Trần Anh Hùng thẳng thắn chia sẻ quan điểm về phim chất lượng nhưng kén khán giả, cách ông giữ vững lập trường để làm nên những bộ phim “hoàn hảo” về mặt nghệ thuật, bất chấp kinh phí eo hẹp.

Trần Anh Hùng: “Tôi hơi tiếc khi nhà đầu tư chỉ quan tâm phim đẻ ra tiền”

Đạo diễn Trần Anh Hùng vừa có chuyến trở về Việt Nam để quảng bá phim Muôn vị nhân gian – tác phẩm giúp ông đoạt giải Đạo diễn xuất sắc tại LHP Cannes 2023.

Trong sự nghiệp điện ảnh vang danh suốt 3 thập niên, Trần Anh Hùng được biết đến với phong cách làm phim đậm ngôn ngữ nghệ thuật, đề cao tính thẩm mỹ, thậm chí không ngại chọn những chủ đề kén khán giả.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Trần Anh Hùng cho biết mỗi đạo diễn đều có những sự lựa chọn riêng. Làm phim đã khó, làm phim nghệ thuật lại khó gấp nhiều lần. Song, không vì thế mà ông lung lay quan điểm.

Trong bối cảnh phim Việt có nhiều tác phẩm hàng trăm tỷ đồng, Trần Anh Hùng cho rằng đây là điều đáng khích lệ. Tuy nhiên, ông nói thêm: “Những người làm phim nghệ thuật. họ cũng phải tiếp tục làm phim nghệ thuật. Nền điện ảnh cần có phim giải trí, nhưng cũng cần có cả phim nghệ thuật”.

“Giải thưởng không phải tất cả”

Trần Anh Hùng đã quảng bá bộ phim “Muôn vị nhân gian” gần 1 năm. Cảm xúc của ông thế nào?

– Vui nhưng mệt. Phim đi qua rất nhiều nước trong 8 tháng và tôi hạnh phúc khi được kết thúc chặng hành trình ở Việt Nam. Tôi nghĩ hiện tại cũng là lúc thuận tiện nhất để tôi về Việt Nam gặp gỡ khán giả trong nước.

Ông nói gì về giải thưởng Đạo diễn xuất sắc tại LHP Cannes 2023?

– Mỗi giải thưởng mà tôi nhận được đều là sự bất ngờ vì đây là điều mình không thể nào lường trước được, đó là sự may mắn.

Nhưng với tôi, giải thưởng không phải là tất cả giá trị. Giải thưởng được tạo ra bởi sự quyết định của một số người trong hội đồng giám khảo. Nó mang đến cho tôi niềm vui, là động lực để giúp tôi làm dự án mới được nhanh hơn, có ngân sách lớn hơn.

Nếu là thành viên trong hội đồng giám khảo của một LHP phim, ông sẽ chọn tác phẩm như thế nào để trao giải?

– Điều này rất khó nói. Mỗi người trong Ban giám khảo có cái nhìn khác nhau về điện ảnh. Có những người thích chủ đề thời cuộc. Tôi nằm trong số ít những người muốn trao giải cho phim có chất lượng cao về nghệ thuật điện ảnh.

Phim về đề tài thời sự có thể quan trọng trong hiện tại, nhưng 25 năm nữa sẽ không còn hợp thời. Còn những phim chứa đầy chất điện ảnh sẽ sống được lâu hơn.

8 năm là khoảng cách giữa 2 bộ phim gần nhất của Trần Anh Hùng. Ông đã làm gì trong khoảng thời gian đó?

– Đó là sự mất mát. Tôi mất đi tuổi, sức khỏe, mất năng lượng. Tôi muốn khoảng 2 năm mình sẽ làm được một phim. Đó là nhịp rất tốt. Nhưng mong muốn này không thành. 8 năm, trừ 2 năm Covid-19, còn 6 năm cũng là khoảng thời gian rất dài. Tôi mong phim tới sẽ được làm nhanh hơn.

