Hàng loạt hầm bộ hành trên tuyến vành đai 3 trong tình trạng sạch sẽ, thông thoáng, mát mẻ luôn sẵn sàng phục vụ người dân, song người đi bộ vẫn “chê” không sử dụng.
Hầm bộ hành ở Hà Nội sạch sẽ thoáng mát vẫn bị “chê”
Đường vành đai 3 là tuyến đường có lưu lượng xe cộ đông đúc của Hà Nội. Các đường Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng có 17 hầm bộ hành giúp người dân sang đường an toàn và bảo đảm tốc độ lưu thông cho các phương tiện.
Vào những ngày hè nóng nực, đi bộ dưới hầm để sang đường là một trải nghiệm dễ chịu, văn minh và an toàn. Lối đi lại lúc nào cũng sạch sẽ, tuy nhiên nhu cầu đi bộ của người dân Thủ đô là không nhiều trong khi xe máy lại quá nhiều.
Mỗi hầm trên đường vành đai 3 đều có phòng cho người trực và thu dọn vệ sinh. Các công nhân cho biết, họ dọn rác bất kỳ lúc nào nếu thấy bẩn.
Các kiểu đèn chiếu sáng khác nhau dưới hầm.
Các cửa hầm có cửa kéo bằng sắt. Hầm được các nhân viên trực khóa lại lúc 22h hàng ngày.
Cửa hầm có ở hai bên tuyến đường vành đai 3, và cũng có 2 kiểu hình dáng khác nhau. Điểm chung là đều có 2 lối cầu thang xuống hầm từ 2 hướng.
Người dân sang đường qua một cửa hầm đi bộ đoạn ngã tư Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến.
Tại nút giao Ngã Tư Sở, một hầm dành cho người đi bộ và xe đạp qui mô nhất thành phố đã đi vào hoạt động 15 năm. Đến nay, người dân đã dần quen với việc sang đường đi dưới hầm, lượng người sử dụng tăng lên.
Hầm Ngã Tư Sở dài gần 500m đi theo vòng tròn với các cửa đặt 4 góc đường Tây Sơn – Láng, Láng – Nguyễn Trãi, Nguyễn Trãi – Trường Chinh, Trường Chinh – Tây Sơn. Hầm được khá nhiều người dân ưa thích sử dụng, khác với sự vắng vẻ ở các hầm trên tuyến đường vành đai 3.
Hầm Ngã Tư Sở có tổng có 12 cửa lên xuống, người đi lại đông đúc nhất vào giờ tan tầm buổi chiều, buổi trưa khá đông học sinh.