Chuyện cha mẹ thương đứa con này hơn đứa con kia, thiên vị hay phân biệt đối xử giữa các con xưa nay không hiếm. Vậy nhưng khi nói ra, nhiều người sẽ phủ nhận ngay: Làm gì có chuyện đó, đứa nào tôi cũng thương như nhau.
Có khi cha hoặc mẹ thấy rõ người kia “thương các con không đều” nhưng không thuyết phục được hoặc xuề xòa: Tại nó giống ổng/bả hơn mà.
Việc đối xử thiếu công bằng sẽ gây ra tổn thương tâm lý cho trẻ
Việc đối xử thiếu công bằng giữa các con sẽ gây ra tổn thương tâm lý cho trẻ
Những đứa con cũng hay đùa khi nhắc đến chuyện thiên vị của cha mẹ. Thực ra, chuyện này có ảnh hưởng lâu dài đối với cuộc sống của họ.
Gọi là “thiên vị” khi một người hoặc cả cha và mẹ lúc nào cũng ưu ái đứa con này hơn đứa con khác. Họ có thể dành nhiều thời gian hơn, ít kỷ luật hơn và có nhiều đặc quyền hơn cho một đứa con nào đó.
Là cha mẹ, chúng ta thường cố gắng giữ thái độ trung lập và đối xử bình đẳng với tất cả con cái của mình. Thế nhưng, chuyện này nghe thì dễ còn làm lại khó.
Tại sao cha mẹ lại thiên vị?
Đứa con đầu của bạn là một công chúa và cô bé chính là “khuôn đúc” của bạn. Khi cô lớn lên thành thiếu nữ, bạn nhận ra hình ảnh của chính mình ở con. Bạn tự hào về điều đó. Và dù không cố ý, bạn cũng sẽ thiên vị đứa con này. Ngoài ra, cha mẹ cũng không thể không có chút tự hào khi một đứa con nào đó là siêu sao trong lớp hoặc là đội trưởng đội thể thao.
Thường thì đứa con được thiên vị là con cả hoặc con nhỏ. Đứa con đầu tiên giữ vị trí đặc biệt trong trái tim bạn và đứa con mới sinh cần sự quan tâm liên tục của bạn.
Hoặc đôi khi chỉ vì đứa con đó dễ bảo, dễ gần hơn hay có cùng sở thích, đam mê với cha mẹ. Bạn thích ca cổ, con cũng vậy. Bạn mê đá banh, con cũng thế.
Cũng có khi, cha mẹ cảm thấy gần gũi hơn với đứa con có bệnh hoặc có nhu cầu đặc biệt.
Và đến khi các con lớn lên, chuyện thiên vị có thể xảy ra với đứa con gần gũi cha mẹ về mặt cảm xúc hay thường hỗ trợ họ về tài chính.
Ảnh hưởng lâu dài đến tâm lý và đời sống của con
Theo các chuyên gia tâm lý, việc lớn lên trong một gia đình mà cha mẹ đối xử không công bằng với con cái sẽ để lại những ảnh hưởng lâu dài đối với các con. Trầm cảm, lo âu, phản ứng bất thường hoặc thậm chí gây tổn thương trong các mối QH cá nhân là những nguy cơ tâm lý lớn nhất với đứa trẻ “bị bỏ rơi”. Cả đứa trẻ được thiên vị và không được thiên vị đều có thể bị hội chứng lo âu về thành tích.
Các vấn đề về lòng tự trọng và cảm giác bị từ chối cũng theo đứa trẻ đến khi trưởng thành.
Đứa trẻ không được ưu ái sẽ cảm nhận giá trị bản thân thấp, có cảm giác bị từ chối và kém cỏi, kiểu như “bỏ cuộc” do cảm thấy mình không bao giờ có thể xứng đáng với sự quan tâm, yêu thương và tình cảm mà đứa con cưng nhận được. Điều này thường có tác động lâu dài đến thành tích học tập, hiệu quả công việc và cả trong các mối QH cá nhân, vì mối QH với cha mẹ sẽ đặt nền tảng và kỳ vọng cho các mối QH trong tương lai.
Đứa con “bị bỏ rơi” không cần cha mẹ và không cần bất cứ ai. Cảm giác bị bỏ rơi có thể khiến đứa trẻ trở nên quá độc lập. Trong khi đó, một chút độc lập thường là tốt, nhưng “quá độc lập” có thể dẫn đến sự cô lập.
Còn nữa, theo các nhà tâm lý, những đứa trẻ có cảm giác rằng chúng ít được ưu ái hơn có nhiều khả năng hành động nổi loạn, đặc biệt là khi chúng bước vào tuổi vị thành niên.
Đó là đứa con “không được thương”. Vậy còn đứa con được cưng thì sao? Có hoàn toàn sung s*** không? Chưa hẳn. Được ưu ái đồng nghĩa với việc dường như đứa trẻ này luôn bị các anh chị em khác oán giận. Cách đối xử thiếu công bằng của cha mẹ với con cái chả khác nào “liều thuốc độc” cho mối QH anh chị em.
Do được khen ngợi và thiên vị, những đứa trẻ này thường gặp khó khăn khi đối mặt với thất bại dưới bất kỳ hình thức nào, chúng còn bị áp lực phải giữ vững phong độ ngôi sao đến mức cảm thấy không có chỗ cho sai lầm.
Cách tốt nhất để tránh chuyện thiên vị là ý thức về cách đối xử với tất cả các con và cố gắng duy trì sự công bằng. Chuyện này có thể “bất khả thi” trong một số tình huống. Nhưng, điều đó không sao.
Trong thực tế, dù có nói ra hay không thì trẻ cũng cảm nhận được sự thiên vị của cha mẹ. Điều quan trọng cha hoặc mẹ có thể làm là thừa nhận cảm xúc của trẻ. Nếu con trẻ nói ra điều này thì đừng vội phủ nhận ngay: “Mẹ/Ba không hề thiên vị” và “lơ” cho qua chuyện. Thay vào đó, nên xác định cảm giác thực của trẻ và giải quyết vấn đề. Hãy cho trẻ cơ hội để nói với bạn về nhu cầu của chúng.
Đôi khi chỉ một nỗ lực nhỏ cũng có thể tạo sự khác biệt lớn trong QH, khiến cho cha mẹ và con gần nhau hơn.