Nuôi dúi với hàng ngàn con mà mỗi năm thu tiền tỷ-đó là mô hình làm kinh tế của chị Phạm Thị Thanh.

Theo như cách gọi của người dân nơi đây thì những con dúi này là loài thú biết ăn xương trâu, bò, ăn cỏ voi, tre, nứa như ranh nên nuôi không tốn tiền.

Tỷ phú nuôi dúi rừng là chị Phạm Thị Thanh, tiểu khu 1, thị trấn Phù Yên, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Trước đây, chị Thanh là công chức nhà nước nên công việc khá bận rộn.

Với đồng lương ít ỏi hàng tháng của một công chức không đủ để nuôi các con ăn học nên chị Thanh sớm quyết định giành thời gian rảnh rỗi để nuôi lợn.

Thời gian đầu, giá lợn ổn định nên công việc nuôi lợn cũng giúp gia đình chị Thanh có thêm nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Chia sẻ cơ duyên đến với nghề nuôi dúi, chị Thanh cho hay, nghề nuôi dúi đến với chị cũng rất tình cờ. Em chồng chị làm giáo viên dạy học ở vùng sâu, vùng xa. Thỉnh thoảng, lại mua được vài con dúi rừng của người dân bắt được mang về nhà.

“Với suy nghĩ, nếu bà con cứ bắt dúi rừng như vậy thì chẳng mấy mà loài dúi tuyệt chủng. Bởi vậy, em chồng tôi đã nảy sinh ý định thuần hóa dúi rừng để cung cấp ra thị trường. Khi đó, vợ chồng tôi cũng lấy vài cặp dúi rừng của em chồng về nuôi thử với ý định ban đầu chỉ là nuôi chơi…”, chị Thanh nhớ lại.

Sau thấy dúi dễ nuôi, đầu tư chi phí ban đầu không nhiều nên vợ chồng chị quyết định học hỏi trên sách báo, Internet về kỹ thuật nuôi dúi. Đồng thời, bỏ vốn đầu tư xây dựng hệ thống chuồng nuôi dúi, mua dúi giống về nuôi. Lúc đầu, vợ chồng chị chỉ nuôi vài cặp dúi, sau đó tăng lên chục cặp, rồi lên vài trăm con.

Năm 2017 – 2018, giá lợn hơi tụt dốc không phanh, bán lợn rẻ như cho, thậm chí có nhà mang lợn giống đi cho không ai lấy. Cùng chung cảnh ngộ như nhiều hộ chăn nuôi lợn khác, gia đình chị Thanh lao đao, gần như mất trắng toàn bộ số vốn đầu tư vào nuôi lợn.

Chị Thanh nhận thấy nuôi dúi đơn giản, hiệu quả kinh tế cao và không tốn nhiều công sức, không tốn tiền mua thức ăn chăn nuôi như nuôi lợn.

Bàn với chồng, chị Thanh quyết định chuyển sang nuôi dúi. Chị chạy khắp nơi vay mượn vốn người thân, bạn bè và vay thêm ngân hàng để đầu tư nuôi loài thú ăn trẻ, nứa này.

Với số vốn vay mượn hơn 1 tỷ đồng, gia đình chị Thanh đầu tư xây dựng hệ thống chuồng nuôi dúi, hệ thống mái che, hệ thống điện chiếu sáng, điện sưởi, máy điều hòa, quạt mát để nuôi dúi.

Chị Thanh cho biết: Đặc tính của con dúi là sống trong bóng tối, không để ánh nắng mặt trời lọt vào. Loài vật này không thích tiếng ồn, không chịu được nhiệt độ nóng.

Theo chị Thanh, nhiệt độ thích hợp để dúi sinh trưởng và phát triển tốt là từ 20 độ C – 28 độ C. Chính vì vậy, gia đình chị mới làm chuồng nuôi dúi rất bài bản từ mái che, hệ thống phun sương, các tấm lợp giảm nhiệt, máy điều hòa, quạt hơi nước…

Làm chuồng nuôi dúi đảm bảo chuồng trại thật kín đáo, sạch sẽ, không bị mưa tạt, gió lùa…Để đảm bảo nhiệt độ ổn định cho đàn dúi, chị lắp thêm 2 nhiệt kế theo dõi nhiệt độ, điều chỉnh cho thích hợp.

Để có nguồn thức ăn quanh năm cho đàn dúi, chị Thanh thuê hàng xóm 3.000 m2 đất để trồng mía và cỏ voi.

