Câu nói này của một nhà đầu tư lâu năm trong lĩnh vực BĐS. Nhóm nhà đầu tư nay chuyên đi săn đất sào, đất vườn diện tích lớn tại các tỉnh lân cận Tp.HCM. Họ đi mua đất của những người nông dân rồi có thể lướt sang tay, hoặc chờ lên giá bán ra hoặc phân lô để bán.
Những năm qua, đất đai ở các vùng quê dậy sóng một phần cũng đến những nhóm nhà đầu tư chuyên đi săn đất nông nghiệp. Những mảnh đất ở các vùng quê yên ả liên tục thiết lập mặt bằng giá mới; cùng mảnh đất được một người nông dân bán ra không biết qua tay bao nhiêu nhà đầu tư. Đa phần đó là những mảnh đất vài sào, hoặc vài héc-ta được mua bán với giá vài trăm triệu một sào.
Trong 4-5 năm trở lại đây, đất nông nghiệp ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh hay xa hơn là Bình Thuận, Bình Phước, thậm chí là Đắk Nông tăng giá 2-5 lần, thậm chí cả chục lần nên việc tìm mua đất xây dựng chuồng trại chăn nuôi, với nhiều doanh nghiệp là bất khả thi.
Thực tế, hiện nay, từ thành thị đến nông thôn, đâu đâu người dân cũng bàn tán về mảnh vườn này, bãi đất kia được bán với giá “trên trời”, thông tin nhiễu loạn, thực thực hư hư khiến người dân hoang mang, khó hiểu. Ngay ở những miền quê vùng núi, có nhà bán mảnh đất chưa đầy 2 sào ở tận rừng sâu, đường chưa làm, điện chưa tới mà tới tận 1 tỷ đồng, gần đó có gia đình bán với giá 2 tỷ đồng… và thậm chí cao hơn trong khoảng thời gian ngắn.
Một người nông dân tại Hàm Thuận Nam từng chia sẻ, có 10 héc-ta đất canh tác trồng keo, thanh long, sắn…nhưng khi đất sốt, thấy nhà đầu tư ùn ùn về mua, giá đất nhảy mua liên tục cũng bán đi 1 héc -ta với giá 900 triệu đồng. Thế nhưng, chỉ khoảng 1-2 tuần mảnh đất này đã được rao bán qua tay 2-3 người với mức giá đã nhảy vọt lên 1.2-1.5 tỉ đồng/héc-ta. Theo vị nông dân này, có khá nhiều NĐT vẫn “chăm chăm” hỏi mua đất nhưng bán đi thì tiếc, mà không bán thì cũng thấy tiếc tiền vì cũng chưa bao giờ nghĩ có ngày mảnh đất tự canh tác từ đời cha ông đến nay lại có giá đến như vậy.
Không thể phủ nhận, thời gian qua, cò đất rồi cả nhà đầu tư đi theo nhóm lùng sục, thậm chí ” ăn chực nằm chờ” trong xóm, tận thôn quê để tìm đất. Đất lên giá, nhiều người quê đang không có công ăn việc làm, lại lúc nông nhàn cũng gia nhập đội ngũ những người làm “cò đất”. Họ đưa khách đến vườn nhà dân xem đất và hưởng hoa hồng, ăn chênh lệch. Họ được gọi với cái tên là “môi giới thổ địa”.
“Tôi thấy đất còn bao la; không rõ nhu cầu tăng cao thật hay chỉ là chiêu trò của một nhóm người nào đó tạo “sóng” để kiếm lời? nhưng thấy nhà đầu tư đổ về tìm đất dữ lắm, có đợt còn tranh nhau mua, có nhóm đi ăn cơm chưa kịp qua đặt cọc là có nhóm khác đã cọc mất”, vị nông dân ở Hàm Thuận Nam chia sẻ.