“Yên Khê là… nạn nhân khi tôi làm phim với kinh phí eo hẹp”

Người ta khen Trần Anh Hùng giỏi khi làm được một bộ phim chất lượng với kinh phí ít ỏi. Còn ông nghĩ sao?

– Đáng lẽ bộ phim Muôn vị nhân gian được quay với 14 triệu USD, nhưng cuối cùng chi phí sản xuất chỉ là 4,7 triệu USD. Lúc nhận được con số kinh phí, tôi suýt nữa đã từ chối. Nhưng cuối cùng Yên Khê khuyên tôi nên làm. Tôi phải cắt một số cảnh, sắp xếp lại kịch bản.

Chính Yên Khê là “nạn nhân” lớn nhất cho chuyện làm phim với điều kiện kinh phí eo hẹp. Lấy sức người để bù đắp cho chuyện thiếu tiền nên vợ tôi phải đi cấp cứu 2 lần trong thời gian quay phim. Tôi sẽ không bao giờ làm thêm một dự án nào trong điều kiện vất vả như vậy. Cảm giác khi quay xong phim, 4 tháng sau, tôi vẫn nguyên sự mệt mỏi về phim đó.

Trần Anh Hùng xử lý ánh sáng ra sao trong tác phẩm này?

– Những phim về ẩm thực thời nay thường quay món ăn với ánh đèn trắng sáng, tạo độ chân thật của món ăn đó. Nhưng ánh sáng trắng lại hơi “sạch sẽ” quá. Tôi muốn ánh sáng trong phim này khác đi một chút, có độ nhạy cảm trong đó.

Đó cũng là lý do tôi lựa chọn bối cảnh cuối thế kỷ 19. Tôi hình dung không gian phim ở trong tòa lâu đài, cửa sổ nhìn ra phía ngoài là cây cối, thiên nhiên. Trong phim có một lời thoại của nữ chính. Cô ấy thích mùa hè, thích cái nóng, giống như hòn than cô ấy dùng hằng ngày để nấu nướng. Tôi dựa vào lời thoại này để tạo ánh sáng trong phim có độ ấm, chất ấm.

Khi ánh sáng chuyển sang tông lạnh, phim sẽ báo hiệu chuyện nhân vật nữ sắp qua đời. Đó là độ hoàn hảo mà tôi muốn có trong phim của mình để dành tặng người xem.

Giữa nhiều chủ đề, vì sao ông lại chọn một bộ phim về ẩm thực?

– Tôi luôn muốn làm phim về nghệ thuật và tôi chọn nghệ thuật ẩm thực. Phim về ẩm thực cũng là phim về tình yêu. Cái chất tình yêu trong phim này đặc biệt ở chỗ đây là tình yêu “tuổi mùa thu”. Hai nhân vật đã sống với nhau rất lâu nhưng họ vẫn giữ được sự tươi mới trong mối QH.

Nhân vật nữ trong phim khao khát được độc lập trong đời sống. Cô ấy muốn được công nhận là một đầu bếp chứ không chỉ là một người vợ. Vì thế cô ấy luôn từ chối lời cầu hôn của nam chính dù họ chia chung giường gần 20 năm. Cái khoảng cách mà nhân vật nữ tạo ra chính là nét đẹp của mối QH.

Hai diễn viên chính trong phim là vợ cũ, chồng cũ của nhau ngoài đời. Điều đó có ảnh hưởng đến quá trình quay phim?

– 20 năm trước, họ kết hôn và có một cô con gái. Sau khi chia tay, họ không muốn làm việc lại với nhau. Khi lựa chọn diễn viên trong phim này, tôi có chút lo lắng. Nhưng sau vài ngày quay, tôi nhận ra họ đã hóa thân vào nhân vật, tạo nên không khí về chuyện yêu đương rất thú vị. Đó là mối QH thanh lịch, rất đẹp.

