Nhiều hạng mục trên cầu Thanh Trì hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông, UBND TP Hà Nội đã duyệt chi gần 120 tỷ đồng để sửa chữa cây cầu này.

Theo lãnh đạo Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội, hiện tại, toàn bộ 378 gối cầu cao su bản thép, 180/198 gối cầu nhịp dầm liên tục đúc trên đà giáo cầu Thanh Trì đã bị phồng, rạn nứt bề mặt. Một số gối đang làm việc ở trạng thái bị nghiêng do chuyển vị của kết cấu nhịp.

Cầu được khánh thành và đi vào khai thác vào 2/2007. Trên cơ sở báo cáo kết quả Kiểm định, đánh giá tổng thể tình trạng kỹ thuật các hạng mục mặt cầu, dầm, trụ, gối cầu, khe co giãn của cầu Thanh Trì năm 2023, Sở GTVT đã đề xuất và được UBND Thành phố cho phép triển khai thực hiện Dự án sửa chữa kết cấu nhịp, gối, trụ đảm bảo an toàn khai thác cầu Thanh Trì.

Dự kiến, tổng kinh phí sửa chữa gần 120 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP Hà Nội, thời gian thực hiện dự án trong năm 2024 đến 2025.


Cầu Thanh Trì có tổng chiều dài 12,8 km, điểm đầu tại Pháp Vân (quốc lộ 1A) và điểm cuối tại thị trấn Sài Đồng, Gia Lâm (giao cắt quốc lộ 5). Thời điểm đưa vào khánh thành, đây là cầu bêtông cốt thép dự ứng lực dài, rộng nhất Việt Nam với chiều dài cầu chính vượt sông là 3.084 m, rộng 33,1 m với 6 làn xe chạy (bốn làn cao tốc). Dự án sử dụng nguồn vốn vay tín dụng ODA của Chính phủ Nhật và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với tổng mức đầu tư 7.500 tỷ đồng.

Cầu Thanh Trì giúp giải tỏa sức ép giao thông đang đè nặng lên cầu Chương Dương (Hà Nội), đồng thời phân bổ và giảm bớt đáng kể lưu lượng xe, nhất là xe tải, lưu thông qua nội thành Hà Nội.

Cây cầu nối quốc lộ 5 với quốc lộ 1 thông qua đường vành đai 3 (Hà Nội) tạo sự liên kết vùng tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh với trục giao thông Bắc – Nam, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của khu vực.

Thời gian qua, cầu Thanh Trì trở thành “điểm đen” về ùn tắc giao thông, bởi mỗi ngày có hơn 124.000 lượt phương tiện, trong khi theo thiết kế ban đầu là 25.000 lượt phương tiện/ngày.