Ngoài ra, đến mùa măng, mùa ngô, chị Thanh lại mua thêm vỏ măng và ít ngô để dúi có thêm chất dinh dưỡng, sinh sản và lớn nhanh hơn. Thỉnh thoảng, chị Thanh mua thêm xương lợn, xương trâu, xương bò về cho dúi gặm thêm để bổ sung thêm can xi cho cơ thể.

Theo chị Thanh, dúi có nhiều loài khác nhau. Đó là dúi nâu, dúi mốc, dúi má đào. Hiện, gia đình đang nuôi dúi mốc và dúi má đào với quy mô khoảng gần 2.000 con. Trong đó, nuôi dúi mốc là chủ yếu, dúi má đào gia đình nuôi ít vì hiệu quả kinh tế không cao dù thịt ngon hơn dúi mốc.

Chia sẻ bí quyết về kỹ thuật nuôi dúi, chị Thanh tiết lộ: Chuồng nuôi dúi được thiết kế đơn giản, không tốn nhiều diện tích. Với diện tích 100m2 có thể nuôi được 400 con dúi. Chuồng nuôi dúi có thể xây hoặc đổ tấm bê tông gắn lại với nhau theo kích thước cao 60cm, rộng 50 cm và dài 50 cm.

Tuy nhiên, chuồng nuôi dúi phải kín gió, bố trí nơi ít tiếng động, không bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào. Mặt khác, cần tránh việc để dúi ăn thức ăn bị mốc, úa vàng, chua.

Hiện nay, hệ thống chuồng nuôi dúi của gia đình chị Thanh có 2 loại. Loại thứ nhất là chuồng phối giống. Đây là loại chuồng phổ biến và đa năng nhất, được ghép những viên gạch kích thước 50×50 với nhau, tạo thành từng ô vuông.

Làm chuồng dúi kiểu này vừa đỡ tốn diện tích vừa đảm bảo độ thoáng mát. Loại chuồng này chỉ nuôi 1 con – 2 con/chuồng.

Loại thứ 2 là chuồng nuôi dúi tập trung, dúi thương phẩm. Sau khi dúi con được 3 tháng tuổi trở lên sẽ tách khỏi dúi mẹ và nuôi đến lúc lớn xuất bán thịt hoặc chọn lọc để làm dúi giống.

Chuồng dúi có kích thước dài từ 2 m – 3 m, rộng 1 m – 2m, cao khoảng 0.5m. Chuồng này có thể nuôi từ 10 con – 20 con/chuồng.

Mỗi năm, dúi mẹ đẻ 4 lứa, mỗi lứa từ 2 con – 5 con. Dúi giống sau 3 tháng xuất chuồng có thể đạt 500 g – 700g. Dúi thịt thương phẩm nuôi 7 tháng có thể xuất chuồng, trọng lượng đạt 1,5kg. Hiện nay, chị Thanh đang nuôi chủ yếu bán dúi giống và bán dúi thịt.

“Nuôi dúi đến đâu bán hết đến đấy. Hiện, cung vẫn không đủ cầu. Khách hàng có nhu cầu mua dúi giống phải đặt hàng trước”, chị Thanh nói.

Hiện nay, giá bán dúi thịt là 420.000 đồng/kg, dúi giống từ 1,5 triệu đồng – 1,8 triệu đồng/cặp tùy trọng lượng. Sau khi trừ chi phí, chị Thanh lời khoảng 1,5 tỷ đồng/năm.

Nguồn thu có được từ nuôi dúi, gia đình chị Thanh đã trả hết những khoản vay trước đây. Hiện tại, chị Thanh đã liên kết tiêu thụ dúi thịt với nhiều nhà hàng, khách sạn tại Phù Yên và nhiều tỉnh, thành trong nước.

Để cung cấp thêm thức ăn xanh cho đàn dúi hàng ngàn con, chị Thanh đã trồng bạt ngàn cỏ voi…

Chị Thanh bộc bạch: Tôi hy vọng rằng thông qua mô hình nuôi dúi của gia đình sẽ là một trong những gợi ý để các hộ khác chưa có định hướng cho công việc trong tương lai, hoặc chưa có việc làm ổn định.

Gia đình tôi sẵn sàng chia sẻ quy trình chăm sóc cũng như bí quyết nuôi dúi mà bản thân tôi đã áp dụng từ thực tiễn trong hơn 5 năm qua cho những ai có nhu cầu…”.