Tôi may mắn vì 2 diễn viên trong phim cực kỳ chuyên nghiệp. Họ không bao giờ có cử chỉ, hành động nào khiến chuyện riêng ngoài đời ảnh hưởng đến bộ phim.

“Tôi và Yên Khê đều hy sinh vì gia đình”

Tình yêu giữa 2 nhân vật trong phim có gợi nhớ đến mối QH của ông và Yên Khê ngoài đời?

– Tôi không thể nói chi tiết, nhưng phim này tôi làm tặng Yên Khê. Rõ ràng nhân vật nữ chính có ít nhất 97% Yên Khê ở trong đó.

Yên Khê phản ứng ra sao khi nhận món quà này?

– Trong lần đầu tiên tôi chiếu phim cho một số bạn bè, nhà đầu tư xem, đến đoạn cuối cùng khi hiện lên dòng chữ “tặng Yên Khê”, cô ấy đã bất ngờ và bật khóc. Mọi người xung quanh cười, bảo rằng đây là điều đương nhiên rồi, tại sao Yên Khê còn bất ngờ nữa (cười).

Yên Khê đã hỗ trợ ông ra sao trong quá trình quay phim?

– Yên Khê là giám đốc nghệ thuật cho phim. Những quyết định của cô ấy xuất phát từ đôi mắt rất tinh tế, nhạy bén. Chẳng hạn, nếu tôi thấy điều gì đó trong khung hình chưa ổn, tôi sẽ mất rất nhiều thời gian để biết vấn đề nằm ở đâu và phải làm gì để giải quyết. Nhưng Yên Khê sẽ nhìn thấy ngay lập tức, xử lý ngay lập tức.

Điều đó rất đáng quý vì ở trường quay, thứ đắt nhất là thời gian. Nếu mình xử lý vấn đề được nhanh chóng thì rất tốt cho tiến độ quay phim.

Ông và vợ có xảy ra mâu thuẫn khi làm việc chung?

– Tất nhiên bất đồng quan điểm thì có, nhưng chúng tôi không tranh cãi. Đến một lúc nào đó mỗi người đều có trách nhiệm và mình phải tôn trọng trách nhiệm đó. Chúng tôi cũng không có thời gian để cãi nhau rằng ai có lý, ai không.

Ông bà mình cũng thường nói sống với nhau phải biết nhường nhịn nhau. Cách chúng ta nhường nhau tạo nên sự thay đổi rất sâu sắc trong con người mình.

Bên cạnh nhường nhịn, điều gì giúp hôn nhân đạo diễn và vợ bền chặt?

– Yên Khê có khả năng giữ được, tạo được những sự tươi mới vì cô ấy có nhiều hoạt động trong công việc nghệ thuật. Ví dụ gần đây, Yên Khê có một triển lãm tranh và điêu khắc. Đó là sự tươi mới mà cô ấy mang vào đời sống gia đình của tôi. Cần có những sự đổi mới, thay đổi liên tục, điều đó rất thú vị.

Đạo diễn Trần Anh Hùng là người như thế nào khi ở bên vợ trong cuộc sống đời thường?

– Tôi luôn muốn làm trợ lý cho Yên Khê khi cô ấy làm việc. Có thời gian Yên Khê làm nội thất, có thời gian Yên Khê vẽ tranh. Khi cô ấy vẽ tranh, tôi giúp cô ấy căng vải vẽ, lau chùi dọn dẹp phụ cô ấy.

Làm trợ lý cho vợ khác với làm phim ở điểm gì?

– Làm trợ lý rất thú vị, vì tôi làm những việc không cần suy nghĩ nhiều, chỉ cần dùng đôi tay. Nó rất thư giãn. Chẳng hạn như tôi từng làm gốm trong lúc chờ đợi sản xuất phim. Một tuần tôi có thể làm đến 100 cái đĩa, cái ly. Thao tác rất nhanh chóng, không như làm phim, phải 5-6 năm mới có một bộ phim (cười).

Yên Khê hy sinh vì gia đình như thế nào?

– Yên Khê hy sinh cũng như tôi hy sinh vì gia đình. Tôi nghĩ nếu mình tự nguyện hy sinh cho một ai đó là điều tốt. Nó tạo nên mục đích chung của mối QH 2 người. Chẳng hạn như lúc Yên Khê có bầu, có con thì cô ấy gác lại đam mê hội họa để dành thời gian cho con cái. Dù rằng mọi người trong gia đình không ai đòi hỏi gì cả.

“Tôi khá tiếc khi nhà đầu tư chỉ quan tâm phim thương mại”

Vợ chồng ông truyền tình yêu quê hương Việt Nam cho các con Cao Phi, Lãng Khê như thế nào?

– Ngày nhỏ, 2 con tôi ít về Việt Nam vì thời tiết nắng nóng, thiếu viện bảo tàng, thiếu nhiều phim để cho các bạn xem. Nhưng bây giờ khi lớn lên, các bạn lại rất thích về đây. Điều đó diễn ra một cách tự nhiên.

Là con của đạo diễn nổi tiếng, Cao Phi và Lãng Khê đối mặt với áp lực ra sao khi theo đuổi nghệ thuật?

– Chắc chắn là có áp lực, nên tôi không bao giờ thúc đẩy áp lực cho các con về chuyện diễn xuất, đóng phim. Công việc này phải để cho các bạn tự khám phá ra, tự nhìn thấy chính mình, tự muốn làm việc đó thì 2 bạn sẽ thực hiện.

Trải nghiệm đáng nhớ nhất với ông trong cuộc đời làm phim là gì?

– Đó là khi tôi chiếu Mùi đu đủ xanh tại Đà Nẵng cách đây gần 30 năm. Dù điều kiện kỹ thuật thiếu thốn, màn hình chiếu phim chỉ là những tấm vải được may lại, thì khán giả vẫn có những phản ứng tuyệt vời.

Đạo diễn đánh giá ra sao về thế hệ làm phim trẻ hiện nay của Việt Nam?

– Các bạn trẻ bây giờ rất hay, tương lai các bạn còn dài. Nhưng tôi nghĩ Việt Nam còn thiếu nhiều thứ để có một nền điện ảnh thực sự. Theo tôi, làm phim là thứ nghệ thuật khó nhất trong các loại hình nghệ thuật, nhưng đạo diễn Việt Nam không có nhiều điều kiện thuận lợi để làm phim.

Muốn có một nền điện ảnh, thì phải có cả phim giải trí lẫn phim nghệ thuật. Tôi khá tiếc khi nhà đầu tư thời nay quan tâm nhiều hơn về phim “đẻ ra tiền”. Phim thương mại tạo nên nguồn doanh thu lớn, nhưng nhà sản xuất cũng cần quan tâm thể loại phim khác, thì mới tạo ra sự cân bằng trong xã hội.

Có những tranh cãi về phim giải trí doanh thu hàng trăm tỷ đồng nhưng chất lượng nghệ thuật kém. Ngược lại, phim nghệ thuật lại không kéo được khán giả ra rạp. Ông nghĩ sao?

– Tôi nghĩ không nên tranh cãi. Bản chất của phim thương mại là phải ăn khách. Số tiền thu lại sẽ giúp nền điện ảnh phát triển tốt hơn.

Điều này cũng là sự lựa chọn của mỗi đạo diễn. Có những người thích làm phim khó hơn, kén người xem, nhưng họ vẫn phải làm. Những người làm phim nghệ thuật phải tiếp tục làm phim nghệ thuật. Vì nếu không làm, sẽ không có những tác phẩm nghệ thuật, không có khán giả tương tác với nó.

Cảm ơn đạo diễn vì những chia sẻ!