Thực tế thì đã có rất nhiều bài học nhãn tiền từ cơn sốt đất đi qua. Trong đó, bài học dễ thấy nhất là người nông dân mất đất, không có đất canh tác; ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế địa phương. Thậm chí, chính những người nông dân đã từng bán đất của mình cho nhà đầu tư đã phải bỏ tiền nhiều hơn để mua lại mảnh đất của mình sau khi đã qua tay nhiều người. Có thể thấy, đất nông nghiệp sau khi xẻ lô bán cho người đầu cơ đa số bị bỏ hoang hoặc sản xuất cầm chừng chờ thời. Nông dân bán đất bỗng chốc giàu có nhưng không còn sinh kế. Tiền bán đất thường teo tóp dần. Tưởng giàu có, bỗng chốc nông dân hóa nghèo. Có tiền không có nghĩa dễ dàng chuyển đổi nghề nghiệp khác có thu nhập ổn định. Nông dân thất nghiệp ngay trên mảnh đất quê nhà. Nguy cơ bất ổn xã hội sẽ xuất hiện từ đây.
Từng là nhóm chuyên săn đất nông nghiệp từ những người nông dân ở các tỉnh lân cận Sài Gòn để bán hưởng chênh, anh D, ngụ Tp.HCM tâm sự với anh em: “Về quê mua đất, thấy tội bà con nông dân quá”. Anh D nói: Thấy người nông dân lấm lem chân đất, vội vàng đi bán đất, tâm lý bị dao động khi giá đất lên cao. Thế nhưng, nói vậy, nhóm anh D vẫn không dừng lại ý định tìm kiếm đất dân để mua!
Có một người tên Thanh Hồng đã từng phải thốt lên “Đừng mang tiền về quê mua đất nữa, xin các ông bà đấy”, là nỗi lòng của những người từng ngày thấy đất đai của người nông dân bị mất đi, sinh ra những hệ luỵ sau đó. Theo cách họ nói, chứng kiến cảnh từng đoàn ô tô tìm về mua đất, tôi không khỏi buồn phiền và lo lắng cho tương lai ở vùng quê bình yên của mình.
“Ngoài 50 tuổi rồi, tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng từng đoàn xe ô tô tìm về quê mua đất như thời gian gần đây. Đất đầu làng cũng đã đẩy giá lên vài tỷ đồng 1 lô. Vũng trâu đằm sâu tít trong ngõ cũng rao bán 400 – 500 triệu. Người người bán đất, nhà nhà bán ao. Bán xong thì xây cái nhà to đùng dù ít người ở. Có tiền thì mua sắm ô tô, xe máy. Rồi sinh ra ăn chơi, đàn đúm. Trẻ con cũng đua đòi tóc xanh, tóc đỏ. Tự dưng có tiền tỷ mà. Không tiêu thì cũng chẳng biết làm gì hơn”, vị này từng chia sẻ.
Dĩ nhiên, những người ở xa mua đất, họ sẽ không chuyển về đây ở, đó là điều chắc chắn. Họ sẽ mua đi, bán lại cho người khác kiếm lời. Cứ như thế, đất thì bỏ hoang nhưng giá sẽ đẩy lên cao nữa. Những người dân quê sau này muốn có miếng đất làm nhà thì không đủ tiền mua.
TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam từng cho rằng, trong các đợt “sốt” đất xảy ra ở tỉnh lẻ, các địa phương nông nghiệp, việc người dân địa phương bán đi đất đai, đồng nghĩa với việc bán đi nguồn thu nhập chính, nuôi sống gia đình. Đơn cử, tại huyện Hớn Quản, nơi mà đa phần người dân địa Phương trước giờ sống nhờ vào nông nghiệp như là trồng cây cao su và thu hoạch mủ cao su để nuôi sống gia đình. Vậy việc bán đi những mẩu đất này không khác gì bán đi cần câu cá khi giờ họ đã mất đi nguồn thu nhập chính.
Theo vị chuyên gia này, đây là một vấn đề rất cần sự quan tâm của các cấp quản lý. Việc quy hoạch hợp lý và đề cao tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là ở vùng nông thôn khi đa phần người dân ở đây thiếu tiếp cận với nhiều nguồn thông tin đáng tin cậy và phổ quát, sẽ giúp cho việc tránh xảy ra những bong bóng nhà đất. Đồng thời nếu nhìn từ góc nhìn vĩ mô hơn, thì việc mọi người chỉ tập trung vào hưởng lợi từ việc lên giá đất mà không chú trọng đến việc tăng giá trị thặng dư từ lao động sản xuất sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế.