kèm con học hơn 2 tiếng mà con chỉ làm được đúng một bài toán. Trong khi đó, phiếu bài tập của cô giáo yêu cầu con phải hoàn thành 3 bài. Bài thì nhiều mà tâm trí con cứ treo trên mây, tôi “phát điên” lên, đập tay xuống bàn ầm ầm, miệng liên tục mắng con học dốt. Cơn điên lên đến đỉnh điểm, tôi cầm cuốn vở của con và vứt thẳng ra ngoài”.

Tương tự, phụ huynh Mạnh Tùng (Quảng Ninh) cũng ví mỗi buổi tối dạy con học bài là một “trận chiến”. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở thái độ bực tức, cáu kỉnh hay quát tháo, vị phụ huynh này thậm chí còn dùng đến đòn roi bởi cảm thấy thực sự… bất lực.

Anh Mạnh Tùng giãi bày, mặc dù đã cố gắng hướng dẫn, làm mẫu nhiều lần nhưng cô con gái đang độ tiểu học chỉ biết “tròn mắt” nhìn theo đầy ngơ ngác. Khi bố hỏi hiểu chưa thì con bảo hiểu rồi, song lúc đặt bút xuống làm bài thì lại sai. Có lúc, con trả lời miệng một đằng nhưng viết vào bài lại một nẻo.

“Tôi điên tiết kinh khủng. Cầm chiếc thước, tôi liên tục vụt vào tay con và nói: “Học dốt thế này thì ở nhà chăn trâu”. Con bé òa lên khóc, tôi càng bực, trợn mắt, chỉ ngón tay trỏ vào mặt và bắt con im”.

Đây có lẽ chỉ là 3 trong số hàng nghìn câu chuyện “dở khóc dở cười” khi kèm con học bài mà các bậc phụ huynh đã gặp phải. Nhiều người làm cha, làm mẹ đều có chung cảm nhận, việc kèm cặp con học “tra tấn” họ đến phát điên. Thậm chí, một số phụ huynh còn nói vui, khi dạy con học, để không bị “tăng xông” hay lên cõi bất tử, họ cần phải… tự trói tay hay cho đầu vào trong tủ lạnh.

“Tôi hối hận về những lần đánh mắng khi dạy con học bài”

Tuy nhiên, đằng sau những phút giây nóng giận, những bậc phụ huynh này lại cảm thấy hối hận khôn cùng.

Phụ huynh Đinh T.M. kể lại, sau khi nghe tiếng mắng kèm tiếng đập bàn ầm ầm của mẹ, cậu con trai chỉ biết cúi mặt xuống, nước mắt lã chã rơi.

“Giờ nghĩ lại hành động của mình hôm ấy với con, tôi thấy áy náy vô cùng. Chỉ trong phút chốc, tôi bỗng trở thành bà mẹ “hung dữ”, không thể kiểm soát cảm xúc và hành vi của mình. Không biết sau lần đó, con trai sẽ nghĩ gì về tôi nữa”.

Rơi vào cảm xúc tương đương, phụ huynh Mạnh Tùng chia sẻ: “Tôi không hối tiếc gì ở cuộc đời này dù đã nhiều lần vấp ngã. Tuy nhiên, điều khiến tôi hối hận nhất là những lần tôi bực bội và đánh mắng con. Sau những lần đó, tôi chỉ ước giá lúc ấy mình có thể bình tĩnh hơn. Nhưng thực sự rất khó, áp lực cuộc sống, cơm áo gạo tiền, lại thêm chuyện học của con… khiến đầu óc tôi quay cuồng…”.

Trong một lần đi họp phụ huynh, phụ huynh Hương Giang nhận được một bức thư của con trai đang học lớp 8. Trước đó, cô giáo yêu cầu mỗi bạn viết một lá thư “nói nên những lời em chưa từng nói với bố mẹ”.

“Trong thư, con trai tôi viết: “Con cảm ơn bố vì những lần kèm con học đã không quát mắng, đánh chửi con”. Con chỉ viết vài dòng như thế, không hề đề cập hay oán trách mẹ – một người cứ dạy học là lại đánh con như cơm bữa . Thế mới biết, trẻ con bao dung đến nhường nào. Chúng chỉ biết nói lời cảm ơn mà không hề biết than trách. Chỉ có người lớn ích kỷ, luôn đổ lỗi và đè nặng áp lực lên vai các con”.

Bố mẹ hãy để con “bay”

“Bố mẹ càng giục, con càng không muốn làm”. Có lẽ, đây là tâm trạng chung của nhiều em nhỏ. Trên thực tế, khi một đứa trẻ phải đối mặt với bài tập hay việc học hành, phản ứng đầu tiên của não bộ sẽ là từ chối thay vì hành động. Khi đó, cơn tức giận của bố mẹ cũng chỉ là vấn đề thời gian.

Sau khi đọc được những dòng tâm sự của con trai, phụ huynh Hương Giang nhận ra, việc đóng vai “mẹ hổ” thật đau đớn nhưng lại chẳng đem lại kết quả. Vì vậy, chị bắt đầu thay đổi chiến lược dạy con. Thay vì quát mắng, vị phụ huynh này đã sử dụng những lời khen để truyền cảm hứng cho trẻ.

“Con viết đoạn văn này hay rồi, nhưng nếu trau chuốt thêm chút nữa thì sẽ tốt hơn”, “Bài toán này chắc con sẽ giải trong tích tắc như giải khối rubik nhỉ?” (con có niềm đam mê với rubik). Sau khi được khen ngợi, con trai tôi hiển nhiên có tâm trạng làm bài và vẻ mặt lộ rõ vẻ thích thú, quyết tâm” – chị Giang cho biết.

Phụ huynh Xuân Trường (Hải Phòng) chia sẻ về câu chuyện thực tế của gia đình mình: “Tôi ít khi để vợ dạy con học, vì vợ tôi theo chủ nghĩa hoàn hảo, thấy con sai chút là chê bai, quát mắng làm con nhụt chí. Tuổi còn nhỏ, tư duy chưa hoàn thiện, sao bắt con phải “học một hiểu mười” được?

Trong khi đó, cách dạy con của tôi lại khác. Tôi để con làm bài, sai đâu chỉ con sửa đó. Tôi cũng hay đặt ra phần thưởng như: đi xem phim, đi công viên… để động viên mỗi khi con làm đúng các bài tập. Hiện tại, kết quả học tập của con luôn đứng top 5. Ở lớp cô giáo cũng khen con tự lập và chịu khó học bài”.

Cảm phục trước những ông bố, bà mẹ kiên nhẫn đồng hành cùng con trong quá trình học, song nhà giáo Vũ Thu Hương (giáo viên cấp 2 môn Ngữ Văn, Nam Định) bày tỏ: “Là một người thầy, và cũng là một người mẹ, tôi nghĩ ba mẹ nên định hướng cho các bé biết cách tự học. Hãy phân tích với con, việc học là của các con, con phải biết tự chịu trách nhiệm với kết quả của mình. Cha mẹ nên đứng từ sau để quan sát và động viên, thay vì ngồi kè kè ở bên ép con học.

Bố mẹ chỉ cần là tấm gương về cách đối nhân xử thế, là nơi bình yên cho con tìm về. Còn lại, cả một quãng đường phía trước, cha mẹ hãy để con tự lập, trải nghiệm và trưởng thành”.